Khai mạc "Phiên chợ thực phẩm an toàn" tỉnh Thanh Hoá năm 2024

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 19:23, 07/05/2024

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối thực phẩm trong và ngoài tỉnh trưng bày, giới thiệu sản phẩm an toàn đến các nhà phân phối và người tiêu dùng.

Sáng ngày 6/5/2024, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ khai mạc “Phiên chợ thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024” trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Tham dự phiên chợ có Ông Trần Đức Lương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa. Ông Lý Đình Sĩ, Huyện uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND huyện; Đại diện lãnh đạo UBND, phòng KTHT các huyện Triệu Sơn, Yên Định; Đại diện lãnh đạo UBND thị trấn Sao Vàng và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh.

Phiên chợ thực phẩm an toàn được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối thực phẩm giới thiệu sản phẩm thực phẩm sạch đến nhà phân phối và người tiêu dùng. Qua đó thúc đẩy phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

a4.jpg
Ông Trần Đức Lương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa phát biểu khai mạc "Phiên chợ thực phẩm an toàn"

Đây là hoạt động thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về tổ chức thí điểm "Phiên chợ thực phẩm an toàn" trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2023 – 2025. Riêng trong năm 2024, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức thí điểm 4 phiên chợ thực phẩm an toàn tại các huyện Thọ Xuân, Cẩm Thuỷ, Nông Cống, Nga Sơn. Thông qua phiên chợ thực phẩm an toàn nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ.

Phiên chợ thực phẩm an toàn tại huyện Thọ Xuân được tổ chức trong 2 ngày mùng 6 và mùng 7/5. Phiên chợ có 30 gian hàng bày bán nhiều sản phẩm như lương thực, thực phẩm, nông sản, thuỷ hải sản, đồ uống, thực phẩm chế biến… của các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng thực phẩm an toàn, đơn vị sản xuất các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.

a3.jpg
Các loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có nguồn gốc từ dược liệu như Trà đông trùng, trà cà gai leo túi lọc Bình Sơn; Mật ong trà gừng, mật ong hoa đu đủ, tinh bột nghệ của HTX Mai An Tiêm (Nga Sơn)…

Trong những năm vừa qua, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là thách thức đối với toàn xã hội. Tình trạng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực trong phạm vi tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp và diễn ra ở tất cả các khâu từ sản xuất đến kinh doanh và tiêu dùng; tình trạng sử dụng hóa chất, chất phụ gia ngoài danh mục trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm, dư lượng chất kháng sinh, chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và người dân.

a2.jpg
Nhiều mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng, lương thực; thực phẩm đa dạng, phong phú với nhiều mặt hàng như: Bánh gai Bảy Quyên (thị trấn Sao Vàng); Bánh lá răng bừa Tú Chữ (Xuân Lập); Gà ủ muối, giò gà, xúc xích gà Trịnh Tâm của Công ty cổ phần TM&DV Happy farm Việt Nam (Xuân Hồng); Nước mắm cốt cá cơm vị Thanh, của HTX chế biến Hải Bình (thị xã Nghi Sơn); Nem Giò Hưng Anh (Yên Định)...

Vì lợi nhuận trước mắt, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến nhiều doanh nghiệp không từ thủ đoạn đưa ra thị trường các sản phẩm độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng; tác động xấu đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, môi trường đầu tư, uy tín, hình ảnh của tỉnh trong thời kỳ hội nhập; đặc biệt là phát triển du lịch của tỉnh nhà.

Nhận thức được nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm không những xuất phát từ khâu sản xuất, chế biến mà còn tiềm ẩn ở khâu bảo quản, lưu thông; đặc biệt là trong quá trình trao đổi, mua bán hàng hóa diễn ra tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở kinh doanh thực phẩm.

az3.jpg
Tất cả các sản phẩm trưng bày, giới thiệu và bán tại phiên chợ đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn về dịch bệnh và được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.

Đây là cơ sở để các ngành, đơn vị và địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần xây dựng thôn, xã, huyện nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Thông qua các phiên chợ thực phẩm an toàn cũng sẽ giúp các nhà phân phối và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm thực phẩm có chất lượng, từng bước nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất thực phẩm trong tình; góp phần đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”./.

Sơn Hà