Đồng Nai: Tìm ra nguyên nhân khiến hàng trăm tấn cá nuôi chết ở hồ Sông Mây
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 19:30, 30/04/2024
Hồ Sông Mây nằm trên địa bàn các xã Bắc Sơn, Bình Minh, Sông Trầu và thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom).
Đây là hồ chứa nước tưới tiêu cho hàng trăm héc ta lúa khu vực hai huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu. Hồ Sông Mây hiện do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai quản lý, nuôi trồng thủy sản.
Những ngày gần đây, tình trạng cá chết hàng loạt nổi trắng ở hồ Sông Mây và bốc mùi hôi thối nồng nặc đã khiến người dân xung quanh không khỏi bức xúc.
Qua khảo sát vào chiều ngày 29/4, các cơ quan chức năng ghi nhận tại hiện trường có trên 100 tấn cá bị chết chưa được xử lý. Trên mặt nước, cá chết hàng loạt dạt vào bờ. Cá chết chủ yếu là các loại cá trắm, rô phi, mè và cá da trơn.
Theo Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây, đơn vị này đang nuôi hơn 100 tấn cá các loại trên diện tích mặt nước của hồ với gần 197 ha (thời điểm cao trình đỉnh đập).
Hiện tại, do thời tiết khô hạn đã làm diện tích mặt nước đã cạn từ gần 200ha giờ chỉ còn khoảng 2 ha, độ sâu mặt nước nơi sâu nhất khoảng 1m, không đủ oxy cho hơn 100 tấn cá trong hồ dẫn đến cá chết hàng loạt. Hiện tượng cá chết xảy ra từ khoảng một tuần nay. Đến ngày 28/4, thì cá chết hàng loạt vì lượng nước trong hồ xuống thấp.
Ngoài ra, theo Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Biên Hòa - Thống Nhất - Vĩnh Cửu - Trảng Bom, hồ Sông Mây đang được cải tạo, nạo vét. Do thi công công trình nên mực nước ở hồ Sông Mây giảm nhiều so với các năm trước.
Thời gian qua, trạm cũng thực hiện xả nước tại hồ Sông Mây để phục vụ cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản vụ đông xuân với diện tích khoảng 800 ha thuộc khu vực huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu. Trong khi đó, hạn hán, nắng nóng và không có mưa kéo dài trên địa bàn khiến lượng nước bổ sung vào hồ không còn.
Những ngày qua, Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây đã cử người liên tục ra vớt cá xuyên ngày đêm. Song do diện tích hồ rộng lớn nên vớt không kịp. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đề nghị tạm ngưng mở cống để vớt xác cá chết, không để trôi theo dòng nước ảnh hưởng tới môi trường phía hạ lưu.