Thực trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thanh Hóa – Bài 1: Hàng loạt lò đốt rác tiền tỷ bị bỏ hoang
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 08:49, 24/04/2024
Hoạt động ì ạch rồi bỏ hoang
Lò đốt rác xã Hòa Lộc được đầu tư xây dựng năm 2018, với tổng vốn đầu tư lến đến 5,2 tỷ đồng, từng được kỳ vọng sẽ xử lý dứt điểm được lượng rác thải phát sinh của 2 xã Hòa Lộc và Xuân Lộc. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 5 năm hoạt động, lò đốt rác này đã rơi vào tình trạng “đắp chiếu”, không còn khả năng hoạt động.
Ghi nhận của phóng viên, khuôn viên khu đốt rác rộng khoảng 3000 m2 vẫn còn tồn đọng một khối lượng rác nhất định; nhiều hạng mục lò đốt rác bị hoen rỉ, mục ruỗng, xuống cấp nghiêm trọng… Nhiều người dân xã Hòa Lộc khi được hỏi về số phận của lò đốt rác, đều tỏ ra ngao ngán, trăn trở: “Số tiền đầu tư 1 lò đốt rác như thế này là không hề nhỏ, ấy vậy mà thời gian hoạt động ngắn quá. Nhìn công trình dừng hoạt động, các hạng mục bị hư hỏng dần theo thời gian, mà chúng tôi xót xa vô cùng".
Lý giải về nguyên nhân lò đốt rác này dừng hoạt động, tại báo cáo số: 2877/ UBND-TNMT ngày 9/12/2022 của UBND huyện Hậu Lộc về việc báo cáo tình hình hoạt động của lò xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Hòa Lộc nêu rõ: Sau thời gian hoạt động, lò xử lý rác thải sinh hoạt bộc lộ nhiều hạn chế như công nghệ đốt chưa hiệu quả, chưa đảm bảo theo đúng công suất thiết kế; qua sử dụng, máy móc thiết bị đã bị xuống cấp và hư hỏng, chưa được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa; việc xử lý khí thải phát sinh chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh. Mặt khác, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 2 xã Hòa Lộc và Xuân Lộc vào khoảng 10 tấn/ ngày là rất lớn, lò đốt không xử lý kịp dẫn đến quá tải, tồn động rác thải bên trong khu vực dự án gây ô nhiễm môi trường.
Cùng chung số phận như lò đốt rác tại xã Hòa Lộc, lò đốt rác sinh hoạt tại xã Đại Lộc cũng bị bỏ hoang nhiều năm nay. Tuy nhiên, khác với việc công nghệ không đáp ứng được yêu cầu của lò đốt rác Hòa Lộc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đắp chiếu” của lò đốt rác Đại Lộc lại trớ trêu hơn: Không có tổ chức, cá nhân nào tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý rác.
Cũng tại nội dung báo cáo Kiểm tra, đánh giá chất lượng lò xử lý rác thải xã Đại Lộc, UBND xã Đại Lộc nêu rõ: Ngày 31/12/2022, sau khi hết thời hạn hợp đồng 5 năm, ông Hoàng Văn Đức không tiếp tục ký hợp đồng với UBND xã nữa. UBND xã đã thông báo nhiều lần (khi ông Đức thông báo không tiếp tục hợp đồng) trên hệ thống đài truyền thanh xã, thôn để tổ chức cá nhân trong và ngoài xã có nhu cầu, đủ năng lực đăng ký, ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Tuy nhiên, đã không có tổ chức, cá nhân nào đăng ký tham gia.
Lý giải về việc này, đại diện UBND xã Đại Lộc, cho biết: Theo thiết kế của lò, rác được đốt bằng nguồn khí tự nhiên, sức nóng của lò. Tuy nhiên, việc thiết kế lò để âm xuống nên lượng khí đốt không đủ đáp ứng yêu cầu. Thêm nữa, theo thiết kế ban đầu lò đốt 500kg/giờ và đốt 24 giờ/ngày, tuy nhiên lượng rác đốt trên giờ không đạt được như thiết kế và công nhân chỉ làm việc 8 giờ/ngày nên lượng rác đốt không đạt được như phương án. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân liên quan đến vấn đề thu gom rác không được thực hiện theo đúng phương án, việc thu phí vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập,…
Dữ liệu của phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn thu thập được, ngoài 2 lò đốt rác kể trên, huyện Hậu Lộc còn 1 lò đốt rác tại xã Phú Lộc; tuy nhiên, sang năm 2025 cũng sẽ phải đóng cửa, do không đảm bảo các quy định về môi trường. Việc cả 3 lò đốt rác dừng hoạt động sẽ gây một áp lực khá lớn đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn huyện Hậu Lộc.
