Nhiều tỉnh Tây Bắc chịu thiệt hại lớn do giông lốc, mưa đá
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:30, 29/03/2024
Thông tin từ Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, vào khoảng 10h sáng 28/3, một trận mưa lớn kéo dài trong 1 giờ đồng hồ kèm theo giông lốc xảy ra trên địa bàn các xã, thị trấn. Thống kê ban đầu cho thấy, trận mưa đã làm tốc mái gần 300 nhà dân, 2 nhà văn hóa, 2 trường học, 9 nhà xưởng bị hư hỏng cùng nhiều tường rào, cột điện bị đổ, gãy. Ngoài ra, ở nhiều xã, mưa lớn kèm theo gió mạnh khiến 180ha cây cối, hoa màu (ngô, rau và cây chuối) và 143ha cây lâm nghiệp bị gãy, đổ…
Ngay sau khi mưa lớn xảy ra, lãnh đạo huyện Hạ Hòa cùng các đơn vị liên quan đã hỗ trợ nhân dân, nhanh chóng khắc phục các thiệt hại.
Không chỉ ở Phú Thọ, hiện tượng mưa đá, giông lốc còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành khác ở phía Bắc.
Tại Yên Bái, cũng vào khoảng 10h sáng ngày 28/3, ở huyện Mù Cang Chải có 19 ngôi nhà bị tốc mái ở các xã Kim Nọi, Dế Xu Phình, Cao Phạ và thị trấn Mù Cang Chải do trận mưa lớn kèm gió mạnh. Thiệt hại được thống kê bao gồm: công trình của điểm trường mầm non bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình bị hư hỏng nặng, 1 cột điện bị đổ, 2ha diện tích hoa màu của người dân bị dập nát…
Trên địa bàn các xã Suối Quyền, An Lương, Suối Giàng, của huyện Văn Chấn (Yên Bái) cũng có nhiều nhà dân bị tốc mái, một số cây lớn bị quật đổ, 2 rạp cưới bị thổi bay. Tại xã An Lương còn có 1 người bị thương do bị tấm lợp rơi vào người, ngay sau đó, người này đã nhanh chóng được đưa đến cơ sở y tế chữa trị.
Mưa lớn và giông lốc cũng xuất hiện tại tỉnh Hà Giang trong ngày 28/3 đã gây sạt lở đất đá, khiến nhiều nhà dân bị sập, tốc mái và một số diện tích hoa màu hư hại.
Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, có ít nhất 190 căn nhà bị sập và tốc mái trên địa bàn các huyện: Yên Minh, Quản Bạ, Quang Bình, Xín Mần và huyện Vị Xuyên.
Huyện Mộc Châu (Sơn La) cũng ghi nhận hiện tượng mưa đá với những hạt đá to bằng ngón tay, tạo thành lớp trắng xóa trên mặt đất sau khoảng 20 phút. Mưa đá làm dập cây, hư hại một số loại cây ăn quả trên địa bàn này.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu nén rãnh áp thấp, kết hợp với hội tụ gió trên độ cao 1.500-5.000m đã gây ra tình trạng mưa đá kèm giông lốc ở các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, từ tháng 3 đến tháng 4 là giai đoạn chuyển mùa nên hiện tượng thời tiết cực đoan này cũng thường xuất hiện hơn.