Kiểm kê khí nhà kính - Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 16:50, 01/04/2024
Khóa đào tạo ngắn về hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải và thị trường carbon thu hút đông đảo sự tham gia của các doanh nghiệp. Theo kết quả một khảo sát tại 537 doanh nghiệp có phát thải ước tính trên 10.000 tấn CO2 tương đương, thì gần 32% doanh nghiệp đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trong số đó chủ yếu thuê bên thứ 3 kiểm kê; còn lại phần nhiều tự làm. Đây là lĩnh vực mới nên phần lớn doanh nghiệp vẫn gặp nhiều lúng túng, khó khăn.
Ông Tô Anh Tuấn - Ban An toàn Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai Nghệ An cho biết: “Kiểm kê khí nhà kính là vấn đề mới - Các doanh nghiệp bước đầu tiếp cận trong vấn đề này còn gặp khó khăn, trong hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế, thứ hai nữa là vấn đề nhận thức của lãnh đạo các đơn vị doanh nghiệp từng bước tiếp cận đến vấn đề này còn cần thời gian để có phương án tiếp cận và bố trí nguồn lực để thực hiện.”
Hiện, phương pháp kiểm kê đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng, là dùng số liệu các nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh như than, xăng, dầu, điện… rồi để quy đổi bằng công thức thì ra được lượng phát thải khí nhà kính.
Ông Nguyễn Quang Dũng - Công ty Than Quang Hanh, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cho biết: “Kiểm kê thực tế về tiêu hao năng lượng, các tiêu thụ năng lượng của đơn vị sử dụng, ví dụ điện năng tiêu thụ bao nhiêu, than đá, khí gas, các năng lượng có thể phát thải khí nhà kính theo hướng dẫn của Bộ Công thương.”
Nằm trong danh sách gần 2000 doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo kiểm kê khí nhà kính, nhà máy này đã nộp báo cáo đúng quy định. Theo kết quả kiểm kê thì nguồn phát thải lớn nhất của nhà máy đến từ nguồn điện năng tiêu thụ cho việc sản xuất. Từ kết quả đo kiểm này, nhà máy đã tìm nguồn nhiên liệu sạch thay thế nhiên liệu truyền thống, từ đó giảm phát thải.
Ông Phạm Hữu Trí – Giám đốc Chuỗi Cung Ứng Miền Bắc, đại diện Cty TNHH nước giải khát CocaCola Việt Nam cho biết: “Chúng tôi triển khai đồng bộ trong quy trình sản xuất cụ thể sử dụng nguyên liệu Biomass cho việc đốt lò hơi với hệ số phát thải khí nhà kính thấp hơn nhiều so với nhiên liệu hóa thạch mang lại. Thứ hai là chúng tôi đang trong quá trình triển khai thay thế toàn bộ xe nâng sử dụng gas bằng xe nâng sử dụng điện. Thứ ba chúng tôi bố trí sử dụng lại hệ thống kho lạnh giảm tiêu thụ điện năng, cũng như lắp đặt tấm năng lượng mặt trời tạo ra điện năng phục vụ sản xuất.”
Như vậy, việc đo kiểm chính là công đoạn đầu tiên để biết khâu nào phát thải nhiều khí nhà kính, từ đó, các doanh nghiệp sẽ có giải pháp phù hợp như chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo hoặc thay đổi công nghệ trong các hoạt động sản xuất để giảm phát thải khí nhà kính. Tuy là lĩnh vực mới nhưng việc kiểm kê khí nhà kính là việc bắt buộc mà các đơn vị phát thải lớn cần nghiêm túc và minh bạch thực hiện.