Diễn đàn "Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt"
Tọa đàm - Ngày đăng : 08:34, 17/05/2024
Tham dự Diễn đàn có: Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội; Ông Hồ Kiên Trung – Phó Cục trưởng, Cục Kiểm soát ô nhiễm và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); GS. TS Đặng Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam; TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT); PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng; các lãnh đạo Hội, hiệp hội trong khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu.
Về phía đơn vị tổ chức có: Ông Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bà Phạm Thị Xuân - Phó Chủ tịch thường trực Hội; Ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó chủ tịch Hội; Ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội; Ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hội; Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống và các lãnh đạo Trung tâm, phòng, ban của Hội.
Cùng đại diện hơn 30 Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành. Và đại diện các Công ty hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường trên cả nước.
Diễn đàn còn có mặt của các PV báo đài đến dự và đưa tin và sự đồng hành thiết thực đến từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO), Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương đã hỗ trợ, góp phần chung tay vì sự thành công của chương trình.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến ngày 1/1/2025 sẽ phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đây được kỳ vọng là một bước đi đột phá để cải thiện vấn đề ô nhiễm và quá tải do rác thải, cũng như lãng phí tài nguyên ở Việt Nam.
Tuy nhiên để thực thi các quy định này điều kiện cần là một quy chuẩn vận hành, còn điều kiện đủ là quy trình phân loại – thu gom - xử lý rác thải cũng phải được thực hiện đồng bộ. Có như vậy rác thải mới đi đúng vòng tuần hoàn mang lại lợi ích. Nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, triển khai thiếu đồng bộ, thì cũng rất khó đưa chính sách đi vào cuộc sống. Bởi thực tế đã cho thấy, những khó khăn, sự thiếu đồng bộ về hạ tầng thu gom, xử lý rác đang là một trong những thách thức lớn đối với phân loại rác thải sinh hoạt tại các địa phương hiện nay.
Với ý nghĩa to lớn đó, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức Diễn đàn: "Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt".
Diễn đàn là dịp để các đơn vị nêu ra thực trạng, khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt hiện nay; khó khăn về thiết bị, hạ tầng cơ sở, các điểm tập kết cũng như nguồn kinh phí bố trí cho việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đi vào thực tiễn.
Diễn đàn được tường thuật trực tiếp trên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn và tại fanpage của Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn trên mạng xã hội Facebook (https://www.facebook.com/moitr...).
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra 06 Điều quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, Điều 75 của Luật này quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Nghị định số 45 của Chính phủ cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025, nhưng nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.
Phân loại rác thải sinh hoạt sẽ mang lại lợi ích lâu dài nhưng là khó khăn trước mắt. Việc phân loại, thu gom và xử lý Rác thải sinh hoạt là bài toán khó giải quyết ở cả thành thị lẫn nông thôn, TS. Nguyễn Linh Ngọc cho biết thêm.
Thực trạng và khó khăn trong thực hiện phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt
Theo ông Nguyễn Thành Lam - Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT cho biết: Lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) vẫn tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2019, tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 64.658 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 35.623 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 28.394 tấn/ngày. Hiện nay, tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877,34 tấn/ngày, khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143,05 tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 29.734,30 tấn/ngày.
Về công tác thu gom, vận chuyển CTRSH, theo thống kê, trong năm 2023, tổng lượng CTRSH được thu gom, vận chuyển trên toàn quốc đạt 88,34%, tại đô thị đạt 96,60%, tại nông thôn đạt 77,69% (số liệu của 61 tỉnh/TP).
Về hiện trạng xử lý CTRSH, cả nước có 1.548 cơ sở xử lý CTRSH. Trong đó, cơ sở đốt CTRSH là 340 cơ sở (chiếm 21,96%); Cơ sở xử lý CTRSH thành mùn/phân hữu cơ 30 cơ sở (chiếm 1,94%; Cơ sở chôn lấp CTRSH 1.178 cơ sở (chiếm 76,10%, trong đó nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.
