Khả năng xuất hiện từ 1 đến 2 cơn bão tác động đến Việt Nam trong 3 tháng đầu mùa
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:09, 08/04/2024
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đã đưa ra dự báo về khí tượng, thủy văn, hải văn từ tháng 4 đến tháng 11 năm 2024.
Về hiện tượng ENSO, dự báo El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2024 với xác suất 75 - 80%. ENSO là một hiện tượng tương tác giữa biển và khí quyển, và có vai trò quan trọng trong điều chỉnh mô hình thời tiết và khí hậu trên toàn cầu.
Khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2024, ENSO sẽ có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 55 - 65%.
Về hoạt động của hình thế nguy hiểm trên biển, cơ quan khí tượng cho biết, thời gian tới, từ tháng 4 đến tháng 6, trên Biển Đông sẽ ít có khả năng xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, bão/áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ xuất hiện khoảng từ 4 - 6 cơn trên Biển Đông trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2024, trong đó, sẽ có từ 1 đến 2 cơn gây ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Về tình hình thủy văn, từ tháng 4 đến tháng 6, dòng chảy trên các sông và các hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Mùa lũ năm 2024 ít có khả năng đến sớm trên các sông suối khu vực Bắc Bộ.
Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên trong thời kỳ cuối tháng 3 và tháng 4, mực nước trên các sông biến đổi chậm. Trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 6, trên thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, Bình Thuận và các sông ở khu vực Tây Nguyên khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt dao động, mực nước các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm.
Về tình hình mưa, cơ quan khí tượng cho biết, trên phạm vi cả nước có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; đặc biệt trong các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta vào thời kỳ chuyển mùa (tháng 4 và tháng 5).
Mùa mưa tại Bắc Bộ có khả năng xuất hiện phù hợp với quy luật khí hậu. Mùa mưa tại Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện muộn, thời kỳ từ tháng 6 gió mùa tây nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình.
Về tình hình xâm nhập mặn, từ nay đến hết mùa khô năm 2024, các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3. Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Ngoài ra, tình hình xâm nhập mặn còn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Vì vậy, các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.