Thực trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thanh Hóa : Tầm nhìn và giải pháp (Bài 4)
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 14:24, 30/04/2024
Kỳ vọng bước đột phá
Số liệu thống kế của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Thanh Hóa, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 16 khu xử lý CTR bằng biện pháp chôn lấp; 14 khu xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt (với tổng cộng 21 lò đốt); trong đó, có 08 khu (với 10 lò đốt được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện và ngân sách xã tổng công suất 168 tấn/ngày.đêm) và 06 khu (với 11 lò đốt được đầu tư từ nguồn vốn doanh nghiệp và vốn hợp pháp khác tổng công suất 295 tấn/ngày.đêm). Việc đầu tư các lò đốt trong xử lý CTR đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do mùi hôi, côn trùng so với xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt 91,8%.
Theo dự báo, khối lượng CTR trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 khoảng 3.541 tấn/ngày; đến năm 2030 khoảng 4.049 tấn/ngày; đến năm 2050 khoảng 5.241 tấn/ngày. Với những con số kể trên, địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025, 95% tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị, 90% tổng lượng rác thải sinh hoạt nông thôn phát sinh phải được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường. Tỷ lệ thu gom, xử lý CTR toàn tỉnh đạt 90%; tỷ lệ CTR chôn lấp dưới 30%. Tầm nhìn đến năm 2050, tất cả các loại CTR phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp xuống mức thấp nhất.
Một trong những mục tiêu mà tỉnh Thanh Hóa hướng đến nữa là áp dụng được những công nghệ xử lý CTR phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; khả năng phân loại, tính chất, thành phần CTR của từng địa phương; ưu tiên các công nghệ trong nước, công nghệ hiện đại, tiết kiêm năng lượng và bảo vệ môi trường, các công nghệ tái chế có sản phẩm phù hợp với thị trường tiêu thụ của mỗi địa phương. Trước mắt, đối với CTR sinh hoạt, lựa chọn công nghệ hỗn hợp (chế biến phân bón hữu cơ, tái chế phế liệu, kết hợp đốt); công nghệ đốt (đốt thu hồi năng lượng hoặc đốt không thu hồi năng lượng), chỉ áp dụng công nghệ chôn lấp đối với 5 huyện miền núi cao (Lang Chánh, Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát).
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Để hiện thực hóa những mục tiêu kể trên, ngày 12/12/2019, HĐND tỉnh Thanh Hóa, đã ban hành Nghị quyết số 239/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020-2025. Từ nguồn kinh phí được hỗ trợ, đã thu hút được hàng chục doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tham gia vào quá trình thu gom, xử lý rác thải. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có một số dự án xử lý CTR trọng điểm đã, đang được đầu tư, như: nhà máy đốt rác phát điện tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) của Công ty TNHH Năng lượng môi trường TIANYU Thanh Hóa; nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam (Đông Sơn) của Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ môi trường Ecotech... Ngoài ra, để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng các khu xử lý CTR tập trung trên địa bàn tỉnh bằng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ngày 8/5/2020, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1592/QĐ-UBND, phê duyệt Phương án xử lý CTR tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 31 khu xử lý CTR, gồm 3 khu xử lý liên huyện và 28 khu xử lý tại các huyện.
Theo yêu cầu, các cơ sở xử lý CTR đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo đúng các tiêu chuẩn, quy định hiện hành; đảm bảo CTR được thu gom phù hợp với công xuất, quy mô của cơ sở xử lý chất thải; địa điểm xây dựng các khu xử lý có khả năng phục vụ liên vùng đối với các nguồn thải gần nhau, tạo thuận lợi cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật và công nghệ xử lý hiện đại, giảm nhu cầu chiếm đất và giảm ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, theo Quyết định số 1592/QĐ-UBND, tỉnh Thanh Hóa sẽ dừng hoạt động 11 bãi chôn lấp rác thải và 18 khu xử lý bằng lò đốt có công suất nhỏ... ở một số địa phương như: TP Sầm Sơn, các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Như Xuân, Lang Chánh, Thạch Thành... với lý do quá tải nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; không phù hợp với quy hoạch; lò đốt công suất nhỏ, gây ô nhiễm môi trường...
Để thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt, ngoài việc đầu tư các nhà máy xử lý rác thải; thì công tác phân loại rác cũng hết sức quan trọng. Được biết, Sở TNMT Thanh Hóa, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số13/2022/QĐUBND ngày 02/3/2022 về Quy định chi tiết quản lý CTR sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, Sở TNMT còn tham mưu cho UBND tỉnh nhiều văn bản và trực tiếp tham mưu nhiều văn chỉ đạo triển khai đến UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu ban hành Kế hoạch cụ thể để thực hiện phân loại CTR nhằm đảm bảo hoạt động phân loại CTR sinh hoạt, được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Đến nay, 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch có lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND ngày 02/3/2022. Ngày 02/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTR sinh hoạt. Để công tác triển khai phân loại CTR sinh hoạt được thực hiện đảm bảo tiến độ theo quy định của Luật BVMT, Sở TNMT đã tham mưu UBND tỉnh triển khai đến các địa phương thực hiện công tác phân loại CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù, thực trạng xử lý CTR sinh hoạt của địa phương còn nhiều bất cập, nhưng không thể phủ nhận sự nỗ lực của chính quyền Thanh Hóa trong lĩnh vực này; với hàng loạt chính sách, chương trình hành động đã được đưa ra, hi vọng, tỉnh nhà sẽ thay đổi và bứt phá.