Giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng
Kinh tế - Ngày đăng : 20:00, 22/04/2024
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 8.050 đồng/kg, giá bình quân là 8.000 đồng/kg, tăng 214 đồng/kg.
Giá lúa thường tại kho tăng trung bình 183 đồng/kg, ở mức 9.475 đồng/kg; giá cao nhất là 9.650 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự điều chỉnh tăng. Gạo 5% tấm có giá cao nhất 14.200 đồng/kg, giá bình quân 14.100 đồng/kg, tăng 282 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 13.950 đồng/kg, giá bình quân 13.817 đồng/kg, tăng 225 đồng/kg.
Gạo 25% tấm có giá cao nhất 13.750 đồng/kg, giá bình quân 13.483 đồng/kg, tăng175 đồng/kg. Giá gạo xát trắng loại 1 tăng 35 đồng/kg, giá trung bình là 14.010 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 tăng 75 đồng/kg, trung bình là 11.658 đồng/kg.
Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, giá một số loại lúa có sự tăng giá như Đài thơm 8 từ 8.000-8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 18 từ 8.000-8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Một số loại đi ngang như Nàng Hoa 9 có giá từ 7.600-7.700 đồng/kg; IR 50404 từ 7.300-7.500 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.800-8.000 đồng/kg; OM 5451 từ 7.550-7.700 đồng/kg.
Tại tỉnh An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá một số loại lúa có sự tăng giá như: Đài thơm 8 từ 8.000 – 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 18 từ 8.000 – 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Một số loại đi ngang như: Nàng Hoa 9 có giá từ 7.600 – 7.700 đồng/kg; IR 50404 từ 7.300 – 7.500 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.800 – 8.000 đồng/kg; OM 5451 từ 7.550 – 7.700 đồng/kg…
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại tỉnh An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000 – 20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.500 – 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…
Hiện một số vùng ít chịu ảnh hưởng của hạn, mặn xâm nhập của Sóc Trăng đang bắt đầu xuống giống vụ lúa Hè Thu 2024. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, vụ lúa Hè Thu năm 2024, theo kế hoạch tỉnh xuống giống 139.360ha. Lịch xuống giống vụ Hè Thu chia thành 3 đợt.
Đối với khu vực trũng, chủ động nguồn nước, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân xuống giống trong đợt 1 để hạn chế thiệt hại do mưa dông cuối vụ. Các vùng canh tác lúa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sẽ xuống giống vào đợt 2 và đợt 3. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xuống giống được trên 20.000ha.
Tại Kiên Giang, để sản xuất lúa vụ Hè Thu an toàn và hiệu quả, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn chia sẻ, ngành nông nghiệp phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn của tỉnh và Trung ương, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết nhằm chủ động trong sản xuất; vận hành đóng, mở hệ thống cống phục vụ sản xuất, nhất là chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống mưa, lũ, xâm nhập mặn… để bảo vệ sản xuất vụ lúa Hè Thu.
Trên cơ sở dự báo tình hình khí tượng thủy văn, điều kiện sản xuất từng vùng, tiểu vùng và rầy nâu di trú, ngành nông nghiệp xây dựng khung lịch thời vụ, khuyến cáo nông dân chia làm 4 đợt xuống giống nhằm hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.
Theo đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cày, bừa hoặc trục đất, vệ sinh đồng ruộng, cần có thời gian giãn cách giữa vụ lúa Đông Xuân vừa thu hoạch và vụ Hè Thu ít nhất 20 ngày, nhằm hạn chế thấp nhất nguồn bệnh lay lan; sử dụng các giống lúa cấp xác nhận hoặc tương đương có thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng cao và gieo sạ thưa, từ 80 – 100 kg/ha; áp dụng các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp – IPM, quy trình canh tác 3 giảm – 3 tăng, 1 phải – 5 giảm, sản xuất lúa theo các tiêu chuẩn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.
Để đảm bảo sản lượng lúa năm lương thực 2024 đạt mục tiêu 4,4 triệu tấn, tỉnh Kiên Giang tập trung sản xuất lúa vụ Hè Thu an toàn, hiệu quả với diện tích gieo trồng 276.000ha, năng suất bình quân 5,6 tấn/ha, sản lượng thu hoạch hơn 1,5 triệu tấn.