Quảng Bình: Rừng vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đang bị “xẻ thịt”
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 07:25, 25/07/2019
VIDEO: Rừng vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đang bị “xẻ thịt”
Nhiều cây gỗ bị “lâm tặc” đốn hạ và xẻ thịt
Vùng rừng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trên địa bàn bản Phù Minh, xã Thượng Hóa là vùng Rừng cộng đồng do UBND xã Thượng Hóa quản lý. Diện tích rừng nối từ chân đèo Đá Đẽo trên đường mòn Hồ Chí Minh xuống bản rộng đến hơn 803 ha. Được biết, Rừng cộng đồng này được UBND xã Thượng Hóa giao cho Ban Quản lý bản Phú Minh trực tiếp bảo vệ, bên cạnh đó các chốt trạm Kiểm lâm, Biên phòng và Bảo vệ rừng luôn có người túc trực. Đây là vùng rừng khu vực giáp biên giới, nghiêm cấm mọi hình thức khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ và sử dụng gỗ trái phép.
Trên địa bàn bản Phù Minh, xã Thượng Hóa đang bị “lâm tặc” hoành hành, rừng đang bị chảy máu
Từ đường mòn Hồ Chí Minh, cột mốc H8/920, ngay chỗ có biển báo được phép đỗ xe, cắt vào rừng băng theo lối mòn, đi khoảng 30m, PV gặp ngay một gốc gỗ nghi là gỗ quý bị cắt hạ sát đất, đường kính gốc cây gỗ khoảng 40 – 60cm, cành ngọn nằm chỏng chơ. Gốc gỗ còn dấu cưa rất mới, mùn cưa còn thơm mùi gỗ. Hiện trạng PV ghi nhận được chỉ còn những mảnh thân vỏ không có giá trị bị bỏ lại, những phần có giá trị của cây gỗ đã được lâm tặc đưa ra khỏi rừng. Theo suy đoán của PV, việc làm này chỉ mới diễn ra cách đây vài ngày.
Thân và gốc cây gỗ nghi gỗ quý bị đốn hạ
Mới thâm nhập qua một phần nhỏ vùng rừng nhưng PV đã ghi nhận được rất nhiều gốc gỗ nghi là quý hiếm bị “lâm tặc” đốn hạ không thương tiếc nhưng chưa được xẻ thành từng miếng nhỏ vận chuyển đi. Căn cứ vào hiện trạng của gốc cây thể hiện chưa có dấu kiểm tra của Kiểm lâm, những gốc thân cây bị đốn hạ hầu như có đường kính rộng quá sải tay của PV. Việc khai thác có thể diễn ra trong khoảng vài tháng trở lại đây.
Gốc cây gỗ quý vừa bị chặt hạ vẫn còn mùn cưa thơm mùi gỗ
Đi sâu vào trong rừng theo lối mòn, vượt qua những đường dốc đá cheo leo hiểm trở, PV ghi nhận được rất nhiều cây gỗ nghi là gỗ quý bị đốn hạ nằm ngỗn ngang giữa rừng. Những gốc cây bị đốn hạ có đường kính ước chừng 60cm gốc của cây gỗ còn dấu cưa rất mới, thơm nức mùi gỗ, mùn cưa còn mới tinh. Những gì còn lại là gốc gỗ và những thanh gỗ cong queo, vỏ, bìa của thân gỗ đã bị xẻ không còn giá trị sử dụng. Những phần gỗ có giá trị đã được “lâm tặc” vận chuyển ra khỏi rừng. Nhìn những dấu vết gốc và thân gỗ khác nằm ngỗn ngang có thể đoán được những cây gỗ này bị đốn hạ khoảng 5 ngày trở lại đây.
