Hà Trung (Thanh Hóa): Người dân khốn khổ vì ô nhiễm do doanh nghiệp khác thác đất
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 20:52, 11/04/2024
Dân “than trời” bởi bụi và tiếng ồn
Thời gian qua, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống liên tục nhận được phản ánh của người dân xã Hà Tiến, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) về tình trạng xe chở đất có dấu hiệu quá khổ quá tải hoạt động cày nát đường, gây bụi bặm, tiếng ồn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Mặc dù, người dân đã phản ánh nhiều lần lên chính quyền, thậm chí còn tổ chức chặn xe chở đất để phản đối, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đáng lo ngại hơn, thời gian khoảng 1 tuần trở lại đây, vấn đề còn trở nên trầm trọng khi địa phương phải đón nhận một số lượng xe chở đất lớn, tần xuất hoạt động dày đặc, không tuân thủ giờ giấc,…
Để xác minh những phản ánh của người dân, và với mong muốn truyền tải đến cho bạn đọc những thông tin đa chiều, chuyên sâu, phóng viên của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã về địa phương ghi nhận trực tiếp. Tại đây, phóng viên đã chứng kiến từng đoàn xe nối đuôi nhau vào lấy đất, xe đi thành hàng dài, di chuyển với tốc độ cao, bụi tung mù mịt; nhiều đoạn đường ổ voi, ổ gà, xe chở đất nặng phải di chuyển ì ạch, lắc lư, tiềm ẩn nguy hiểm cho người và phương tiện di chuyển bên cạnh,…
Theo chân đoàn xe chở đất trọng tải lớn, PV đã tìm được nơi các xe tải vào “ăn đất” là khu vực mỏ đất tại xã Hà Tiến do Công ty Phúc Đức đang khai thác. Tại đây, chỉ trong hơn 20 phút tác nghiệp, PV ghi nhận hàng chục xe trọng tải lớn đang lũ lượt vào lấy đất cùng một số xe tải khác đang ì ạch “cõng” đất di chuyển ra. Điều đáng nói là trong khi các xe tải liên tục ra vào vận chuyển đất nhưng các hoạt động hạn chế bụi và kiểm soát trọng tải như: lắp trạm cân, tưới nước phun ẩm mặt đường và làm sạch thân xe,… đều không được thực hiện. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân dọc tuyến đường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này.
Phản ánh về khói bụi và tiếng ồn do xe trọng tải lớn chở đất đá chạy qua tuyến đường dân sinh này, đa phần người dân đều rất bức xúc. Anh Mai Văn Huệ, thôn Yến Phú, xã Hà Tiến, cho biết: "thời gian chạy chở đất là không có giờ giấc, nhiều hôm chạy cả trưa và chạy đến 9, 10 giờ đêm; cái thứ 2 là những hôm mưa gió trơn trượt, ở đây dân ngã nhiều lắm, vì thế mà những ngày mưa dân nói không được là dân ra dân trấn, không cho hoạt động. Những hôm nắng, bụi bặm ghê lắm, bụi không còn nhà nào là không dính. Dân chúng tôi chỉ muốn kiến nghị lên cấp trên làm sao có biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, để cuộc sống của chúng tôi bớt đảo lộn, đỡ vất vả”.
Cũng chung một nỗi niềm như anh Huệ, một người dân khác ở thôn Yên Phú, cảm thán: “Bụi thì rõ rồi, chạy nhiều như vậy không bụi mới lại. Họ cũng tưới đường, nhưng không ăn thua, trời nắng thì chỉ vài lượt xe chạy là đâu lại vào đấy thôi. Đường thì nhỏ, xuống cấp, mà xe trọng tải lớn cứ rầm rập cả ngày, thi thoảng tai nạn giao thông lại xảy đến, chúng tôi không biết còn phải sống chung với cảnh này đến bao giờ?”.
Công ty Phúc Đức dính hàng loạt sai phạm, từ vấn đề môi trường, khai thác ngoài mốc giới, đến chiếm đất nông nghiệp
Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính Số: 232/QĐ-UBND, ngày 16/01/2024, của UBND huyện Hà Trung, ghi nhận các lỗi vi phạm của công ty Phúc Đức. Cụ thể, công ty đã thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung của Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; Khai thác khoáng sản (đất san lấp) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác theo bề mặt (894,5 m2) vượt dưới 1 ha; Chiếm đất nông nghiệp là rừng sản xuất do UBND xã Hà Tiến quản lý tại khu vực nông thôn không được cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cho phép, diện tích chiếm 119,11 m2 (cụ thể: Xây dựng nhà điều hành, các công trình phụ trợ, kho chứa chất thải nguy hại trên diện tích đất rừng sản xuất do UBND xã Hà Tiến quản lý)
Với những hành vi vi phạm kể trên, công ty Phúc Đức bị xử phạt 93.000.000 đồng. Ngoài ra, với hành vi khai thác ngoài ranh giới được cấp phép, buộc công ty phải cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn quy định tại điểm a khoản 10 Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính Phủ. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản 10 Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính Phủ; buộc chi trả kinh phí đo đạc quy định tại điểm c, khoản 10, điều 37 Nghị định 36/2020/NĐ-CP.
Với hành chiếm đất nông nghiệp, buộc công ty khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã chiếm quy định tại điểm a khoản 7 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính Phủ; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 2 điều 7 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điểu 1 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính Phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, số tiền 1.050.000 đồng.
Vi phạm và các quyết định xử phạt với công ty Phúc Đức đã rõ, tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, là với hành vi khai thác ngoài ranh giới được cấp phép, với diện tích khá lớn, các cơ quan chứ năng lại không thể truy thu số tiền thu lợi bất hợp pháp. Lý do được đưa ra có phần chưa được thuyết phục: căn cứ kết quả đo đạc do Đoàn mỏ - Địa chất Thanh Hóa, Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thì không xác định được khối lượng khoáng sản đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác. Câu hỏi đặt ra, liệu đây có phải là kẽ hở mà doanh nghiệp lợi dụng nhằm cố tình làm sai các quy định của nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản?.
Vấn đề này rất đáng để lưu tâm bởi trong quá trình tác nghiệp, phóng viên tiếp tục ghi nhận việc Công ty Phúc Đức đang có dấu hiệu khai thác ngoài mốc giới với diện tích khá lớn, rất cần sự vào cuộc xác minh từ phía các cơ quan chức năng.
Được biết, Công ty Phúc Đức (mã số doanh nghiệp: 2802473847 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cấp, có địa chỉ tại số 64 Hạc Thành, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép khai thác khoáng sản mỏ đất làm vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại xã Hà Tiến, theo Quyết định Số: 121/GP-UBND, ngày 23/7/2021. Quyết định nêu rõ: Diện tích mỏ 11 ha; mức sâu khai thác: thấp nhất +15 m; trữ lượng địa chất: 710.201 m3; trữ lượng khai thác: 660.417 m3; công suất khai thác: 180.000 m3/năm; Thời gian khai thác 4 năm kể từ ngày ký Giấy phép.
Với những thông tin trên, phóng viên xin kính gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa để nhanh chóng vào cuộc xác minh, xử lý; để tránh thất thoát tài nguyên, và hơn hết, trả lại cho người dân một cuộc sống an toàn, ổn định.