Tết Hàn thực năm 2024 vào ngày nào?
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 14:05, 10/04/2024
Nguồn gốc Tết Hàn thực
Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc theo một câu chuyện ly kỳ truyền tụng nhiều đời. Theo nghĩa chữ Hán, "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn. Tết Hàn thực có ý nghĩa là ngày Tết ăn đồ lạnh.
Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở.
Lúc ấy, có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo phò vua đã giúp đỡ nhiều mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết đem lòng cảm kích vô cùng.
Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng 19 năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài.
Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình theo vua phò vua là chuyện nên làm, những việc đó đâu có gì đáng nói.
Vì thế, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Nhưng vì là người không tham danh vọng, Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng, Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng nhằm thúc ép Tử Thôi quay về. Không ngờ Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng. Hôm ấy là ngày 3/3 Âm lịch.
Nhà vua hối hận cho lập miếu thờ. Hàng năm, cứ đến 3/3 Âm lịch, dân bị cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước, đây được coi là ngày Tết Hàn thực.
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tục ăn bánh trôi vào ngày Hàn thực ở Việt Nam có lẽ bắt đầu từ thời Lê, thịnh hành vào thời kỳ Lê Trung hưng và nhà Nguyễn. Thế kỷ 18, nhà bác học Lê Quý Đôn viết: "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy".
Ý nghĩa của món bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực
Mặc dù nguồn gốc của ngày Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc, tuy nhiên ở Việt Nam, ngày này không phải để tưởng nhớ Tử Thôi mà có ý nghĩa dân tộc sâu sắc.
Vào ngày 3/3 Âm lịch, các gia đình làm bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên và không kiêng đốt lửa. Ở nhiều nơi, dân ta cũng làm bánh trôi bánh chay cúng thần hoàng. Những món ăn được nấu trong dịp này làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội.
Đặc biệt, trong dịp này người đi xa quê sẽ đoàn tụ cùng gia đình, cùng đi tảo mộ người đã khuất và sum họp bên bữa cơm gia đình.
Tết Hàn thực 2024 là ngày bao nhiêu?
Năm 2024, Tết Hàn thực rơi vào thứ Năm, ngày 11/4 Dương lịch. Theo truyền thống của người Việt, cứ vào ngày mùng 3/3 Âm lịch hàng năm, mọi người lại chuẩn bị mâm lễ cúng Tết Hàn thực để dâng lên tổ tiên.
Mâm cúng Tết Hàn thực thường gồm những lễ vật như: hương, hoa, trầu cau, bánh chay, nước sạch, mâm ngũ quả.
Số lượng bánh trôi, bánh chay chuẩn nhất trong mâm cúng là 5 hoặc 3 bát bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay. Hai loại bánh này đều là sản vật từ mùa lúa bội thu dâng lên ông bà tổ tiên với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa.
Nếu không có điều kiện làm bánh trôi, bánh chay, gia đình chỉ cần bày một đĩa quả tươi, thành tâm dâng cúng là được.