Các tỉnh ĐBSCL “căng mình” vừa chống hạn, vừa chống xâm nhập mặn
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:30, 02/05/2024
Thực tế ngay từ những tháng đầu năm 2024, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng tới các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thời điểm hiện tại, xâm nhập mặn đã diễn ra trên diện rộng ở nhiều địa phương như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bình Thuận... Căn cứ vào thông tin dự báo, cảnh báo, các tỉnh, thành phố này đã có những biện pháp chủ động, khẩn cấp ứng phó, khắc phục diễn biến phức tạp của thiên tai.
Cũng theo dự báo, trong thời gian tới, nhiệt độ trung bình sẽ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trong mùa hè, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn…
Trước tình hình đó, để giữ được nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam quyết định xả hơn 7,1 triệu m3 nước từ hồ Dầu Tiếng về sông Vàm Cỏ Đông để tạo nguồn đẩy mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất theo đề nghị của tỉnh Long An.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn tăng cao trên địa bàn tỉnh Long An đang diễn ra gay gắt, phức tạp, mưa trái mùa không xuất hiện, mực nước trên các sông, kênh, rạch bị hạ thấp.
Ngoài ra, xâm nhập mặn trên 2 tuyến sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây đã vào nội địa hơn 100km tính từ cửa sông Soài Rạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Tại tỉnh Bình Thuận cũng diễn ra tình trạng nhiễm mặn do triều cường dâng cao, nguồn nước sông cạn kiệt không có nguồn nước ngọt dẫn đến việc nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền theo đường sông và thẩm thấu vào giếng của các hộ dân ở huyện Bắc Bình.
Để ứng phó với hạn mặn, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ để triển khai thực hiện Dự án đập ngăn mặn Sông Lũy, đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân. Dự án đập ngăn mặn Sông Lũy với mục tiêu ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn đối với nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm trên tại hạ lưu Sông Lũy, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, nước uống cho gia súc và sinh hoạt cho khu vực là hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó để đảm bảo tiêu thoát lũ trong mùa mưa, đồng thời kết hợp giao thông qua lại giữa 2 bờ sông Lũy và đảm bảo môi trường sinh thái vùng hạ lưu. Hàng năm, Bình Thuận luôn chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, tình trạng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tình trạng hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn sâu về phía thượng lưu sông Tiền đã khiến huyện Tân Phú Đông bị bao vây bốn bề nước mặn, sản xuất và đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nước sinh hoạt.
Ứng phó với tình hình, cùng với triển khai các giải pháp ứng phó hữu hiệu, ngày 5/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ký Quyết định số 556/QĐ-UBND về việc công bố tình huống, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.
Trước đó, để chủ động phòng chống hạn, xâm nhập mặn kịp thời, hiệu quả, UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị ngành Nông nghiệp và các địa phương tăng cường tuyên truyền cho nhân dân về diễn biến phức tạp của thời tiết để chủ động ứng phó. Thường xuyên theo dõi diễn biến hạn, xâm nhập mặn, tổ chức kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, lập kế hoạch duy tu sửa chữa nâng cấp các công trình ngăn mặn, dẫn và trữ ngọt, bảo trì, bảo dưỡng các giếng khoan dự phòng phục vụ sản xuất để sẵn sàng vận hành khi có hạn mặn kéo dài.
Đối với những vùng không đảm bảo nguồn nước tưới cho suốt vụ phải, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương. Thường xuyên thông báo cho nhân dân tình hình hạn, xâm nhập mặn để người dân chủ động chuẩn bị các phương tiện bơm và tổ chức tốt việc bơm tưới phục vụ sản xuất trong mùa khô 2024.