Vĩnh Long đưa giải pháp đảm bảo nước sinh hoạt vùng nông thôn

Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 09:30, 10/04/2024

Trước thực trạng nắng nóng gay gắt, xâm nhập mặn kéo dài gây thiếu nước sản xuất cũng như nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh Vĩnh Long đã đưa ra một số giải pháp có thể giúp cho người dân khai thác, sử dụng nguồn nước an toàn cho sinh hoạt trong mùa hạn, mặn.

Những tác động của nắng nóng và xâm nhập mặn

Từ đầu năm đến nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long đã liên tiếp xảy ra các đợt xâm nhập mặn và nắng nóng kéo dài. Nhiệt độ tăng, lượng mưa ít, nguồn nước mặt ở sông, rạch suy giảm làm tăng nồng độ và các chỉ tiêu ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt cũng như phục vụ sản xuất của người dân.

9-vlong.jpg
Nguồn nước trong mùa hạn, mặn cần được khai thác, xử lý đảm bảo an toàn cho sinh hoạt. Ảnh minh họa

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến giữa tháng 5 năm 2024, tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể xuất hiện 03 đợt xâm nhập mặn (từ ngày 08 đến 13 tháng 4, từ ngày 22 đến 28 tháng 4 và từ ngày 07 đến 11 tháng 5 năm 2024), nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của nhân dân có thể tiếp tục xảy ra, nhất là tại các khu dân cư trên các cù lao, đặc biệt trong bối cảnh nguồn dự trữ nước ngọt đã suy giảm sau những đợt nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.

Theo các chuyên gia, nắng nóng, nhiệt độ tăng, lượng mưa ít, nguồn nước mặt ở sông, rạch suy giảm sẽ làm tăng nồng độ và các chỉ tiêu ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến cấp nước sinh hoạt. Bên cạnh, việc đóng cống, đập ngăn mặn cũng làm tăng khả năng ô nhiễm nguồn nước kinh, rạch bên trong cống, đập.

Tại Vĩnh Long, thời gian gần đây, qua khảo sát của các đơn vị cấp nước nông thôn cho thấy, nguồn nước thô (nước mặt) ở một số trạm cấp nước biến động đáng kể trong đó phát sinh ô nhiễm vật chất hữu cơ, nước xả từ trên đồng ruộng đổ vào kinh nội đồng rồi đổ ra các sông, rạch lớn, làm cho nước có độ màu cao hơn tiêu chuẩn cho phép, việc này tác động tiêu cực đến chất lượng nước sau xử lý của các trạm cấp nước nông thôn.

Hiện nay, ở các huyện thường xuyên bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn như Vũng Liêm, Trà Ôn, mặc dù ở các xã đều có trạm, liên trạm cấp nước sinh hoạt, nhưng khi nguồn nước máy bị nhiễm mặn cục bộ trong khoảng thời gian do nước sông, bị nhiễm mặn, thì nhiều hộ quay sang sử dụng nước ngầm từ những giếng đơn lẻ. Việc khai thác và sử dụng nước ngầm nếu không thể kiểm soát tốt sẽ dẫn đến sụt lún đất, xâm nhập mặn… và các hệ lụy khác.

Xâm nhập mặn làm nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, bị ô nhiễm, công trình cấp nước sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng, làm tăng nguy cơ gây bệnh trên người, vật nuôi, nhất là bệnh đường tiêu hóa. Nước nhiễm mặn khi vào cơ thể sẽ gây ra các hiện tượng mất nước, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, viêm ruột cấp tính nếu uống. Nước lợ còn làm suy giảm chức năng đề kháng, có thể gây nên suy thận, suy gan, khử trùng.

Khi sử dụng nguồn nước nhiễm mặn trong sinh hoạt như: tắm, rửa, vệ sinh,… có khả năng gây ra các bệnh ngoài da như: viêm da, mụn nhọt, ghe lở, hắc lào,… Ngoài ra còn gây ra các bệnh về mắt nếu sử dụng nước nhiễm mặn rửa mặt, mắt.

