Phân loại rác tại nguồn - Bài 5: Cần có lộ trình phù hợp

Emagazines - Ngày đăng : 16:35, 26/04/2024

Việc Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt buộc phân loại rác tại nguồn thực hiện đồng bộ trên cả nước từ ngày 1/1/2025 sẽ là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cả mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như vận hành triển khai trên thực tế.
chat-thai-2.jpg
chat-thai-3.jpg

Rác thải hiện nay vẫn là mối đe dọa lớn đến đời sống con người, do vậy, rác thải được phân loại, thu gom và xử lý một cách triệt để, đúng quy định sẽ đem lại lợi ích to lớn trong đời sống con người.

Trong những năm gần đây, quá trình phát triển và hội nhập kinh tế cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã tạo ra một số lượng lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp, hình thành nhiều khu công nghiệp (KCN) và khu dân cư đô thị tập trung đã tạo ra lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, bên cạnh đó, thói quen đổ rác thải bừa bãi ven đường làng, ngõ xóm, bờ sông, ao hồ, kênh mương; những bãi rác lộ thiên, không được xử lý hợp vệ sinh là nơi ẩn chứa những nguy cơ lớn về sức khỏe và môi trường. Để giảm phát thải khí từ các bãi rác chúng ta cần phải phân loại và để riêng các loại rác có thể tái chế, tái sử dụng, rác thải nguy hại, rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ khác, tránh thu gom các tất cả các loại rác thải với nhau để tránh một phần sự phát sinh khí thải hoặc sinh ra một chất ô nhiễm mới. Việc phân loại rác thải từ hộ gia đình (tại nguồn) góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra, đồng thời đem lại lợi ích to lớn về môi trường, kinh tế - xã hội.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 quy định chặt chẽ về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn làm: * Giảm lượng rác thải ra môi trường - tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; * Giảm lượng rác chôn lấp - tiết kiệm tài nguyên đất; giảm ô nhiễm môi trường; * Tăng lượng rác tái chế, tái sử dụng - tận dụng, tiết kiệm tài nguyên; mang lợi ích kinh tế cho gia đình; gây quỹ cho hoạt động cộng đồng; * Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; * Là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội.

chat-thai-7.jpg

Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn làm giảm được khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, khối lượng nước rỉ rác sẽ giảm. Nhờ đó, các tác động tiêu cực đến môi trường cũng sẽ giảm đáng kể như: giảm rủi ro trong quá trình xử lý nước rỉ rác, giảm ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt... Việc tận dụng các chất thải sinh hoạt có thể tái sinh tái chế giúp bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Phân loại chất thải sinh hoạt mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Trước hết, nó tạo nguồn nguyên liệu sạch cho sản xuất phân compost. Đồng thời giảm khối lượng rác mang đi chôn lấp, diện tích đất phục vụ cho việc chôn lấp rác cũng sẽ giảm đáng kể. Bên cạnh đó, cũng sẽ giảm được gánh nặng chi phí trong việc xử lý nước rỉ rác cũng như xử lý mùi phát sinh từ rác thải.

Phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, cũng như sử dụng tài nguyên hợp lý. Rác thải là nguồn tài nguyên tái chế để có thể phục vụ cho cuộc sống con người. Tiến đến xây dựng xã hội với môi trường xanh – sạch – đẹp. Vì vậy quy trình phân loại – thu gom – vận chuyển – xử lý phải được thực hiện một các bài bản, đồng bộ.

Phân loại rác thải là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo tách rác thải từng loại khác nhau. Nhằm mục đích có thể dễ dàng vận chuyển, tái chế, qua đó góp phần giảm lượng rác thải cần xử lý, tăng lượng rác thải có thể tái chế.

chat-thai-5.jpg

Chia sẻ với PV Moitruong.net.vn, TS. Nguyễn Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho hay: "Phân loại CTRSH tại nguồn là yếu tố quan trọng thúc đẩy công tác quản lý chất thải theo định hướng kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh các chính sách khuyến khích của nhà nước, động lực chính để cộng đồng tích cực tham gia hoạt động phân loại rác tại nguồn là nhận thức cộng đồng về giá trị của rác thải, về phát triển bền vững. Tuy nhiên phân loại rác tại nguồn chỉ là 1 công đoạn trong tổng thể quá trình quản lý CTRSH, bao gồm cả công đoạn tái chế, xử lý chất thải. Hiện tại hạ tầng kỹ thuật quản lý chất thải, đặc biệt hạ tầng kỹ thuật phục vụ tái chế CTRSH sau phân loại ở Việt Nam còn rất thiếu và yếu. Để khắc phục khó khăn này, trên cơ sở quy định của Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hướng dẫn cụ thể tại công văn số 9368/BTNMT-KSONMT, cho phép các địa phương tự quyết định mức độ, yêu cầu cụ thể về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương…."

