Sạt lở, sụt lún nhiều tuyến đường ở Kiên Giang
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 10:30, 27/03/2024
Ông Dương Quốc Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng cho biết, mùa khô 2023 - 2024 đến sớm và độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm. Cùng với đó, theo dự báo, mùa mưa năm 2024 đến trễ và lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, khả năng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh rất cao. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2024, huyện U Minh Thượng chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu ban hành lịch đóng cống, đắp đập ngăn mặn vùng đệm, tăng cường bảo vệ sản xuất; các giải pháp phòng chống sạt lở, đảm bảo nguồn nước sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2024…
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nước ngọt để tưới tiêu diện tích sản xuất (cây ăn trái, hoa màu) rất lớn khiến mực nước các kênh trong đê bao thuộc vùng đệm U Minh Thượng xuống nhanh. Cùng với đó, nắng nóng kéo dài dẫn đến tình trạng khô, cạn nước trên các kênh làm sụt lún, sạt lở, gây khó khăn khi vận chuyển hàng hóa.
Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, từ ngày 6/3 đến ngày 25/3, đường tỉnh 965 và các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Minh Thuận và An Minh Bắc đã xảy ra các điểm bị sạt lở, sụt lún. Tổng chiều dài đường giao thông nông thôn sạt lở 3.710 m (sạt lở 2.090 m; 1.620 m rạn nứt có nguy cơ sạt lở). Trong đó, xã An Minh Bắc có 53 điểm sạt lở với chiều dài 3.219 m; xã Minh Thuận 21 điểm với chiều dài 451 m, sụp một căn nhà và cầu Hợp tác xã Kênh Năm... Ước tính, giá trị thiệt hại đến thời điểm này khoảng 20 tỷ đồng.
Ông Khởi cho biết, trước mắt, đối với các điểm sạt lở, rạn nứt, huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn tiến hành giăng dây, kẻ vạch, cắm biển báo, đèn tín hiệu… để người dân chú ý an toàn khi tham gia giao thông qua những đoạn đường này. Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn phối hợp xác định khu vực có nguy cơ sạt lở tiến hành giăng dây, kẻ vạch… để cảnh báo người dân. Chính quyền địa phương vận động các nhà ven sông trong khu vực vùng đệm có điều kiện nên di dời và kiên quyết di dời đối với các căn nhà ở khu vực rạn nứt có nguy cơ sạt lở cao.
Trước mắt, huyện sẽ thực hiện các biện pháp khắc phục tạm thời hậu quả do sạt lở gây ra để đảm bảo cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Ngày 25/3, ông Đào Huy Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang ký tờ trình gửi UBND tỉnh Kiên Giang về việc xử lý khẩn cấp sạt lở nền đường trên tuyến đường ĐT.965 (đê bao U Minh Thượng) do hạn, mặn gây ra.
Theo đó, đường ĐT.965 có tổng chiều dài 60km, được đầu tư với bề rộng mặt đường 5,5m, nền đường rộng 6,5m. Với kết cấu mặt đường láng nhựa, nhằm phục vụ việc đi lại của người dân xung quanh vùng đệm của Vườn quốc gia U Minh Thượng.
Hằng năm, tuyến đường được thường xuyên tổ chức duy tu, sửa chữa, xây dựng kè chống sạt lở dọc theo tuyến, đảm bảo giao thông thông suốt.
Năm 2024, mùa khô đến sớm và nắng hạn, mặn kéo dài, chịu ảnh hưởng nặng nề. Các kênh bên ngoài thông với kênh đê bao ngoài đã được đắp đập ngăn nước mặn, nên mực nước kênh đê bao ngoài hạ rất thấp so với mức bình thường từ 2-3m, cách cao độ mặt đường từ 3-4m, gây ra hiện tượng sạt lở dọc tuyến bờ kênh.
Qua kiểm tra thực tế hiện trường, nhiều đoạn đường có chiều dài từ 20-65m bị sạt lở nghiêm trọng gây sụt lún, rạn nứt mặt đường.
Trong đó, sạt lở gây hư hỏng 1 căn nhà ước thiệt hại trên 50 triệu đồng; còn lại đoạn dài 180m trước UBND xã Minh Thuận có nguy cơ sạt lở.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo đơn vị quản lý tuyến thực hiện công tác đảm bảo giao thông như: Kẻ vạch sơn cảnh báo; lắp báo hiệu đường sạt lở; gắn đèn báo hiệu và giăng dây tại vị trí sạt lở... để các phương tiện giao thông biết..
Sở Giao thông vận tải Kiên Giang đề xuất UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND huyện U Minh Thượng tổ chức tuyên truyền, vận động và yêu cầu người dân có nhà cặp phía kênh thuộc tuyến đường ĐT.965 tháo dỡ, di dời vào phần đất liền, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Cho phép thực hiện sửa chữa ngay các vị trí sạt lở nghiêm trọng, với chiều dài 105m trên tuyến đường ĐT.965 (đê bao U Minh Thượng) với kinh phí 500 triệu đồng.
Các vị trí có nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 1km, tổ chức khảo sát, thiết kế sửa chữa trong năm 2024-2025, dự kiến kinh phí 10 tỉ đồng.
Trong các năm tiếp theo, tiếp tục xử lý các điểm tiềm ẩn một cách triệt để với chiều dài khoảng 7km.