70 Năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Dưới góc độ lịch sử và Lôgic
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 09:00, 01/05/2024
Chiến thắng lịch sử ấy luôn vang vọng và là động lực để tiếp thêm sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nhớ lại lịch sử 60 năm trước, trong bài “Nhân ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ” đăng trên Báo Nhân Dân số 3690, ra ngày 7/5/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới; báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc ta đã chứng minh một chân lý của thời đại: Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Chân lý đó đã thôi thúc và cổ vũ các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh đứng lên đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc là bởi:
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, trước hết được bắt nguồn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt cả cuộc kháng chiến, nhất là ở những thời điểm có tính bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến tranh, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nắm vững lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, phát động cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, xây dựng và sử dụng lực lượng vũ trang cách mạng làm nòng cốt; đánh địch bằng cả sức mạnh của thời đại ngày nay trong sự kết hợp chặt chẽ với kinh nghiệm truyền thống của dân tộc, của nhân loại; đánh địch bằng sức mình là chính, đồng thời tranh thủ tối đa sự ủng hộ mọi mặt của các nước xã hội chủ nghĩa và bè bạn khắp 5 châu; chủ động tạo nên sự chuyển hóa căn bản về thế và lực, làm cho sức ta càng đánh càng mạnh và đẩy quân địch vào tình thế ngày càng khốn đốn, phải đầu hàng vô điều kiện.
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ còn bắt nguồn từ tình đoàn kết trong sáng, thủy chung của nhân dân và quân đội 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia trên một chiến hào chống kẻ thù chung và sự ủng hộ chí tình, to lớn, có hiệu quả về vật chất và tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa anh em cùng với sự cổ vũ, động viên của các nước bạn bè, các đảng cùng chí hướng, của nhân loại tiến bộ dành cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đều là những nhân tố đặc biệt quan trọng góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ. Chính vì lẽ đó mà nhân dân nhiều nước trên thế giới khi nhắc đến Việt Nam bao giờ cũng thường nhấn mạnh Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ. Bởi, đó không phải là kết quả của một sự vận động ngẫu nhiên, hoặc sự may mắn trong đấu tranh vũ trang; mà là kết cục tất nhiên của lịch sử, là sự thống nhất biện chứng giữa thời cơ lớn của cách mạng nước ta với tính tích cực, năng động, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam và của toàn dân, toàn quân trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp và trong 55 ngày đêm chiến đấu gian khổ, khó khăn, ác liệt của Chiến dịch. Sự thống nhất biện chứng đó chứa đựng một nội hàm đa giá trị rất phong phú. Song, dưới góc độ lịch sử và lôgic bước đầu tập trung khai thác một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, quyết tâm và kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện sự lựa chọn đúng đắn thời cơ, “quyết chiến điểm” và bố trí lực lượng một cách thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh. Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của chúng ta đã phản ánh đúng đắn tình hình thế giới, đánh giá đúng đắn kẻ thù, phân tích đầy đủ, toàn diện khả năng tiến hành chiến tranh của nhân dân và quân đội ta. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một mắt khâu cực kỳ quan trọng của cuộc kháng chiến, cần được chỉ đạo tập trung. Do vậy, chúng ta đã huy động Đại đoàn 308, 312, 316; Đại đoàn Công binh - pháo binh 351; Trung đoàn Bộ binh 57 (Đại đoàn 304) để tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một thung lũng dài 18 km, rộng 8 km với cánh đồng 10.000 ha; nơi địch bố trí 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay được mệnh danh là chốt thép "bất khả xâm phạm". Với tinh thần chiến đấu vô cùng kiên cường, dũng cảm, mưu trí sáng tạo, sau gần hai tháng chúng ta đã hoàn toàn giành thắng lợi. Chiến thắng đó đã chứng minh rằng, Đảng và Bác Hồ đã tận dụng được thời cơ rất thuận lợi: ảnh hưởng của Liên Xô và chủ nghĩa xã hội đang ngày càng tăng; cách mạng Trung Quốc phát triển tốt có tác động tích cực đến cuộc kháng chiến ở Việt Nam; liên quân Trung - Triều đang giành những thắng lợi quan trọng gây khó khăn nhất định đến sự phối hợp đối phó của kẻ thù. Còn trong nước, đó là sự phát huy kết quả đã đạt được của kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ trực tiếp là chiến dịch Đông Xuân năm 1953 - 1954 đánh địch trên tất cả chiến trường.
