Phú Thọ tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi
Pháp luật môi trường - Ngày đăng : 11:00, 18/04/2024
Văn bản nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN - PTNT về việc tăng cường xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải đã giao Sở NN - PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện theo đề nghị của Bộ NN - PTNT.
Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ nguồn nước; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt là trong mùa mưa lũ 2024.
Trong đó, triển khai các giải pháp cụ thể để xử lý hiệu quả đối với vi phạm về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi (xây dựng nhà ở, nhà tạm, nhà xưởng, kho tàng, lều lán, xây tường bao, phá hoại, san lấp hoặc làm mất công năng sử dụng công trình thủy lợi…).
Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các giải pháp bảo đảm chất lượng nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp; quản lý chặt chẽ các nguồn xả thải vào công trình thủy lợi.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ hồ chứa nước thủy lợi theo chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Thọ.
Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh theo quy định; có văn bản hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi. Định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ NN - PTNT và UBND tỉnh Phú Thọ theo quy định.
UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn tăng cường công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ trong quản lý và bảo vệ công trình thủy lợi; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tập trung kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật về thủy lợi; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, đảm bảo ngăn chặn không để phát sinh mới và xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng; kiên quyết xử lý, tổ chức cưỡng chế các hành vi vi phạm, nhất là các vụ vi phạm mới phát sinh gây mất an toàn hồ, đập....
Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ về kết quả thực hiện trên địa bàn; đồng thời, tiếp tục giao trách nhiệm cho các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND cấp xã trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi.
Thời gian qua tỉnh Phú Thọ liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm “dẹp loạn” tình trạng bến bãi, công trình xây dựng vi phạm đê điều và gây ảnh hưởng đến các công trình thuỷ lợi.
Thống kê năm 2023 cho biết, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 97 bến hàng hóa ở trên 5 tuyến sông (sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Chảy và sông Bứa). Trong đó có 81/97 bến đang hoạt động, 16/97 bến không hoạt động. Trong số 81 bến hoạt động có 11/81 bến không phép; 34/81 bến hết thời hạn hoạt động theo quy định; 36/97 bến còn thời hạn và đủ điều kiện hoạt động theo quy định.