Đắk Lắk không để thiếu nước sinh hoạt và sản xuất
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 19:30, 14/04/2024
Ngày 12/4, Đoàn công tác của Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã có buổi khảo sát và làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk về thực trạng nguồn nước, hạn hán mùa khô năm 2023 - 2024.
Toàn tỉnh Đắk Lắk có 858 công trình thủy lợi, trong đó có 619 hồ chứa, 161 đập dâng, 78 trạm bơm. Hiện diện tích cây trồng đảm bảo tưới chủ động là 151.616ha, chỉ đạt 22,96%.
Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi, tính đến thời điểm hiện tại có 44 hồ đã cạn nước; 139 hồ có dung tích dưới 50%; 135 hồ có dung tích từ 50% đến dưới 70%; 127 hồ có dung tích trên 70%.
Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk dự báo trong thời gian tới nếu không có mưa và thời tiết tiếp tục nắng nóng như hiện nay thì mực nước ở các hồ chứa, sông suối sẽ tiếp tục giảm mạnh. Đặc biệt các hồ chứa nhỏ, lượng nước đến gần như bằng không và công trình được đầu tư xây dựng đã lâu nên lòng hồ bị bồi lắng.
Do đó, khả năng diện tích tưới của các công trình này bị hạn về cuối vụ là rất lớn, tập trung ở các huyện Krông Búk, Ea H’leo, Krông Năng, Lắk, Buôn Đôn, Krông Pắc và thị xã Buôn Hồ...
Dự báo trong tuần tới nguồn nước tại các công trình thủy lợi lớn (Krông Búk hạ, Ea Súp thượng, Buôn Joong,...) vẫn cơ bản đảm bảo phục vụ tưới cho cây trồng. Đối với các hồ chứa vừa và nhỏ (đặc biệt là các hồ chứa nhỏ và các hồ hiện có dung tích dưới 50%), một số đập dâng nhỏ và vùng ngoài công trình thủy lợi nguy cơ thiếu nước.
Cụ thể, khả năng xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ tại một số công trình hồ chứa nhỏ, các công trình đập dâng và vùng ngoài công trình thủy lợi với tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng từ 5.000 - 8.000ha.
Đối với các công trình nước sinh hoạt nông thôn, hiện nay có 215 công trình. Trong đó, 87 công trình chưa đầu tư hoàn chỉnh, 76 công trình đầu tư hoàn chỉnh nhưng đã ngưng hoạt động.
Hiện 3 công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý thiếu nước đang thực hiện cấp nước luân phiên cho hơn 5.000 hộ dân tại huyện Ea H’leo, Krông Pắc, Krông Bông. Ngoài ra, có 531 hộ dân sử dụng nước giếng thuộc các xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc và xã Ea Sin, huyện Krông Búk bị thiếu nước sinh hoạt. Các hộ dân đã chủ động lấy nước của các hộ xung quanh để sử dụng.
Trong thời gian tới nguồn nước mặt và nước ngầm dự kiến sẽ giảm dần, nhu cầu sử dụng nước của nhân dân lại tăng cao nên có khả năng nguồn nước sẽ bị thiếu hụt.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, địa phương gặp khó khăn do số lượng công trình nhiều. Tuy nhiên phần lớn là các đập, hồ chứa nước nhỏ, xây dựng đã lâu nên bị bồi lắng, xuống cấp, khả năng tích nước hạn chế.
Địa hình tự nhiên tại một số vùng trên địa bàn không thể xây dựng công trình thủy lợi. Để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp hoặc xuất đầu tư rất lớn, do vậy những nơi này chỉ sản xuất được một vụ bấp bênh, phụ thuộc vào nước mưa.
Địa phương này cũng thiếu nguồn kinh phí đầu tư, nâng cấp, sữa chữa công trình bị hư hỏng, xuống cấp để đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả. Đối với công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn thì nhiều công trình chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu dùng nước của người dân.
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương hiện nay chỉ còn 200m3 nước. Tuy nhiên dung tích này nằm ở một số hồ lớn.
Theo ông Dũng, nếu từ nay đến cuối tháng 4 không có mưa thì hạn hán sẽ đến rất nhanh. “Hiện nay địa phương gặp khó khăn là diện tích cà phê, sầu riêng và tiêu cần nước. Đây là những cây giá trị cao nên khi thiếu nước người dân sẽ giành tưới dẫn đến sông hồ nhanh cạn kiệt hơn.
Mặc dù địa phương đã xây dựng kế hoạch chi tiết về ứng phó với hạn hán. Tuy nhiên tình hình hạn hán thực tế diễn ra khốc liệt hơn”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, đơn vị quản lý 362 công trình thủy lợi.
Theo ông Phong, để ứng phó với tình hình hạn hán, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các địa phương cắt giảm diện tích tại những khu vực không đảm bảo nước tưới.
“Công ty xác định chống hạn như chống giặc nên chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn nước tưới cho người dân như nạo vét, đưa máy bơm vào vận hành. Tuy nhiên, công ty gặp một số khó khăn trong việc thanh toán các kinh phí cho công tác chống hạn.
Đầu vụ, công ty dự báo 63 công trình sẽ bị hạn nhưng chỉ có 15 máy bơm dầu. Do đó, công ty đề xuất Sở NN-PTNT bố trí kinh phí để mua thêm 15 máy bơm phục vụ chống hạn. Ngoài ra, công ty cũng mong muốn có kinh phí để mua dầu và tiền điện trong thời gian tới để tiếp tục bơm nước phục vụ người dân”, ông Phong chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết thêm, với tình hình nắng nóng như hiện nay thì hạn sẽ cực kỳ gay go. Do đó, Sở NN-PTNT cần có kế hoạch, phương án để các đơn vị chủ động trong công tác phòng chống hạn hán.
Ngoài ra, ông Phong cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn, sửa đổi giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Đặc biệt, các công trình do công ty quản lý hiện xuống cấp, cần bố trí kinh phí để sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, tỉnh Đắk Lắk đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán.
Tuy nhiên, ông Khanh cho rằng tình hình thực tế diễn biến khốc liệt hơn dự báo, nên cần phương án xử lý phù hợp.
“Theo dự báo đến hết tháng 4 tình hình hạn hán sẽ rất khốc liệt vì không có mưa. Với kế hoạch tỉnh đã phê duyệt, cần cập nhật tình hình và xây dựng phương án cho từng tình huống. Trong đó tuyệt đối không để thiếu nước sinh hoạt và bằng mọi biện pháp giữ được diện tích cây công nghiệp bị ảnh hưởng, không để khô héo, cây chết”, ông Khanh nói và cho rằng, xây dựng kịch bản nhưng không xảy ra hạn hán thì mừng, còn xảy ra thì chủ động ứng phó.
Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cũng yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk báo cáo cụ thể tình hình diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng.
“Cần dự báo nếu đến cuối tháng 4 không có mưa thì sẽ như thế nào, diện tích ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng ra sao. Cần làm cụ thể để có phương án phòng chống hạn hán.
Còn đối với công tác quản lý khai thác và giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi hiện nay đang rất khó. Việc này đang được Bộ phối hợp với Bộ Tài chính tìm phương án xử lý”, ông Khanh nói thêm.