Được biết, Quyết định Số: 1592/QĐ-UBND, ngày 8/5/2020, của UBND tỉnh Thanh Hóa, về việc phê duyệt phương án xử lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, nêu rõ huyện Hậu Lộc sẽ được quy hoạch 1 khu xử lý chất thải rắn tại thôn Phú Thành, xã Minh Lộc (Hậu Lộc). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chỉ đang nằm trên giấy?
Lò đốt rác đầu tư hơn 11 tỷ rồi bỏ hoang
Công trình lò đốt rác thải tại xã Xuân Bình (Như Xuân) được khởi công xây dựng vào tháng 5-2018 và hoàn thành vào tháng 4-2019. Công trình này được đầu tư 11,3 tỷ đồng, với công suất xử lý đạt 7 - 9 tấn rác/ngày, mang một mục tiêu lớn lao sẽ giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt cho người dân xã Xuân Bình, Bãi Trành và các vùng phụ cận của huyện Như Xuân. Đây là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III, gồm các hạng mục: Đường vào bãi rác, khu vực xử lý rác (gồm nhà quản lý, nhà đặt lò đốt rác, nhà bảo vệ, nhà để xe, nhà vệ sinh, bể xử lý rác thải, bể nước, hố chôn lấp rác thải tạm thời, san nền, cổng tường rào, sân bê tông, rãnh thoát nước, bồn hoa). Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng ban đầu, hơn 5 năm qua, công trình này gần như rơi vào tình trạng “đắp chiếu”.
Ghi nhận thực tế cho thấy, các hạng mục của lò đốt có trị giá hơn 11 tỷ đồng nhưng sơ sài, hư hỏng, xuống cấp. Do hơn 5 năm không được đưa vào sử dụng, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ nên lò đốt rác đã bị hoen rỉ, dây cáp néo ống khói bị đứt, cột ống khói bị đổ gãy. Bốn khu nhà gồm phòng bảo vệ, nhà quản lý, nhà vệ sinh và nhà vận hành lò đốt bỏ hoang, hư hỏng, dột nát. Ổ điện nhiều chỗ bị vỡ, dễ xảy ra tình trạng rò rỉ điện.
Đi tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoạt động không hiệu quả rồi bỏ hoang của lò đốt rác thải xã Xuân Bình, phóng viên không khỏi giật mình với thông tin lò đốt rác này gần như chưa hoạt động chính thức được ngày nào. “Khi hoàn thành dự án, huyện Như Xuân bàn giao cho xã quản lý đưa vào vận hành và sử dụng. Tuy nhiên, lò đốt rác chỉ mới chạy thử nghiệm chứ chưa đưa vào hoạt động chính thức. Lí do là vì không có doanh nghiệp nào đứng ra hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý rác” – ông Trịnh Xuân Sơn, Chủ tịch UBND xã Xuân Bình, bộc bạch.
Theo báo cáo của UBND huyện Như Xuân, công trình lò đốt rác thải tại xã Xuân Bình từ khi được bàn giao cho đến tháng 10-2021, do không có đơn vị nhà thầu nhận thu gom, vận hành nên UBND xã Xuân Bình phải thuê người trông coi, bảo vệ. Tháng 11-2021, Công ty TNHH Thành Đạt nhận hợp đồng thu gom và vận hành lò đốt rác. Tuy nhiên, số lượng hộ dân tham gia đóng góp và thu gom rác trên địa bàn quá ít, ở phân tán khiến cho nguồn thu thấp, thu không đủ chi để vận hành. Việc nguồn thu không đảm bảo, doanh nghiệp này đã xin chấm dứt hợp đồng.
Danh sách những lò đốt rác cỡ nhỏ hoạt động không hiệu quả, bị bỏ hoang trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đang còn nhiều với những cái tên: lò đốt rác thải xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), trạm xử lý rác thải Kim Tân (Thạch Thành, Thanh Hóa),… Điểm chung duy nhất dẫn đến tình trạng trên là do công nghệ lạc hậu và thiếu đơn vị quản lý có năng lực. Thiết nghĩ, thực trạng này sẽ là một gương tày liếp cho những dự án xử lý rác thải về sau, rằng chúng ta không thể tiếp tục tạo nên một điểm xử lý ô nhiễm để gây ô nhiễm và lãng phí.