Cà Mau: Sạt lở, sụt lún đất nghiêm trọng gây thiệt hại gần 21,6 tỷ đồng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:31, 08/04/2024
Mới đây, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, qua rà soát cho thấy, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hơn 590 vị trí sạt lở, sụt lún đất với tổng chiều dài hơn 15,6 km. Trong đó, sụt lún đường bê tông có chiều dài hơn 11,6 km và đường đất đen có chiều dài gần 4 km. Thiệt hại ước tính do sạt lở, sụt lún lên tới gần 21,6 tỷ đồng.
Huyện Trần Văn Thời là địa phương phải chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Cụ thể, mặc dù mới bước vào mùa khô nhưng tình trạng sụt lún, sạt lở đất do khô hạn dọc các tuyến kênh rạch vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời đã gia tăng nghiêm trọng. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hàng trăm vị trí sạt lở và sụt lún đất, phá hủy nhiều tuyến giao thông, ảnh hưởng việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.
Theo các cơ quan chức năng, thời tiết nắng hạn nên việc bốc hơi nước diễn ra nhanh cộng với việc bơm tác nước phục vụ sản xuất đã làm cho hầu hết các tuyến kênh, rạch vùng ngọt đều khô cạn. Trong khi đó cao độ đáy kênh sâu, độ chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước hiện tại rất lớn, làm mất phản áp gây sụt lún; đồng thời khoảng lưu không (chiều rộng bờ sông, kênh, rạch) từ mép mặt đường đến mép kênh hẹp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún, sạt lở đất, làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn các xã, thị trấn vùng ngọt.
Ngoài ra, còn do một số nguyên nhân khác như: Đặc điểm địa chất yếu, lòng kênh sâu,... đã gây ra sạt lở, sụt lún.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, cơ quan chức năng tỉnh đã thông báo giảm tải trọng xe lưu thông trên tuyến đê biển Tây từ 8 tấn xuống 5 tấn. UBND huyện Trần Văn Thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức cắm biển cảnh báo và thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh sạt lở, sụt lún ở những khu vực nguy hiểm.
Theo dự báo, do ảnh hưởng hiện tượng El-Nino, từ nay đến tháng 6, khả năng hạn hán sẽ gay gắt và tình trạng sụt lún sẽ tiếp tục gia tăng trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau.
Do đó, công tác khắc phục sụt lún, sạt lở được địa phương xem là nhiệm vụ cấp bách, có giải pháp xử lý trước mùa mưa bão năm nay. Đối với những vị trí sạt lở bình thường, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo gia cố bằng vật liệu địa phương như: cừ dừa, cừ tràm, cây gỗ địa phương. Còn những vị trí sụt lún, sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm cần sớm khắc phục bằng giải pháp xây dựng công trình cơ bản.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan và các nhà khoa học đầu ngành có nhiều kinh nghiệm kịp thời hỗ trợ địa phương về kinh phí và giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng sụt lún, sạt lở đất nhằm bảo vệ hệ thống công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản; có giải pháp quy hoạch lại hệ thống giao thông, thủy lợi, bố trí lại sản xuất và dân cư theo hướng đồng bộ, hiệu quả....