Tiền Giang chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:30, 13/05/2024

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, mùa mưa năm 2024 bắt đầu từ nửa cuối tháng 5/2024. Sau thời gian này, mưa sẽ tăng cả về lượng và diện.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, mùa mưa năm 2024 bắt đầu từ nửa cuối tháng 5/2024. Sau thời gian này, mưa sẽ tăng cả về lượng và diện.

Dự báo, tháng 5, tổng lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN), từ tháng 6-2024 trở đi tổng lượng mưa xấp xỉ đến cao hơn TBNN từ 200 - 300 mm. Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/2024, có những đợt gió mùa Tây Nam mạnh gây mưa lớn diện rộng trên khu vực, đặc biệt có khả năng mưa lớn tập trung nhiều vào các tháng cuối năm 2024. Cần đề phòng lốc, sét, gió giật và mưa lớn cục bộ xuất hiện nhiều vào lúc chiều tối.

Từ nay đến nửa đầu tháng 6/2024, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông. Từ khoảng nửa cuối tháng 6/2024, khả năng bão và ATNĐ có khả năng xuất hiện trên Biển Đông. Dự báo có khoảng 11 - 13 cơn bão và ATNĐ trên Biển Đông và 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền và xấp xỉ so với TBNN. Hoạt động của bão và ATNĐ có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9 đến tháng 11/2024).

Đỉnh lũ cao nhất năm trên sông Tiền xuất hiện vào tháng 10, ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn Báo động I khoảng 0,3m (tức tại Tân Châu 3,2 - 3,5m). Tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu sông Tiền, mực nước cao nhất năm ở mức cao hơn Báo động III khoảng 0,25 - 0,35m xuất hiện vào cuối tháng 10, đầu tháng 11; tại Mỹ Thuận 2,05 - 2,15m, Mỹ Tho 1,85 - 1,95m.

ung-pho-voi-thien-tai.jpg
Người dân gặt lúa chạy lũ. Ảnh minh họa

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ban Chỉ huy tỉnh) Nguyễn Đức Thịnh cho biết: Theo dự báo của cơ quan chức năng, mùa bão năm 2024 đến muộn hơn mọi năm và kết thúc muộn, bão dồn dập về cuối mùa và tập trung trong những tháng cuối năm 2024. Mùa bão năm 2024 hoạt động tập trung nhiều trong các tháng cuối năm làm cho mưa nhiều vào thời kỳ này, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Cần đề phòng bão cuối mùa sẽ ảnh hưởng đến phía Nam (trong đó có Nam Trung bộ và Nam bộ).

Tiền Giang là tỉnh ven biển vùng Nam bộ nên khả năng sẽ chịu tác động của bão và ATNĐ trong những tháng cuối năm. Như vậy, vấn đề mà tỉnh quan tâm nhất trong những tháng cuối năm là tình hình bão và ATNĐ.

Ban Chỉ huy tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh Tiên Giang ban hành Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo hướng phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “3 sẵn sàng” để ứng phó kịp thời, hiệu quả với mục tiêu “Phòng là chính” hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh như: Bão, ATNĐ; lũ, triều cường; hạn, xâm nhập mặn; dông, lốc, sét; sạt lở đất; gió mạnh trên biển...; đặc biệt là đối với người, tài sản và công trình trọng yếu.

Cùng với đó, Ban Chỉ huy tỉnh Tiền Giang đã xây dựng Kế hoạch PCTT và TKCN năm 2024 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia PCTT năm 2024 trên địa bàn.

Ban Chỉ huy tỉnh Tiền Giang triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với mưa, dông, lốc xoáy, cây xanh ngã đổ trên đất liền và gió giật mạnh trên biển trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là đài truyền thanh địa phương để nhân dân chủ động phòng tránh hiện tượng mưa, dông, kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra; sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư phương tiện “4 tại chỗ” triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng và kịp thời.

Ban Chỉ huy tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong PCTT với phần mềm ứng dụng PCTT trên địa bàn tỉnh; phần mềm ứng dụng hỗ trợ việc điều hành, quản lý, ứng phó trong công tác sơ tán dân để PCTT trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, là phần mềm trực tuyến phục vụ hỗ trợ công tác thống kê thiệt hại tỉnh Tiền Giang; phần mềm Quản lý thu, chi quỹ PCTT tỉnh Tiền Giang; trang website Ban Chỉ huy tỉnh... nhằm kịp thời đưa các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và các văn bản chỉ đạo điều hành của Trung ương và địa phương để cho người dân trong và ngoài tỉnh có thể truy cập dễ dàng mọi lúc, mọi nơi trên điện thoại thông minh về tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Ban Chỉ huy tỉnh Tiên Giang cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho học sinh tiểu học vùng lũ, vùng bão biết kỹ năng phòng, chống đuối nước; tập huấn, tuyên truyền và hướng dẫn cho cộng đồng dân cư biết cách phòng chống, ứng phó tại chỗ với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn.

Công tác tập huấn cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã cũng được thực hiện thường xuyên để thực hiện ứng cứu đối với các tình huống thiên tai trên địa bàn như: Bão, ATNĐ, hạn hán, xâm nhập mặn, động đất, sóng thần, lũ lụt, triều cường, lốc xoáy, sạt lở, ngập úng…

Cũng theo ông Thịnh, để chủ động ứng phó, phòng ngừa và chủ động bảo vệ an toàn cho gia đình và tài sản trong mùa mưa bão sắp tới, người dân cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuân thủ các chỉ đạo của người có thẩm quyền, đặc biệt trong các tình huống phải di dời khẩn cấp khi có thiên tai.

Bên cạnh đó, người dân cần chủ động thực hiện chằng chống nhà cửa để hạn chế tốc mái khi có thiên tai xảy ra, đặc biệt đối với những hộ dân ở các vùng ven biển, cửa sông, ven sông; chủ động dự trữ lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết, chặt tỉa cành, nhánh các cây cao, dễ gãy đổ, cây xung quanh nhà ở, lưới điện… để đảm bảo an toàn.

Cùng với đó, người dân cần phải tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn; tổ chức gia cố, chằng buộc hoặc di dời các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản chưa đến giai đoạn thu hoạch ở vùng có nguy cơ cao; gia cố bờ vùng, bờ thửa để bảo vệ sản xuất, chuẩn bị các phương tiện bơm tát sẵn sàng bơm tiêu chống úng đối với những vùng trũng thấp có nguy cơ bị ngập úng. Các tàu thuyền khi xuất bến phải đảm bảo an toàn theo quy định, báo cáo rõ số lượng người, số hiệu tàu, vị trí neo đậu hoặc đánh bắt khi có yêu cầu, tham gia sắp xếp tàu thuyền ở nơi neo đậu.

Hồng Trang