Người dân Quảng Nam bao giờ được hưởng lợi từ chính sách bảo vệ và phát triển rừng?
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 11:00, 10/07/2019
Đối tượng được áp dụng là các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, gồm: Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng là 400 nghìn đồng/ha/năm với diện tích tối đa 30 ha một hộ gia đình; Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung tối đa không quá 1.6 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 600 nghìn đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo.
Ngoài ra, còn có trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy với định mức 15kg gạo/khẩu/tháng và tối đa không quá 7 năm. Tuy nhiên, để nhận được những mức hỗ trợ trên, các đối tượng được áp dụng bắt buộc phải có “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền”.
Chờ… sổ đỏ trong “Mòn mỏi”
Tại tỉnh Quảng Nam, cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ có một số ít người dân được cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp, còn lại là vẫn canh tác trên diện tích đất chưa được công nhận. Điều này đồng nghĩa với việc người dân các đồng bào dân tộc thiểu số và người bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa được nhận quyền lợi của mình theo Nghị định 75/NĐ-CP của Chính phủ.
Ông Hồ Văn Sơn (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Khi được Nhà nước giao đất rừng để phát triển kinh tế, tôi thấy rất phấn khởi. Thế nhưng nhiều năm nay, tôi vẫn chưa được cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp. Địa phương tạo điều kiện cho gia đình tôi vay vốn ưu đãi ngân hàng để trồng rừng, nhưng khi rừng đến tuổi khai thác thì bị làm khó. Vì chính quyền yêu cầu phải chứng minh được rừng trồng trên đất có nguồn gốc rõ ràng”.
Còn ông Hồ Văn Việt (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) cho biết, gia đình canh tác nhiều héc ta rừng, kể cả trồng cây quế bản địa nhưng đến nay vẫn chưa được cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp nên khó tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng. Ngoài ra, việc bán gỗ keo thủ tục hồ sơ rườm rà gây phiền phức vì không có sổ đỏ.
Nguyên nhân của tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân được xác định là do thiếu kinh phí thực hiện và do sai lệch giữa hồ sơ địa chính với thực tế vì trước đây đơn vị tư vấn đã có nhiều sai sót trong đo đạc bản đồ đất lâm nghiệp theo tỷ lệ 1/10.000.
Tại huyện Nam Trà My, tính đến năm 2011, tổng hồ sơ được lập 10/10 xã trên địa bàn huyện là 1.695 hồ sơ, nhưng số sổ đỏ đã cấp cho người dân mới chỉ là 731. Tương tự, UBND xã Phước Xuân (huyện Phước Sơn) xác nhận, trên địa bàn xã chỉ có 107 hộ được cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp từ năm 2011 về trước và 8 năm nay hầu như không có trường hợp nào của xã được cấp giấy trên đất rừng mình quản lý, sử dụng.
Việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gây ra nhiều khó khăn, thiệt thòi cho người dân.
Cơ quan có thẩm quyền cần sớm vào cuộc
Những huyện miền núi khác ở Quảng Nam như Đông Giang, Phước Sơn, Nam Giang, Hiệp Đức… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tại huyện vùng cao Đông Giang, từ năm 2017 đến nay chỉ có các xã A Rooih, Ma Cooih và thị trấn P´rao được cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp; các xã còn lại hầu như “treo bìa đỏ”.
Theo UBND huyện Đông Giang, riêng xã A Rooih và thị trấn P´rao, địa phương cấp được 2.321 bìa đỏ đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000 và đang họp xét gần 1.000 hồ sơ tại xã Ma Cooih với diện tích đo đạc chỉnh lý hơn 1.212ha. Chủ tịch UBND huyện Đông Giang – Đinh Văn Hươm cho rằng, sở dĩ các xã còn lại chưa tiến hành đo đạc, chỉnh lý và đăng ký, cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp vì thiếu kinh phí ít nhất 17 tỷ đồng.
Nhiều chủ rừng lớn cũng chưa được hỗ trợ tiền từ chính sách rừng theo Nghị định 75. Như Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi, trong tổng số diện tích 8.172 ha tiếp nhận từ UBND cấp xã bàn giao theo Nghị định 75, hiện nay chỉ có hơn 4.942 ha có hồ sơ pháp lý, diện tích còn lại chưa đảm bảo hồ sơ để hưởng lợi chính sách.
Nghị định 75 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 chỉ còn hơn một năm nữa là kết thúc.
Hơn lúc nào hết, UBND các huyện và các ban, ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam cần sớm vào cuộc một cách quyết liệt, sắp xếp bố trí nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện việc đo đạc và chỉnh lí bản đồ địa chính để sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân.
Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc quản lý địa giới hành chính trong lĩnh vực đất đai mà còn là sớm giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân theo cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng.
Từ đó chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ mới có ý nghĩa để người dân yên tâm phát triển kinh tế cũng như chăm sóc và bảo vệ rừng.
Theo Congluan