Những miếng gỗ vừa được xẻ từ cây gỗ to chưa kịp vận chuyển đi tiêu thụ
Một khúc của cây gỗ bị đốn hạ có đường kính 80cm “lâm tặc” chưa kịp xẻ thịt
Cách đó chừng 5 mét, một “bãi chiến trường” khai thác gỗ của “lâm tặc”, một gốc cây gỗ to nghi là “Táu”, đường kính khoảng chừng 80cm, đã bị đốn hạ cách đây chưa lâu, những phần có giá trị đã được “lâm tặc” vận chuyển ra khỏi rừng, tuy nhiên, bên cạnh những tấm gỗ bìa có đường kính khoảng 50 – 60 cm, độ dày từ 15 – 20cm, thì vẫn còn một đoạn thân cây “Táu” có độ dài hơn 1 mét, đường kính 80cm chưa được “lâm tặc” xẻ thành từng miếng gỗ nhỏ để vận chuyển đi tiêu thụ.
Cây gỗ vừa bị đốn hạ chưa lâu, PV phải căng hết vòng tay nhưng chỉ ôm được nửa gốc cây
Với những gì còn sót lại tại bãi chiến trường có thể thấy việc khai thác trái phép vừa mới diễn ra trong khoảng vài ngày trở lại đây, và rất có thể lâm tặc sẽ còn tiếp tục xẻ thịt và vận chuyển số gỗ còn lại trong vài ngày tới. Điều đáng nói, địa điểm khai thác gỗ của lâm tặc nằm trong khu vực biên giới, ngay cạnh Ban quản lý rừng, Kiểm lâm và các lực lượng chức năng.
Chính quyền không biết hay cố tình ngó lơ cho “lâm tặc” lộng hành
Trước đó khoảng vài ngày, Lực lượng Kiểm lâm huyện Minh Hóa thực hiện kế hoạch kiểm tra thường xuyên, kết hợp với đồn Biên phòng Cà Xèng, UBND xã Thượng Hóa, Hạt Kiểm lâm Vườn đã phát hiện 2 gốc gỗ Quao có đường kính khoảng 70cm bị đốn hạ, khối lượng được thu gữ và vận chuyển về Hạt Kiểm Lâm Minh Hóa là 4,5m3.
Trong những lần đi kiểm tra, Hạt kiểm lâm Minh Hoá chỉ bắt và thu giữ được 4,5m3 gỗ Quao, loại gỗ này không thuộc loại gỗ quý hiếm
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Quý – Hạt phó Hạt Kiểm lâm Minh Hóa cho biết: “ 4,5m3 gỗ mới bị phát hiện và đưa về Hạt là gỗ Quao, loại gỗ này không phải là gỗ quý hiếm và nó được xếp vào nhóm 6”.
Ông Nguyễn Ngọc Quý – Hạt phó Hạt Kiểm lâm Minh Hóa trao đổi với PV
Trao đổi với PV qua điện thoại về việc những cây gỗ nghi là “Táu” và nhiều cây gỗ khác bị lâm tặc đốn hạ, xẻ thịt và vận chuyển ra khỏi rừng, Ông Trần Mạnh Luật – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa cho biết : “Anh chưa nắm rõ vấn đề này, đoạn gỗ bị khai thác ở đâu để anh cho anh em đi kiểm tra”
PV tiếp tục trao đổi với ông Đinh Thanh Văn – Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa về tình trạng “lâm tặc” vẫn ngang nhiên lộng hành chặt hạ nhiều cây gỗ quý trên địa bàn bản Phù Minh do xã quản lý, thì được ông Văn trả lời : “Tôi chưa nghe thông tin, Tôi đang họp, Tôi sẽ gọi lại cho anh để trao đổi vấn đề này sau” rồi ông tắt máy, và đến hôm nay PV chưa nhận được cuộc gọi lại nào từ vị Chủ tịch xã này.
Vùng rừng đệm của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là vùng khu vực biên giới, các chốt trạm kiểm tra của các lượng lượng chức năng dày đặc. Thế nhưng tình trạng xẻ thịt rừng đang diễn ra một cách ngang nhiên như chốn không người. Vậy UBND xã Thượng Hóa, lực lượng Kiểm Lâm, bộ đội Biên Phòng đã làm tròn “trách nhiệm” khi mà nạn khai thác lâm sản trái phép đã và đang diễn ra.
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Minh Tâm