Thanh Hóa: Quyết liệt với vi phạm về môi trường
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 10:51, 02/04/2024
Loạt doanh nghiệp mới bị “bêu tên” vì vi phạm pháp luật về BVMT
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thanh Hoá đã có Thông báo số 66/TB-STNMT về kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, từ ngày 30/10/2023 đến 04/12/2023, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT tại các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hoá và các huyện: Thạch Thành, Yên Định, Hậu Lộc, Hà Trung, Bá Thước, Quảng Xương, Nông Cống, Thọ Xuân. Đoàn đã tiến hành kiểm tra 17/18 đơn vị, có 01 đơn vị chưa có hồ sơ về bảo vệ môi trường theo quy định là Hợp tác xã Phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng, huyện Bá Thước.
Trong quá trình hoạt động một số doanh nghiệp còn tồn tại trong công tác BVMT đã bị Chánh Thanh tra Sở TN&MT theo thẩm quyền đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với Công ty TNHH DPP về hành vi “xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật”; Công ty Cổ phần XD-GT-TL WIN lập báo cáo công tác BVMT chưa đầy đủ nội dung theo mẫu quy định; Công ty TNHH Sakurai Việt Nam nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường không đúng thời hạn quy định; Công ty TNHH Victory Vietnam bị xử phạt về hành vi chưa thực hiện báo cáo công tác BVMT năm 2022 và gửi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Công ty Cổ phần Xi măng Đại Dương chưa có hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt tại 10 nhà vệ sinh di động phát sinh do hoạt động của công nhân thi công xây dựng.
Với những hành vi vi phạm của các đơn vị nêu trên, Giám đốc Sở TN&MT kiến nghị yêu cầu các đơn vị được kiểm tra thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường công nghiệp trong khu xưởng sản xuất; vận hành thường xuyên các công trình xử lý môi trường và hệ thống xử lý chất thải theo quy định trong quá trình hoạt động sản xuất để giảm thiểu các tác động đến môi trường xung quanh, đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường. Thực hiện nghiêm việc báo cáo công tác BVMT hàng năm theo quy định; rà soát lại hồ sơ và các công trình xử lý BVMT, lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường theo quy định của Luật BVMT năm 2020.
Cụ thể, Giám đốc Sở TN&MT yêu cầu Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quốc tế Minh Quang lập hồ sơ đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai nộp về Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hoá để thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định; Yêu cầu Hợp tác xã Phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng lập bản đăng ký BVMT trình UBND xã xác nhận, bổ sung các chế phẩm vi sinh vệ sinh khu vực chuồng trại để tăng cường hiệu quả xử lý chất thải và hạn chế mùi hôi; Công ty TNHH Victory Vietnam thay thế lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải đầu ra của hệ thống xử lý nước thải tập trung; lắp đặt hệ thống thu gom và xử lý mùi, khí thải công đoạn pha chế keo; Công ty TNHH Sakurai Việt Nam khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề xuất Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hoá cấp giấy phép môi trường theo quy định của luật BVMT năm 2020; Công ty Cổ phần Xi măng Đại Dương ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt tại nhà vệ sinh di động phát sinh do hoạt động của công nhân thi công xây dựng.
Năm 2023, tổ chức 126 lượt thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường
Theo thông tin từ văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, năm 2023 tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 126 lượt thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường; qua đó, các cơ quan chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 20 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường đối với 34 doanh nghiệp và 03 hộ gia đình, cá nhân với tổng số tiền xử phạt gần 2,2 tỷ đồng; yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các đơn vị vi phạm, thực hiện đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc dừng các công đoạn sản xuất các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Công tác BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Trong năm, Sở TN&MT Thanh Hóa, đã tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản đối với 26 đơn vị; thực hiện 27 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh và phản ánh của báo chí về hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến môi trường. Các đơn vị khai thác khoáng sản đã thực hiện việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng, tạo nguồn kinh phí để khôi phục môi trường sau khi kết thúc hoạt động khai thác.
Việc theo dõi, quản lý các công trình xử lý môi trường và hệ thống xử lý chất thải của các doanh nghiệp, cũng được Sở TN&MT Thanh Hóa thực hiện nghiêm túc. Theo đó, sở tiếp tục quản lý, vận hành hiệu quả 03 trạm quan trắc môi trường tự động (01 trạm tại Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, 01 trạm tại UBND phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn và 01 trạm tại phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn); các cơ sở sản xuất, kinh doanh duy trì hoạt động 108 trạm quan trắc khí thải, nước thải tự động trong quá trình sản xuất theo quy định, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kịp thời cảnh báo, phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm môi trường trên địa bàn.