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh chiến dịch đã nhận thức khoa học vai trò quyết định của chiến tranh toàn dân, toàn diện trong chiến dịch và đã phát động toàn dân, toàn quân tìm các hình thức, biện pháp để chiến đấu giành thắng lợi trong điều kiện, khả năng cho phép. Từ mở đầu đến kết thúc chiến dịch (25/1/1954 – 7/5/1954), cuộc chiến tranh nhân dân đã diễn ra rất phong phú, sinh động nhất là về huy động lực lượng và nghệ thuật tác chiến. Nhờ huy động được hàng chục vạn dân công, thanh niên xung phong của đất nước, lực lượng tại chỗ của Lai Châu và Điện Biên phủ, chúng ta đã tạo lập và duy trì được lực lượng chủ lực luôn đủ sức tiến hành chiến dịch. Chúng ta đã chuyển được hàng vạn tấn vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm vào chiến dịch; hàng ngàn km đường chuyển binh lực, hoả lực đã được mở; hàng ngàn thương binh, bệnh binh được chuyển ra an toàn và ta đã sử dụng dân quân du kích thực hiện các nhiệm vụ cần thiết. Nghệ thuật sử dụng binh lực, hoả lực, nghi binh đánh lừa địch và sự hợp đồng giữa các lực lượng trong chiến dịch đã phát triển đến trình độ cao của nghệ thuật quân sự truyền thống “lấy nhỏ thắng lớn, lấy thô sơ kém hiện đại thắng tương đối hiện đại”. Thực tế đó đã kiểm nghiệm một chân lý đúng đắn rằng, trong thời đại hiện nay, các cuộc chiến tranh chính nghĩa, chống xâm lược chỉ có thể tiến hành trên nền sức mạnh của toàn dân, có nghệ thuật quân sự phù hợp với điều kiện lịch sử, với nhiều bước phát triển mới, sát với khả năng, kinh nghiệm chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập của dân tộc.
Thứ ba, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng là sự phát triển cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam mà tiêu biểu là tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”; tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” của lực lượng vũ trang nhân dân. Năm mươi lăm ngày đêm, cán bộ chiến sĩ quân đội, các đoàn dân công, các đội thanh niên xung phong, dân quân du kích và nhân dân địa phương đã không quản “nắng lửa, mưa bùn; khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” để vượt lên tất cả và nêu cao tinh thần chiến đấu ngoan cường. Biết bao tấm gương như Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn là những bông hoa đẹp của rừng hoa chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đầy hương sắc. Tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng căm thù quân xâm lược sâu sắc; ý chí quyết đánh, biết đánh và có nghệ thuật chiến thắng đã làm cho quân và dân ta phát huy sáng tạo trong chiến đấu, liên tiếp giành những trận thắng để đi đến thắng lợi cuối cùng. Bước vào kháng chiến, kẻ địch cho ta là “châu chấu đã voi”, nhưng khi kết thúc chiến tranh thì “voi thực dân” đã thực sự “lòi ruột”. Chỉ riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, phần lớn là lính Pháp và thu toàn bộ vũ khí trang bị, bắn rơi 62 máy bay... Những thành tích đó đã góp phần tạo nên bước ngoặt quan trọng để tạo ra cục diện mới, thế và lực mới cho cuộc kháng chiến thần thánh đi đến thắng lợi.
Thứ tư, việc tiến hành thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ và thành tựu mà nó đưa lại là một biểu hiện sinh động một quy luật của chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược, bảo vệ thành quả cách mạng, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, phát huy sức mạnh đoàn kết chiến đấu với các nước khu vực và láng giềng. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, đặc biệt sau chiến thắng vĩ đại của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, phong trào giải phóng dân tộc tiến bộ luôn luôn được sự viện trợ, giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Đối với dân tộc Việt Nam, Bác Hồ đã xác định: Muốn giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản, cách mạng Việt Nam cần tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước đã giành thắng lợi. Sự kết hợp sức mạnh của dân tộc ta với sức mạnh thời đại để tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như mở chiến dịch Điện Biên Phủ, trước hết đã tranh thủ được sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, đồng thời do ta đã khai thông được biên giới, tạo ra liên minh chiến đấu của ba nước anh em trên bán đảo Đông Dương. Kẻ thù vừa bị “căng” ra trên một diện rộng, vừa phải dàn trải lực lượng để đối phó, nên ta đã tìm ra những sơ hở, những mắt xích yếu để tiến công địch từng bước, từng phần và đi đến giành thắng lợi hoàn toàn.
Thứ năm, chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả hợp quy luật của sự kết hợp tiến công quân sự và đấu tranh ngoại giao; phối hợp chặt chẽ quân sự với chính trị, kinh tế, văn hoá tư tưởng; kết hợp vận động quần chúng nhân dân với làm tốt công tác tuyên truyền đối với binh lính địch cùng hậu phương của họ ở chính quốc về cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa, thiếu nhân đạo và nhân văn mà họ đã tiến hành ở Việt Nam. Nhờ vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiếp thêm sức mạnh cho đàm phán tại Giơ-ne-vơ và kết quả hoạt động ngoại giao của ta, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới; sự sa sút tinh thần chiến đấu và cả phản chiến của binh lính địch đã tạo thêm lợi thế cho quân và dân ta trên chiến trường.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những dấu ấn sâu sắc trong thế kỷ XX của dân tộc ta; là sự cộng hưởng của sức mạnh dân tộc và thời đại, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh Việt Nam, bản sắc văn hóa giữ nước Việt Nam mà nền tảng là lòng yêu nước; là một sự kiện lịch sử mang nhiều giá trị, có tính thời đại và có ý nghĩa to lớn đối với lịch sử dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) chúng ta nhìn lại dưới góc độ lịch sử và lôgic sẽ giúp những người Việt Nam chân chính luôn luôn tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ và cần phát huy giá trị của chiến thắng để tiếp thêm sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đưa đất nước phát triển đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.