Hà Nội yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 08:52, 03/05/2024

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có Chỉ thị số 05 chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng...

Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với UBND các huyện, thị xã có rừng, lực lượng Công an, Quân đội trên địa bàn rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao; tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong thời gian nắng nóng có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên, chủ động, kịp thời ứng phó khi xảy ra cháy rừng;

Bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.

Có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.

chay-rung.jpg
Ảnh minh họa

Thực hiện dự báo, quan sát phát hiện lửa rừng 24/24 giờ trong thời gian cao điểm cháy theo quy định; thường xuyên theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng (Website của Cục Kiểm lâm: kiemlam.org.vn, Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: nchmf.gov.vn).

Khi cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên, bằng mọi hình thức phải nhanh chóng thông báo đến UBND các cấp (huyện, xã) có rừng, các chủ rừng trên địa bàn theo quy định. Thông tin, báo cáo ngay khi có cháy rừng về Cục Kiểm lâm, đảm bảo kịp thời để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.

Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội chỉ đạo các phòng, ban, đội, trạm bảo vệ rừng của Ban phối hợp với UBND các xã có rừng, các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm; có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời và đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm theo quy định pháp luật đối với các hành vi san ủi, lấn chiếm đất lâm nghiệp, xây dựng các công trình trái phép trên đất lâm nghiệp do Ban quản lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để tình trạng trên tiếp diễn xảy ra.

Chủ tịch UBND TP giao CATP chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, công an các huyện, thị xã có rừng chủ động phương án chữa cháy rừng, cứu nạn, cứu hộ khi cháy rừng và sạt lở đất lâm nghiệp trên địa bàn Thành phố xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, chỉ huy tham gia chữa cháy rừng;

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng xử lý nghiêm minh đảm bảo tính răn đe theo đúng quy định pháp luật.

UBND các huyện, thị xã có rừng tổ chức kiện toàn và tăng cường hoạt động hiệu quả của Ban chỉ huy Phòng cháy chữa cháy rừng, các tổ đội chuyên trách bảo vệ rừng rà soát, bố trí các nguồn lực, nhân lực, vật tư, trang thiết bị, phương tiện chủ động, sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo đúng phương châm 4 tại chỗ: “Phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ” không để xảy ra cháy rừng lớn.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có rừng tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về lấn chiếm đất rừng, chặt phá cây rừng, san ủi, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp và mua bán, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép.

“Đối với các hành vi vi phạm như: Khai thác, san ủi, lấn chiếm đất lâm nghiệp, xây dựng các công trình trái phép trên đất lâm nghiệp Chủ tịch UBND các xã, phường thị trấn quản lý địa bàn để xảy ra tình trạng trên phải chịu trách nhiệm chính trước Chủ tịch UBND huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có rừng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP và quy định pháp luật”, Chỉ thị nêu rõ.

Phúc Minh