Bình Thuận: Thêm một điểm tái chế dầu thải nguy hại có khối lượng lớn bị bắt giữ

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 14:00, 11/04/2024

11.000 lít dầu nhớt được tái chế từ dầu thải nguy hại vừa được lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ tại thôn Suối Bang, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Trước đó không lâu cũng tại tỉnh này, hai điểm tái chế dầu thải nguy hại cũng bị phát hiện với khối lượng lên đến hàng chục nghìn lít.

Điểm tái chết dầu thải nguy hại có tổng khối lượng hơn 11.000 lít được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ tối qua (10/4) tại một khu vực heo hút của huyện Hàm Tân giáp ranh với huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại thời điểm kiểm tra khu vực nấu tái chế chất thải, lực lượng chức năng phát hiện bốn người đang vận hành thiết bị nên đã yêu cầu dừng hoạt động và giữ nguyên hiện trạng.

Theo Công an tỉnh Bình Thuận, thời gian gần đây, tại huyện Hàm Tân và thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) xuất hiện một số hiện tượng mua bán dầu nhớt có biểu hiện bất thường. Ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các đơn vị và công an các địa phương chủ động triển khai nghiệp vụ, nắm tình hình.

11-dau-nhot.jpg
Các thùng nhựa dùng để chứa nhớt thải nguy hại

Qua thời gian theo dõi, chiều tối 10/4, hàng chục cảnh sát do Thượng tá Phạm Văn Thắng, Phó Trưởng Công an huyện Hàm Tân phối hợp với Phòng TN&MT bất ngờ ập vào kiểm tra một nhà xưởng rộng trên 200m2 được rào chắn kín đáo tại thôn Suối Bang, xã Thắng Hải (huyện Hàm Tân). Đây là khu vực heo hút của huyện Hàm Tân giáp ranh với huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tại thời điểm kiểm tra khu vực nấu tái chế chất thải (khu nhà xưởng có mái che, rộng khoảng 200m²), lực lượng chức năng phát hiện bốn người đang vận hành thiết bị nên đã yêu cầu dừng hoạt động và giữ nguyên hiện trạng.

Qua làm việc, Công an huyện Hàm Tân xác định người đại diện quản lý nhóm người làm công nói trên là Phan Tấn Giang (48 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi).

Bước đầu Phan Tấn Giang khai nhận bản thân cũng là người làm thuê, được một người (chỉ biết tên thường gọi là Bảy, không rõ nơi ở, không có mặt tại địa phương) thuê sản xuất, trông coi cơ sở.

11-dau-nhot-1.jpg
Hàng nghìn lít dầu thải được chứa trong các phi để lộ thiên bốc mùi hôi gây ô nhiễm không khí

Tại hiện trường, Tổ công tác phát hiện, ghi nhận có khoảng 7.000 lít dầu thành phẩm, 4.000 lít nguyên liệu (được chứa trong các thùng nhựa có thể tích 1m³/thùng); 10 thùng phuy chất thải rắn và toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động tái chế.

Trước đó, tại tỉnh Bình Thuận, lực lượng cũng phát hiện nhiều vụ tái chế nhớt thải trái phép có khối lượng lớn. Điển hình là vụ phát hiện hơn 22 nghìn lút dầu thải tại phường Bình Tân, thị xã La Gi cách đây hơn 1 tháng.

Theo Công an tỉnh Bình Thuận, vụ việc được phát hiện vào ngày 6/3/2024, khi tiến hành kiểm tra hành chính một căn nhà thuộc phường Bình Tân, thị xã La Gi, Công an thị xã La Gi phát hiện tại khu vực đất trống bên hông nhà có 125 thùng phuy (loại 200 lít), bên trong mỗi thùng phuy chứa khoảng 180 lít nhớt thải, tổng số lượng khoảng trên 22.500 lít.

Qua đấu tranh, đối tượng N.V.L, sinh năm 1962, trú tại thị xã La Gi khai nhận đã thuê căn nhà trên, rồi thu mua dầu nhớt thải dùng trong động cơ của các tiệm sửa xe, garage, cơ sở sửa ghe thuyền trên địa bàn thị xã với giá từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/lít, sau đó bán lại với giá 3.000 đồng/1 lít. Việc thu mua nhớt thải diễn ra trong khoảng 2 năm nay.

11-dau-nhot2.png
Việc tái chế dầu thải trái phép bằng phương pháp thủ công kết hợp pha chế hóa chất độc hại đã thải ra một lượng lớn mùi hôi và khói độc gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, làm thẩm thấu vào đất khu vực xung quanh

Công an thị xã La Gi yêu cầu người đàn ông này cung cấp giấy phép thu gom và mua bán chất thải nguy hại nhưng đối tượng không cung cấp được.

Trước đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu giữ hơn 10.000 lít dầu diesel tái chế từ nhớt thải của một cơ sở nằm sâu trong lâm trường thuộc thôn Lập Đức, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận (Bình Thuận). Chủ cơ sở là Tống Phương Bằng, sinh năm 1992, quê ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khai đến lâm trường thuê khu đất này từ đầu tháng 8/2023 để lắp đặt hệ thống máy móc, cơ sở nhà xưởng nhằm mục đích tái chế nhớt thải thành dầu diesel.

Theo lời khai của Bằng thì anh ta thu mua các loại nhớt thải từ các tiệm sửa xe ô tô, xe gắn máy ở các tỉnh Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà rịa – Vũng Tàu và axit sunfuric, hóa chất phụ gia khác đem về xưởng tái chế thành dầu diesel sau đó đem đi tiêu thụ tại TP.HCM.

Trước khi bị phát hiện, Bằng đã tiêu thụ trót lọt 11.000 lít dầu diesel tái chế từ nhớt thải tại huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Theo cơ quan chức năng, quy trình tái chế nhớt thải trái phép của những cơ sở này chủ yếu bằng phương pháp thủ công, lộ thiên, đun nấu kết hợp pha chế hóa chất độc hại đã thải ra một lượng lớn mùi hôi và khói độc gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, làm thẩm thấu vào đất khu vực xung quanh. Đồng thời, sau khi tách ra lượng lớn dầu nhớt thành phẩm thì tồn lại một lượng không nhỏ chất cặn bã ở dạng rắn, gần như rất khó hòa tan, khả năng cao các đối tượng sẽ đem chôn vào đất.

Riêng lượng dầu nhớt thành phẩm, các đối tượng cho vào bình và dán nhãn mác giả để bán ra thị trường. Loại dầu nhớt này nếu sử dụng sẽ làm giảm tuổi thọ và ảnh hưởng máy móc, phương tiện, thiết bị.

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Tân đang phối hợp với VKSND cùng cấp và Công an xã Thắng Hải kiểm tra các hồ sơ, giấy tờ có liên quan, tổ chức xác minh xử lý theo quy định.

Mai Hạ