Khôi phục sen Hồ Tây
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 18:28, 30/03/2024
Những đặc điểm về thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là nguồn nước Hồ Tây đã tạo nên giống sen quý ở nơi đây. Sen quý vì bông lớn, căng mọng, khi nở to như hai bàn tay, có trăm cánh, giữ cho sen một mùi thơm thuần khiết, ngát đượm. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa và ô nhiễm môi trường, diện tích trồng sen tại đây đã bị thu hẹp đáng kể.
Bà Lưu Thị Hiền (Quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ:“Trồng sen là nghề truyền thống của chúng tôi. Tuy nhiên nó đang bị mai một dần do nước ở Hồ tây hiện không còn được sạch như trước nữa. 2 - 3 năm trở lại đây thường xảy ra hiện tượng sen đang xanh tốt nhưng đột nhiên lại chết hàng loạt, không đủ sản lượng...”
Sen là loại cây khó trồng và chăm sóc, vì vậy để có thể duy trì, người dân nơi đây đã phải thực hiện rất nhiều biện pháp kết hợp. Tuy nhiên, sản lượng đem lại vẫn không đủ để sản xuất lớn.
Chị Trần Thị Thủy (Quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Nếu thấy những yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh cho sen, tôi thường cho công nhân vào vệ sinh sạch sẽ xung quanh trước. Sau đó rắc vôi bột và bón thuốc, rồi dần dần mới đưa nước vào…”
Trước thực tế diện tích trồng sen đang bị thu hẹp, mới đây, UBND quận Tây Hồ đã thực hiện dự án "Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội".
Bước đầu, các hộ dân sẽ được cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sen Hồ Tây. Các chuyên gia cây trồng sẽ cùng đồng hành với người dân trong suốt quá trình sen phát triển. Để kịp vụ sen tháng 6, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả và Trung tâm Khuyến nông TP Hà Nội thực hiện song song việc hút nước hồ Đầu Đồng, rắc vôi khử khuẩn làm sạch nước hồ.
PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện một loạt các biện pháp như tư vấn cho chính quyền và người dân tiếp nhận việc cần phải bơm sạch nước trong hồ để xử lý đất, nước. Hồ nào có thể ngăn được từng ô thì ngăn luôn. Sau này nếu có bị lây bệnh thì sẽ khoanh vùng và xử lý nhanh hơn.”
Quận Tây Hồ hiện có 18 hồ nhỏ xung quanh Hồ Tây, trong đó khoảng 20,5 ha diện tích mặt nước có thể trồng sen. Năm 2024, quận Tây Hồ sẽ thí điểm trồng sen trên 7,5 ha, 13 ha còn lại sẽ được triển khai những năm tiếp theo.
3 đơn vị sẽ phối hợp trồng sen chất lượng cao trên diện tích là 7,5ha tại hồ Đầu Đồng, Thủy Sứ trên (phường Quảng An) và các hồ Ao Sen 1, Ao Sen 2 (phường Nhật Tân). Các sản phẩm thu hoạch từ sen là hoa để ướp chè, trang trí và hạt để làm thực phẩm gắn với phát triển du lịch.
Ông Trần Gia Hùng - Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho các phường tập trung giúp đỡ người dân khôi phục nghề trồng sen trong thời gian sớm nhất. Dự kiến đến khoảng tháng 6, chúng tôi sẽ tổ chức lễ hội sen Tây hồ nhằm quảng bá và phát triển du lịch của địa phương.”
Sen Hồ Tây đã được công nhận sở hữu trí tuệ. Đây là loại sen đặc biệt, không nơi nào có được. Việc khôi phục không chỉ có giá trị bảo tồn loài sen quý mà còn góp phần vào các dự án phát triển du lịch, tạo nên nét đẹp đặc trưng cho quận Tây Hồ, là yếu tố thu hút du khách mỗi dịp ghé thăm thủ đô.