Hải Dương nhân rộng phong trào xử lý rác thải tại nhà bằng men vi sinh
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 09:30, 28/03/2024
Sử dụng men vi sinh IMO (vi sinh vật bản địa) để ủ rác thải hữu cơ tại nhà vừa giúp nhanh phân hủy rác, không gây mùi hôi thối, còn có thể tái chế thành phân bón cho cây trồng. Nhiều địa phương ở Hải Dương đã áp dụng phương pháp này vừa giảm lượng rác thải ra môi trường, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng và cũng là một giải pháp bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả cao.
Hiệu quả từ những mô hình điểm
Chia sẻ về phong trào phụ nữ tự xử lý rác hữu cơ tại nhà bằng men vi sinh, chị Nguyễn Thị Điệp, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tân Dân (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) cho biết hiện toàn phường có 530 hộ tham gia thực hiện phân loại và xử lý rác tại nhà, trong đó có 211 hộ xây bể hoặc dùng thùng ủ bằng men vi sinh IMO.
Phường Tân Dân có 2.345 hộ với hơn 8.300 nhân khẩu, tổng số rác thải sinh hoạt toàn phường trung bình khoảng 4 tấn/ngày. Trước đây, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày trên địa bàn phường đều được thu gom và tập kết, xử lý tại bãi rác tập trung theo phương pháp chôn lấp. Từ tháng 4/2022, Hội Phụ nữ phường chọn Chi hội Phụ nữ khu dân cư Giang Hạ làm điểm mô hình “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng men vi sinh”. Sau 8 tháng triển khai, mô hình chưa mang lại hiệu quả cao và chỉ có 20 hộ tham gia.
“Đầu năm 2023, chúng tôi thay đổi cách làm và kết quả là đã thu hút được nhiều hội viên tham gia”, chị Điệp chia sẻ.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, Hội Phụ nữ phường Tân Dân đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm được gần 30 triệu đồng hỗ trợ hội viên xây bể, mua thùng ủ rác. Ban Chấp hành Hội Phụ nữ chuẩn bị nguyên liệu gồm cám gạo, sữa chua, đường, men tiêu hóa, men rượu, chuối chín tạo thành 200 kg men khô để cấp phát cho 50 hội viên và hướng dẫn xử lý rác thải tại nhà. Tùy điều kiện thực tế, các hộ xây dựng bể hoặc dùng thùng phi, nhựa để ủ rác hữu cơ.
Theo chị Điệp, việc dùng men vi sinh ủ rác thải hữu cơ tại nhà vừa phục vụ làm phân bón thay thế phân hóa học, bảo vệ môi trường, vừa giảm lượng rác thải, lại hiệu quả kinh tế trong canh tác, trồng trọt…đã thu hút các hộ gia đình tham gia. Đến nay, toàn phường có 530 hộ tham gia thực hiện phân loại và xử lý rác tại nhà, trong đó có 211 hộ xây bể hoặc dùng thùng ủ bằng men vi sinh IMO.
Năm 2023, Hội Phụ nữ huyện Cẩm Giàng cũng chọn Chi hội Phụ nữ thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn để ra mắt mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng men vi sinh với 30 thành viên. Hội đã hướng dẫn các thành viên cách phân loại rác sinh hoạt, quy trình pha trộn men vi sinh IMO và cách ứng dụng men IMO trong sinh hoạt, sản xuất, chăm bón cây trồng… Từ hiệu quả mô hình đem lại, đến nay, 100% hội phụ nữ các xã, thị trấn của huyện Cẩm Giàng đã xây dựng được mô hình điểm hưởng ứng. Các thành viên đã tự làm men vi sinh IMO dùng ủ rác thải hữu cơ, thu nước rỉ để làm nước tưới cây trồng, phun khử khuẩn chuồng trại. Nhiều hộ thí điểm sử dụng nước làm phân tưới cho rau màu, cây ăn quả. Có hộ dùng khử mùi làm sạch chuồng trại chăn nuôi, bồn rửa, hố ga, cống rãnh, làm sạch ao nuôi cá… Trong năm 2024, Hội Phụ nữ huyện Cẩm Giàng tiếp tục nhân rộng mô hình trong các bếp ăn tập thể, nhất là bếp ăn bán trú tại các trường học trên địa bàn để xử lý lượng rác hữu cơ lớn.
Nhân rộng thành phong trào
Theo báo cáo của Hội Phụ nữ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 10/12 huyện, thị xã, thành phố với 71 mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng men vi sinh. Cách làm đơn giản, có thể tự pha trộn tại nhà theo công thức, nguyên liệu sẵn có, chi phí thấp là những lợi ích mà mô hình này đem lại. Một ưu điểm khác của mô hình này chính là giá rẻ. Chỉ mất khoảng 20.000 đồng để mua 1 cân men gốc ban đầu, sau đó có thể tự nhân bản còn khoảng 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, chế phẩm sinh học thường có giá khá cao từ 50.000 - 200.000 đồng/kg. Mặt khác, nguyên liệu để làm men vi sinh này rất dễ kiếm như cám gạo, sữa chua, chuối chín, men rượu, men tiêu hóa, đường, nước sạch… Cách làm loại men ủ này cũng khá dễ dàng, người dùng chỉ cần cho các nguyên liệu vào trộn đều rồi ủ từ 7-10 ngày, khi thấy có mùi men rượu là đã đạt. Sau khi phơi gió khô sẽ tạo thành 5 kg men IMO. Việc sử dụng men vi sinh IMO này giúp rút ngắn thời gian phân hủy rác hữu cơ. “Có thể khẳng định mô hình sử dụng men vi sinh IMO của Hội Phụ nữ đã triển khai bước đầu mang lại hiệu quả kép, giảm lượng rác thải ra môi trường và rác thải qua xử lý trở thành nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Đây cũng là hướng đi mới gợi mở, đề xuất giải pháp trong bảo vệ môi trường”, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Cẩm Giàng Mai Thị Thu Hương chia sẻ.
Tuy nhiên, việc triển khai mô hình sử dụng men vi sinh trong xử lý rác thải cũng gặp một số khó khăn như việc nhân bản men phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa hè có thể 4 ngày men đã đạt, còn mùa đông có thể tới 10-15 ngày. Men IMO trong quá trình đang xử lý rác không được để lâu quá 1 tháng mà phải xử lý rác thường xuyên, nếu để lâu quá men IMO sẽ hỏng, gây mùi hôi. Điều quan trọng là một số địa phương mới dừng lại mô hình riêng của hội phụ nữ, chưa huy động được sự vào cuộc của các cấp, ngành nên dù mô hình có hiệu quả kép nhưng chưa thể nhân rộng.
Theo Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Phạm Thị Phương, để nhân rộng mô hình này, Hội Phụ nữ tỉnh tiếp tục tham mưu với cấp ủy và chỉ đạo các cơ sở hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên hiểu rõ hơn về lợi ích mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng men vi sinh tại nhà. Tiếp tục kiến nghị với các cấp ủy và chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ với các ngành tạo nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường ở cơ sở nói chung và xây dựng mô hình nói riêng…