Quảng Ngãi ứng phó với khô hạn
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 08:00, 12/05/2024
Nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít, nên hiện tại mực nước ở hầu hết các hồ chứa lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, chỉ còn từ 60 - 80%. Còn các hồ chứa nước do địa phương quản lý, mực nước chỉ đạt từ 30 - 40%.
Theo kế hoạch, vụ hè thu 2024, toàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức sản xuất trên 49,7 nghìn héc ta (hơn 34,7 nghìn héc ta lúa và gần 15 nghìn héc ta các loại cây trồng khác), nhưng dự báo có gần 7.900ha đối diện nguy cơ thiếu nước, tập trung tại huyện Sơn Tịnh (1.650ha), Bình Sơn (1.620ha), TX.Đức Phổ (1.550ha), Mộ Đức (1.450ha), Tư Nghĩa (1.350ha)...
Trước tình hình này, chính quyền các địa phương và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi đã triển khai phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn vụ hè thu 2024. Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi Hà Thế Vinh cho biết, cùng với việc nạo vét, sửa chữa kênh mương, cống lấy nước... công ty triển khai phương án tưới luân phiên ngay từ đầu vụ.
Đối với những khu vực có nguy cơ khô hạn, nhiễm mặn nặng, công ty sẽ chủ động lắp đặt, vận hành các trạm bơm dã chiến gắn với lấy nguồn nước từ các trạm bơm điện đưa lên cung ứng. Riêng đập ngăn mặn giữ ngọt Hiền Lương và Khê Hòa, công ty nỗ lực thực hiện hiệu quả các biện pháp vận hành công trình để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xâm nhập mặn, bảo vệ hàng nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt cho người dân ở khu vực TP.Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa.
Các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi đã rà soát và xác định diện tích sản xuất nông nghiệp bị khô hạn, nhiễm mặn, không chủ động nước tưới trong vụ hè thu, để chủ động triển khai các giải pháp ứng phó. Có hơn 318,5ha, chủ yếu là ở TX.Đức Phổ (255ha) không tổ chức sản xuất trong vụ hè thu năm nay.
Các địa phương cũng đã tổ chức chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với gần 662ha đất trồng lúa không chủ động nước tưới, nhiều nhất là TX.Đức Phổ (325ha), Bình Sơn (280ha), Tư Nghĩa (36ha)...
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tuyên truyền nông dân chấp hành lịch thời vụ và cơ cấu giống, tuyệt đối không tổ chức sản xuất tại các diện tích bị thiếu nước hoặc ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Đồng thời, tổ chức ra quân nạo vét kênh mương gắn với đắp đập tạm tại các sông, suối để giữ và tạo nguồn nước ngọt; vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi, đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Mới đầu mùa nắng nhưng hoạt động của Trạm Cấp nước sạch xã Bình Hải, thuộc Hệ thống cấp nước sạch xã Bình Hải (Bình Sơn) liên tục bị gián đoạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân là do mực nước của hồ Hòa Hải, xã Bình Hòa xuống thấp, cộng với mực nước ngầm tại khu vực này giảm hơn 1m so với cùng kỳ năm 2023, khiến việc lấy nước thô để xử lý gặp khó khăn.
Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi - ông Lê Văn Minh cho biết, không chỉ tại Trạm Cấp nước sạch Bình Hải, mà mực nước ngầm tại khu vực các trạm, hệ thống cấp nước sạch như: Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), phường Phổ Thuận và xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ); Bình Hải (Bình Sơn) giảm từ 1 - 2,5m so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đến nguồn nước đầu vào bị thiếu hụt.
Do đó, hiện nay, trung tâm đang triển khai thực hiện biện pháp cấp luân phiên, đấu nối hòa mạng giữa các trạm cấp nước, súc rửa và mở rộng tuyến ống, nạo vét giếng đào, khoan bổ sung giếng khai thác. Trong trường hợp mực nước ngầm giảm quá thấp, sẽ kích hoạt các giếng khoang có độ sâu 100m, để đảm bảo nguồn nước sạch cấp cho khoảng 17 nghìn hộ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Theo báo cáo của các địa phương và cơ quan chuyên môn, dự kiến mùa khô năm nay, toàn tỉnh có gần 19 nghìn người bị thiếu nước sinh hoạt, tập trung tại các huyện Sơn Hà (gần 6.300 người), Ba Tơ (hơn 4.600 người), Tư Nghĩa (trên 3.600 người)...
Để chủ động ứng phó, người dân đã mua sắm máy bơm, thiết bị tích trữ nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước theo dõi trữ lượng và chất lượng nguồn nước cấp, gắn với xây dựng kế hoạch phân phối và điều tiết nước phù hợp, cụ thể cho từng giai đoạn, tránh tình trạng thiếu hụt. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng điều kiện thiếu nước sinh hoạt để trục lợi thông qua cấp nước sinh hoạt với giá cao.