Người dân miền núi tỉnh Quảng Trị thiếu nước sạch để sử dụng
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 18:30, 27/03/2024
Theo báo cáo của UBND huyện Đakrông (ban hành ngày 15/9/2023), trên địa bàn huyện có 1.234/1.285 hộ dân ở thị trấn Krông Klang sử dụng nước sạch để sinh hoạt, chiếm tỉ lệ 96,03% so với tổng dân số toàn thị trấn; có 2.840/10.078 hộ dân ở khu vực nông thôn sử dụng nước sinh hoạt từ các công trình nước tự chảy, chiếm tỉ lệ 28,18%; có 5.930/10.078 hộ dân ở khu vực nông thôn sử dụng nước sinh hoạt từ công trình nước giếng khoan, giếng đào, chiếm tỉ lệ 58,84%.
Toàn huyện có 72 công trình cấp nước tự chảy, trong đó có 27 công trình sử dụng ổn định, 12 công trình sử dụng tốt và 33 công trình bị xuống cấp, không sử dụng được. Toàn huyện còn khoảng 1.310 hộ chưa có nước hợp vệ sinh và khoảng 8.778 hộ chưa có nước sạch đáp ứng quy chuẩn để sử dụng. Với tỉ lệ 12,9% số hộ dân nông thôn huyện Đakrông sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung là còn thấp hơn rất nhiều so với bình quân của tỉnh.
Huyện Hướng Hóa có 19 xã và 2 thị trấn với 149 khối, thôn, bản, trong đó có 14 xã thuộc khu vực III, 11 thôn đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 22.942 hộ dân với 94.960 nhân khẩu. Năm 2022, toàn huyện có 52 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung và công trình cấp nước nhỏ lẻ đảm nhận nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 12.187 hộ dân và còn khoảng 4.250 hộ dân chưa có nước hợp vệ sinh.
Trong tổng số 52 công trình cấp nước sinh hoạt có 29 công trình không hoạt động, 15 công trình hoạt động kém hiệu quả, kém bền vững và 8 công trình hoạt động tương đối bền vững. Toàn huyện có 4.576 hộ dân sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn, chiếm tỉ lệ khoảng 27,84%.
Huyện Vĩnh Linh có 3 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở phía Tây của huyện gồm: Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà với tổng số 811 hộ và 3.062 nhân khẩu. Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Vĩnh Linh (ban hành ngày 14/9/2023), trên cơ sở thống kê số liệu về tỉ lệ sử dụng nước sạch tại 3 xã miền núi, trong đó xã Vĩnh Hà đạt 67,91%, xã Vĩnh Ô đạt 23,1%, xã Vĩnh Khê đạt 37,42%.
Xã Mò Ó, huyện Đakrông có 542 hộ dân với 2.046 nhân khẩu. Tính đến tháng 10/2023, toàn xã mới có 142 hộ dân được sử dụng nước sạch, còn hơn 68% dân số còn lại phải sử dụng nước từ các công trình giếng khoan, giếng đào, nước tự chảy.
Nhiều hộ dân nơi đây lo ngại bởi bị nhiễm các bệnh về thận, gan, ung thư, da liễu, tiêu hóa do liên tục trong thời gian dài dùng nước chưa chuẩn sạch để sử dụng trong sinh hoạt. Mặc dù biết nước tự chảy chưa hợp vệ sinh nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn dùng để nấu nước uống, phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Trên địa bàn xã Lìa, huyện Hướng Hóa có 2 công trình nước sạch tại thôn Kỳ Tăng và thôn A Xau, do đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều năm nên hiện nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng, ngừng hoạt động. Hiện trạng nguồn nước từ các khe suối trên địa bàn vào mùa mưa thì đục, mùa nắng thì nước cạn.
