Phạt tới 250 triệu đồng nếu chuyển đổi đất rừng trồng sang đất ở một cách trái phép
Văn bản, chính sách mới - Ngày đăng : 07:30, 15/04/2024
Theo đó, tại Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến đã nêu khá chi tiết về mức phạt khi cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi chuyển đất rừng là rừng trồng sang đất ở một cách trái phép.
Cụ thể, tại khoản 4 Điều 10 của Dự thảo Nghị định nêu rõ hình thức và mức xử phạt khi cá nhân chuyển đất rừng là rừng trồng sang đất ở trái phép như sau:
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ dưới 0,01 héc ta.
- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,01 héc ta đến dưới 0,02 héc ta.
- Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,03 héc ta.
- Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,03 héc ta đến 0,05 héc ta.
- Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta trở lên.
Mức phạt tiền nêu trên chỉ là mức phạt tiền áp dụng với cá nhân thực hiện. Còn đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền áp dụng với cá nhân.
Về biện pháp khắc phục hậu quả khi chuyển đất rừng là rừng trồng sang đất ở trái phép, tại Khoản 6 Điều 10 của Dự thảo Nghị định quy định:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thuộc trường hợp phải thu hồi đất nhưng được tạm thời sử dụng đất cho đến khi nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 139 Luật Đất đai.
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó quy định về 27 nhóm hành vi vi phạm, đồng thời đề xuất 19 biện pháp khắc phục hậu quả.
Dự thảo gồm có 4 Chương, 42 Điều. Nghị định quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai.