Ca cúm A/H9N2 đầu tiên xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh

Y tế - Ngày đăng : 15:00, 07/04/2024

Theo thông tin từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, trường hợp mắc cúm A/H9N2 đầu tiên sinh sống tại tỉnh Tiền Giang hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Theo thông tin từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, trường hợp mắc cúm A/H9N2 đầu tiên sinh sống tại tỉnh Tiền Giang hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Liên quan đến trường hợp đầu tiên mắc cúm A/H9N2 trên người tại Việt Nam, chiều ngày 6/4, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Vện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã có chia sẻ về loại cúm này và công tác giám sát, khoanh vùng nơi bệnh nhân sinh sống để đánh giá nguy cơ.

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp mắc cúm A/H9N2 trên người đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Viện đã phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và ngành y tế tỉnh Tiền Giang, nơi bệnh nhân sinh sống, để khoanh vùng điều tra dịch tễ và đánh giá nguy cơ.

6-bv.jpg
Hiện bệnh nhân mắc virus cúm A/H9N2 đang được nằm điều trị cách ly tại phòng áp lực âm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh

Qua điều tra dịch tễ, đây là bệnh nhân nam 37 tuổi, có các bệnh nền xơ gan, đái tháo đường. Bệnh nhân nhập viên với các triệu chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp. Ngành thú y tỉnh Tiền Giang điều tra, gần nhà bệnh nhân sinh sống có khu bán và giết mổ gia cầm. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đến thời điểm hiện tại vẫn khoẻ mạnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân nhập viện tại khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc người lớn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh chiều ngày 16/3 với chẩn đoán theo dõi xuất huyết tiêu hóa trên nền loét dạ dày, bệnh kèm xơ gan do rượu, theo dõi nhiễm trùng huyết.

Trong thời gian điều trị, bệnh nhân có tình trạng viêm phổi với hình ảnh tổn thương phế nang và mô kẽ lan tỏa hai phế trường trên X-quang, được chỉ định lấy mẫu phết mũi họng để làm xét nghiệm PCR virus cúm A, B. Tình hình suy hô hấp nặng dần, bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy.

Ngày 22/3, kết quả xét nghiệm phết mũi họng (lần 1) của bệnh nhân dương tính cúm A, âm tính cúm B, chưa xác định được chủng. Ngày 26/3, bệnh nhân được chụp X-quang kiểm tra tình trạng tổn thương khu mô phổi 2 bên cho thấy không cải thiện; được lấy mẫu phết mũi họng (lần 2) để làm xét nghiệm PCR virus cúm A, B và tiếp tục điều trị. Đến ngày 1/4, Phòng xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) giải mã trình tự gen xác định bệnh nhân mắc virus cúm A/H9N2.

Hiện bệnh nhân tiếp tục điều trị tại phòng cách ly áp lực âm của khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn với chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng huyết từ viêm phổi, cúm A, nhiễm nấm xâm lấn, biến chứng suy hô hấp, xuất huyết phổi, xuất huyết ở bụng ổn, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương thận cấp, xơ gan do rượu, theo dõi u gan.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh thực hiện tốt cách ly, điều trị và chăm sóc người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế về cúm gia cầm, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn theo dõi tình trạng sức khỏe nhân viên y tế đã chăm sóc cho bệnh nhân (tất cả nhân viên khi tiếp xúc với bệnh nhân ngay từ khi nhập viện đều mang phương tiện phòng hộ theo đúng quy định).

Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh báo cáo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang tiếp tục điều tra dịch tễ, nhất là tiền sử đi lại và tiếp xúc của người bệnh để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, theo dõi và hướng dẫn 7 người thân tiếp xúc gần với bệnh nhân tại tỉnh Tiền Giang tự theo dõi sức khỏe tại nhà, vệ sinh khử khuẩn toàn bộ nhà và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân.

“Ngay từ tháng 3, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp và có chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người, trong đó có cúm gia cầm. Chúng tôi đã có kế hoạch sẵn sàng ứng phó, giám sát điều tra. Do đó, khi nhận được thông tin có trường hợp dương tính với cúm A/H9N2, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các đơn vị điều tra đánh giá nguy cơ dịch bệnh”, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng chia sẻ.

Thông tin về bệnh cúm A/H9N2, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng cho biết, bệnh cúm này được ghi nhận từ năm 1988 trên người tại Trung Quốc. Hiện nay, trên thế giới đã ghi nhận 135 trường hợp mắc cúm A/H9N2 trên người. Bệnh cúm A/H9N2 lây lan chủ yếu từ gia cầm sang người và hiện chưa có bằng chứng bệnh này lây lan từ người sang người.

Biểu hiện và những triệu chứng của bệnh cũng giống như các bệnh cúm khác như sốt, ho… Trong số những ca đã ghi nhận được, biểu hiện của bệnh hầu hết là nhẹ, vừa. Tuy nhiên, có 2 trường hợp tử vong và cả hai đều có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch. Trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cũng có bệnh lý nền nặng.

Theo TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, cúm gia cầm H9N2 được thú y cho là bệnh nhẹ trên động vật, gia cầm. Tuy nhiên, dù cúm gia cầm nào thì người dân cũng phải thận trọng. Theo đó, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng khuyến cáo, với những người có nguy cơ cao như thường xuyên tiếp xúc với gia cầm, chăn nuôi, giết mổ gia cầm khi thực hiện các thao tác giết mổ phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên để tránh dịch tiết của gia cầm bắn vào mũi, miệng… Tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm bị ốm bệnh.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết phải thông báo cho cơ quan y tế địa phương để được kiểm tra, điều trị kịp thời và phòng, chống bệnh lây lan. Đối với người dân nói chung, để phòng bệnh liên quan đến cúm gia cầm cần đảm bảo ăn uống sạch, dùng thực phẩm chín, rửa tay thường xuyên.

Vĩnh Hà