"Thí dụ, nếu chưa có hạ tầng tái chế chất thải, bước đầu địa phương có thể quy định phân loại CTRSH tại nguồn thành nhóm có thể tái sử dụng, nhóm chất thải thực phẩm và nhóm khác; thì cũng đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu lượng chất thải phải đưa đi xử lý và chi phí xử lý (thiêu đốt, chôn lấp..). Như vậy, tính chủ động, sâu sát thực tế của các địa phương đóng vai trò quyết định. Việc phân loại CTRSH tại nguồn giai đọan đầu có thể chưa có ý nghĩa lớn về kinh tế-môi trường song có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi hành vi, tập quán, nâng cao nhận thức, ý thức về quản lý bền vững chất thải, về kinh tế tuần hoàn, về phát triển bền vững của cộng đồng. Về lâu dài, để hoạt động phân loại chất thải tại nguồn thực sự có hiệu quả, nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và hướng dẫn thực hiện về quản lý chất thải bền vững, đồng thời tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực kinh tế chất thải và động viên cộng đồng tham gia công tác phân loại chất thải tại nguồn", 
TS Đồng cho biết thêm.

chat-thai-8.jpg

Nhằm nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn thì chính quyền các cấp phải triển khai thực hiện đồng bộ từ phân loại tại nguồn đến phân loại khi thu gom, vận chuyển, xử lý, và nhiệm vụ hàng đầu là phải tăng cường tuyên truyền mục đích, lợi ích của việc phân loại chất thải sinh hoạt; hướng dẫn cho cộng đồng nhận biết, phân loại đúng. Lâu dần, mỗi người dân sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại rác cũng như tác động của nó đối với môi trường sống, góp phần hình thành ở mỗi cá nhân nhận thức bảo vệ môi trường sống, hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Đó cũng chính là lợi ích xã hội lớn nhất mà hoạt động phân loại rác tại nguồn mang lại.

chat-thai-4.jpg

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định rõ về việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phân rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương đối với công tác này.

Hiện Bộ và các địa phương đang gấp rút hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn cũng như chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, truyền thông trong cộng đồng để thực hiện lộ trình phân loại rác thải tại nguồn đồng bộ trên cả nước từ 1/1/2025.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường và thể hiện rõ quyết tâm đồng hành với địa phương trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo yêu cầu và lộ trình của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện.

Mới đây nhất là Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Cụ thể, nhóm 1 là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, bao gồm: giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thủy tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ. Nhóm 2 là chất thải thực phẩm gồm thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản. Nhóm 3 là chất thải rắn sinh hoạt khác gồm chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải khác còn lại.

Hướng dẫn nêu rõ đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi…

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

chat-thai-6.jpg
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định rõ về việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phân rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương đối với công tác này

Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển. Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.

Tiếp theo việc hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thành và ban hành Bộ định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; sửa Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đưa thêm nội dung phương pháp định giá cho thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình để giúp địa phương làm cơ sở tính giá. Đây là cơ sở giúp địa phương thúc đẩy hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn, biến chất thải thành tài nguyên.

Thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho thấy cả nước đã có 16 tỉnh, thành phố ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và khoảng 30 địa phương bắt đầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho rằng, một số địa phương, người dân đang hiểu nhầm nội dung bắt buộc áp dụng đồng loạt trên toàn quốc từ 1/1/2025. Theo đó, cần hiểu, tinh thần của Luật là triển khai đồng bộ sau khi ban hành, song, phải tùy thuộc vào điều kiện kinh tế-xã hội, hạ tầng mỗi địa phương để lựa chọn triển khai thí điểm trước và áp dụng đại trà sau, nghĩa là có lộ trình đối với quy định này.

Luật, các nghị định, thông tư liên quan cũng có nội dung giao địa phương ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, trong đó có nội dung về lộ trình áp dụng phân loại thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Bên cạnh xây dựng hành lang pháp lý, đầu tư hạ tầng, ông Hoàng Văn Thức cho rằng, việc nâng cao nhận thức để người dân, nhà quản lý, doanh nghiệp hiểu phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen là quan trọng và cần thiết. Công tác tuyên truyền, vận động phải được thực hiện bài bản, có chiến lược, thường xuyên và liên tục; đồng thời phải được đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn các lớp tuyên truyền viên. Mỗi địa phương thành lập tổ, nhóm, đội tuyên truyền viên để tuyên truyền, vận động người dân theo từng địa bàn, khu vực.

Bộ sẽ tổ chức các đoàn công tác xuống địa phương để tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân; rà soát, kiểm tra các địa phương đã và đang triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn; phối hợp với các địa phương báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ để có hỗ trợ nguồn lực đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

“Để công tác tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn đạt hiệu quả, các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc phải mất hàng chục năm. Do vậy, chúng ta không nên quá sốt ruột, phải đi theo lộ trình và lộ trình đó phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương,” Cục trưởng Hoàng Văn Thức chia sẻ.

THỰC HIỆN: HÀ THU