Theo báo cáo Điều chỉnh Quy hoạch cấp nước sạch nông thôn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (phê duyệt năm 2018) và Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ năm 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 (duyệt vào cuối năm 2023), nguồn nước mặt, nước ngầm của tỉnh đủ cấp trên toàn vùng nhưng không đều, nhiều vùng khó khăn nguồn nước do nước mặt đang bị nhiễm bẩn, nhiễm mặn vào mùa kiệt.

Đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân

Đối với những vùng có nguồn nước mặt chất lượng tốt thì ưu tiên khai thác nguồn nước mặt cấp nước tập trung quy mô vừa và lớn, gìn giữ nguồn nước ngầm; tăng cường cấp nước tập trung lấy nước từ xa cấp nước liên xã liên vùng; phát triển cấp nước hộ gia đình đối với khu dân cư ở phân tán; và tăng cường thu trữ và điều hòa nước ngọt đảm bảo cấp nước trong mùa khô khi nguồn nước bị nhiễm mặn.

9-vlong1.jpg
Trữ nước ngọt trong hệ thống kinh, rạch, ao hồ, bể bạt cũng là một giải pháp trong thời điểm nắng nóng kéo dài và hạn mặn xâm nhập. Ảnh minh họa

Đối với các vùng không có nguồn nước ngầm, có nguồn nước mặt không ổn định, bị nhiễm mặn vào một số ngày, một số giờ trong ngày thì khai thác nước mặt, lấy nước theo thủy triều và thực hiện trữ nước ngọt trong hệ thống kinh, rạch, ao, hồ, bể, bạt.

Đối với các địa phương có nguồn nước ngầm, nước mặt đều bị nhiễm mặn, thì xây dựng công trình cấp nước tập trung quy mô lớn khai thác nước mặt từ xa cấp cho cả đô thị và nông thôn, cấp liên huyện, liên xã. Nguồn nước và vị trí lấy nước lựa chọn trên các sông chính có chất lượng tốt, quanh năm không bị nhiễm mặn.

Đối với các trạm cấp nước thuộc vùng bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu- xâm nhập mặn vào mùa khô do điều kiện địa lý không thể hỗ trợ cung cấp nước từ các trạm cấp nước liên xã, liên vùng được như các xã cù lao Dài (Vũng Liêm), cù lao Mây (Trà Ôn), cù lao Minh (Long Hồ)... thì áp dụng giải pháp hồ chứa dự trữ nước ngọt (nước thô cho trạm cấp nước) hoặc mô hình xử lý nước mặn bằng công nghệ xử lý thẩm thấu ngược (RO) cho trạm cấp nước để cấp nước sạch cho cụm dân cư, hoặc thiết bị lọc nước mặn (hộ gia đình) cung cấp nước ăn uống cho hộ dân cư nông thôn sống phân tán. Các thiết bị lọc nước quy mô hộ và cụm hộ gia đình phù hợp với các nguồn nước vùng nông thôn.

Hiện trên địa bàn các xã cù lao trong tỉnh có 11 máy lọc nước mặn thành nước ngọt, xử lý nước mặn bằng công nghệ xử lý thẩm thấu ngược (RO) có công suất cấp 300-1.000 lít/giờ/máy, được các tổ chức trong và ngoài tỉnh hỗ trợ từ sau năm hạn mặn kỷ lục 2016, 2020. Nước ngọt sau xử lý cấp miễn phí cho dân theo kiểu “máy ATM”.

Còn thiết bị lọc nước hộ gia đình có thể xử lý đối với nguồn nước đầu vào là nước mặt, nước ngầm và nước mưa. Việc sử dụng thiết bị lọc nước tại các hộ gia đình góp phần chủ động về mặt cấp nước sạch cho sinh hoạt, mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, giảm áp lực lên các công trình cấp nước tập trung.

Lan Hạ