Phú Yên: Bảo vệ hệ sinh thái vùng biển ven bờ
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 07:30, 25/07/2019
Moitruong.net.vn
– Hệ sinh thái đa dạng và phong phú ở vùng biển gần bờ Phú Yên gần đây đang dần cạn kiệt do tác động của việc khai thác bất hợp lý nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho biết: vùng đất ngập nước ven biển của tỉnh này có diện tích khoảng 505 ha, phân bố trên 3 thủy vực chính là đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài (TX.Sông Cầu) và đầm Ô Loan (H.Tuy An). Đây là những thủy vực có ý nghĩa quan trọng đối với sinh kế của người dân địa phương, cung cấp ngư trường và mặt nước cho hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản. Hệ thực vật, động vật vùng đất ngập nước và vùng biển ven bờ rất đa dạng, phong phú với hơn 1.310 loài thủy sản, trong đó có nhiều loài quý hiếm, giá trị kinh tế cao…
Rạn san hô Hòn Yến cần sớm bảo vệ
4 hệ sinh thái chính
Còn theo Sở TN-MT tỉnh Phú Yên, vùng biển ven bờ của Phú Yên được chia thành 4 hệ sinh thái chính gồm hệ sinh thái đầm Cù Mông, hệ sinh thái đầm Ô Loan, hệ sinh thái cửa sông, ven biển và hệ sinh thái rạn san hô. Các hệ sinh thái này đều có giá trị đa dạng sinh học lớn, có giá trị cảnh quan và tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao…
Ông Nguyễn Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Biển và hải đảo (Sở TN-MT tỉnh Phú Yên), cho biết theo kết quả điều tra gần đây nhất, về cá có 388 loài, trong đó có 32 loài cần bảo tồn. Có 4 loài bò sát, trong đó 1 loài thuộc danh mục Đỏ IUCN (Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế), 2 loài trong Sách Đỏ Việt Nam. Giáp xác cỡ lớn có 129 loài, trong đó 6 loài quý hiếm cần bảo tồn. Có 34 loài chân đầu, trong đó 14 loài quý hiếm ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Các loài chân bụng có 73, trong đó 2 loài quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam. Loài hai mảnh vỏ có 52, trong đó 9 loài quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam. San hô có 162 loài thuộc 59 giống, 21 họ thuộc 2 lớp san hô cứng và san hô mềm. Rong biển có 113 loài thuộc 4 ngành là rong lam, đỏ, nâu và lục. Cỏ biển có 10 loài thuộc 6 chi, 3 họ, 1 ngành…
Tuy nhiên, những năm gần đây, vùng đất ven biển và vùng biển ven bờ chịu nhiều tác động như khai thác bất hợp lý gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Nhiều hệ sinh thái như san hô, cỏ biển… bị khai thác hoặc phá hủy do các hoạt động neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại nhiều vùng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tại các đầm, vịnh đang ở mức báo động. Chất thải từ các hoạt động sản xuất, dân sinh và du lịch không được thu gom, xử lý kịp thời đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường ven biển…
Nuôi trồng thủy sản là một nguyên nhân khiến rạn san hô ở vịnh Xuân Đài bị hủy hoại
Khẩn cấp tìm giải pháp bảo vệ
Theo Sở TN-MT tỉnh Phú Yên, hiện môi trường nước ven bờ trên địa bàn tỉnh còn nằm trong tầm kiểm soát, chưa đến mức báo động. Tuy nhiên, tại một số điểm ở hạ lưu các sông có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ về hữu cơ, vi sinh.
Trong khi đó, mới đây, Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) đã khảo sát thực tế, nghiên cứu thực trạng các rạn san hô ở vùng biển ven bờ của Phú Yên. Kết quả đánh giá ban đầu cho thấy tại cù lao Mái Nhà có diện tích san hô khá lớn nhưng san hô cứng bị chết nhiều, rong biển phát triển mạnh, các loài san hô não thuộc họ Faviidae với độ che phủ khá. Khu vực phía tây Hòn Yến có rạn san hô thuộc giống đá Scleractinian với mức độ che phủ tốt. Khu vực nghiên cứu có nhiều cỏ biển, nhưng rất ít cá – một điều khá bất thường khi rạn san hô phát triển tốt. Các khu vực Hòn Chùa, Hòn Dứa, Hòn Than có nhiều san hô mềm thuộc họ Alcyniidae, nhưng rất ít san hô cứng và cũng rất ít cá. Khu vực Vũng Rô, Hòn Nưa ở phía đông có tàn dư của rạn san hô, một số lượng ít và rải rác có san hô mềm thuộc họ Alcyniidae. Ở phía tây khu vực này phát hiện nhiều san hô họ Alcyniidae, rải rác có san hô cứng…
Theo TS Hoàng Thị Thùy Dương, Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga, mục đích của chuyến khảo sát thực tế này là nhằm đánh giá và đề xuất thành lập các khu bảo tồn, bảo vệ loài, sinh thái – cảnh quan; tích hợp công tác quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế chung của tỉnh Phú Yên.
Bà Lê Đào An Xuân, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Phú Yên, cho biết sở đã thiết lập 3 phương án và lựa chọn phương án tối ưu là đề xuất xây dựng 2 khu dự trữ thiên nhiên gồm đầm Ô Loan và đầm Cù Mông; 4 khu bảo vệ sinh thái cảnh quan gồm cù lao Mái Nhà, Hòn Yến – Gành Dưa, Bãi Xép – Hòn Chùa và Hòn Nưa. Đây đều là những nơi có giá trị về mặt đa dạng sinh học cao, có hệ động thực vật phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp và có nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và phát triển du lịch của Phú Yên.
“Sở TN-MT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản, chỉ thị, hành động nhằm tăng cường công tác bảo vệ đa dạng sinh học và giữ vệ sinh môi trường tại những khu vực có hệ sinh thái đặc trưng. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư địa phương, du khách tham quan hiểu rõ tầm quan trọng về đa dạng sinh học, thường xuyên tổ chức vệ sinh, thu gom rác thải sinh hoạt, tham gia tuyên truyền và hướng dẫn du khách bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, đặc biệt là các rạn san hô ven bờ. Sở cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga, các cơ quan nghiên cứu để đề xuất và triển khai các giải pháp bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ ở Phú Yên”, bà Xuân nói.
Tú Anh (T/h)