Đầu nguồn và hai bờ các khe suối do ảnh hưởng từ việc người dân phun thuốc trừ cỏ để phục vụ sản xuất nên nguồn nước hầu như không sử dụng được. Để phục vụ sinh hoạt hằng ngày, người dân trên địa bàn đã sử dụng nước giếng khoan. Tuy nhiên, nước giếng khoan hầu như bị nhiễm vôi nặng nên chỉ sử dụng để tắm rửa là chủ yếu.
Xã Thanh, huyện Hướng Hóa có 219 công trình giếng khoan phục vụ nước sinh hoạt cho 1.740 nhân khẩu sử dụng, được phân bố tại 6/6 thôn bản. Mặc dù các hộ có nước giếng khoan nhưng không dùng được trong việc ăn uống, vì nguồn nước bị nhiễm vôi nặng. Bên cạnh đó, có 639 hộ dân chưa có giếng khoan, nguồn nước sử dụng sinh hoạt 100% nước sông suối, phần lớn chưa qua xử lý, ẩn chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng nguy hiểm gây hại cho sức khỏe.
Nhiều hộ dân ở các thôn gồm: Lền, Xà Lời, Xà Nin, thôn Mít, thuộc xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh có 6 giếng đào, chưa có giếng khoan tập trung nên người dân chỉ sử dụng nước tự chảy, hoặc sử dụng nước sông, suối để phục vụ sinh hoạt.
Do thời gian dài phải dùng nguồn nước tự chảy, nước giếng khoan, giếng đào phục vụ sinh hoạt nên người dân ở các xã miền núi thuộc huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh luôn khao khát được sử dụng nước sạch.
“Từ lâu, gia đình tôi sử dụng nguồn nước tự chảy dẫn từ suối về rồi đưa vào bể lắng để sử dụng dần. Mùa khô thì thiếu nước, mùa mưa bão thì nước đục, nhiều khi đá, rác, cành cây làm tắc ống dẫn nước nên con tôi phải ngược lên đầu nguồn để sửa chữa mới dùng được. Tôi rất mong muốn các cấp quan tâm đầu tư hệ thống nước sạch cho người dân sử dụng”, bà Hồ Thị Móm, (74 tuổi), ở thôn Đồng Đờng, xã Mò Ó, huyện Đakrông kiến nghị.
Thiếu nước sạch và lo ngại nước từ các công trình giếng khoan, giếng đào, sông suối nhiễm vôi, phèn, tạp chất, thuốc trừ sâu nên nhiều hộ dân sử dụng nước mưa (chủ yếu chưa qua xử lý), mua nước lọc đóng bình để nấu ăn, uống hằng ngày. Khi được hỏi nguyện vọng về nguồn nước sinh hoạt, anh Hồ Văn Thông cùng vợ là chị Hồ Thị Van, ở thôn Bản 10, xã Thanh, huyện Hướng Hóa đều cho biết rất mong các cấp quan tâm đầu tư hệ thống nước sạch để người dân sử dụng, an tâm sinh sống.
Trước thực trạng thiếu nước sạch cho người dân sử dụng, chính quyền các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh đã kiến nghị các cấp, HĐND tỉnh Quảng Trị sớm khảo sát, đánh giá lại hiện trạng các công trình nước sinh hoạt, hỗ trợ kinh phí cho địa phương để sửa chữa, hoặc đầu tư xây dựng mới nhằm giúp người dân có đủ nguồn nước sạch để sinh hoạt.
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là người dân vùng khó khăn. Để phát huy hiệu quả các công trình cấp nước tập trung tại cộng đồng thì cần chuyển đổi các mô hình hoạt động thông qua việc xác lập đánh giá mức độ hiệu quả của các loại công trình.
Xem xét tìm nguồn đầu tư xây dựng các giếng khoan, hệ thống cung cấp nước sạch tại các khu dân cư theo hình thức xã hội hóa. Trong quá trình xây dựng các giếng khoan cần có bể lọc, bể chứa để khử bớt phèn, vôi nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người dân miền núi.