Nói về thách thức trong quản lý CTRSH, ông Lam cho biết, thứ nhất, trong phân loại: Chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương. Thứ hai, trong thu gom, vận chuyển: Chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom CTRSH tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; Thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu; Thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định làm tồn đọng CTRSH kéo dài gây ONMT khiến người dân bức xúc; Các quy định về Định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu. Thứ ba,Trong xử lý: Công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu (76,10%); Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước, bao gồm vốn ODA; Nguồn vốn từ khu vực tư nhân còn khiêm tốn (ít các dự án đầu tư theo PPP, tư nhân được triển khai); 75% cơ sở xử lý CTRSH được nhà nước hỗ trợ vận hành.
Về chính sách, pháp luật quản lý CTRSH, điểm mới của Luật BVMT 2020 trong quản lý chất thải với quan điểm coi chất thải là tài nguyên với mục tiêu tận dụng tối đa giá trị của các sản phẩm thải bỏ và thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn cho sự phát triển bền vững.
Tại nền kinh tế đó, mọi chất thải đều được nghiên cứu để tái chế và xử lý theo phương thức phù hợp nhằm giảm thiểu tối đa chất thải phải xử lý ra môi trường, tiến tới một xã hội không còn chất thải.
Việc sử dụng chất thải rắn phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng phải theo nguyên tắc tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn thông qua việc áp dụng các giải pháp theo thứ tự ưu tiên sau:
- Tái sử dụng sản phẩm thải bỏ;
- Sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì hoặc nâng cấp sản phẩm bị lỗi, sản phẩm cũ để kéo dài thời gian sử dụng;
- Tận dụng thành phần, linh kiện của sản phẩm thải bỏ;
- Tái chế chất thải rắn để thu hồi nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất theo quy định của pháp luật;
- Xử lý chất thải rắn kết hợp thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật;
- Chôn lấp chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường chia sẻ về quy định phân loại CTRSH, phân loại nguyên tắc:
Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: không phải trả chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.
Chất thải thực phẩm: Được tận dụng, tái chế làm thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ vi sinh…
Chất thải rắn sinh hoạt khác (UBND tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể, chất thải cồng kềnh).
Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
Ngoài ra, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nêu rõ về các quy định về thu gom, vận chuyển CTRSH; Quy định về xử lý CTRSH; Quy định về đóng bãi chôn lấp CTRSH sau khi kết thúc hoạt động; Quy định về ký quỹ BVMT chôn lấp CTRSH; Hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.
Đáng chú ý, về định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đối với hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày sẽ tính theo nguyên tắc có sự bù đắp thông qua ngân sách địa phương, đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng từ 300 kg/ngày Tính trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý. Phương pháp định giá được quy định tại Điều 31 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
Việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH do UBND các cấp lựa chọn, theo hình thức đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ.
Theo đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, trước khi có Luật BVMT 2020, tình hình phân loại CTRSH còn mang tính thí điểm, mô hình, không thành công, sau khi có Luật BVMT 2020 đã bước đầu có địa phương tổ chức triển khai phân loại CTRSH. Tại miền Bắc, điển hình tại một số địa phương như: Hà Nội, Lào Cai, Hải Dương, Hải Phòng. Miền Trung – Tây Nguyên: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Lâm Đồng. Miền Nam: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Theo Luật BVMT 2020, nguyên tắc phân loại CTR, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: Không phải trả chi phí thu gom, vận chuyển; Chất thải thực phẩm: Được tận dụng, tái chế làm thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ vi sinh; CTRSH khác.
Theo Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH đưa ra nhận diện tối đa chủng loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: (1) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; (2) Chất thải thực phẩm; (3) Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Nhóm 1 là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, bao gồm: Giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thủy tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ...
Nhóm 2 là chất thải thực phẩm bao gồm: Thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản...
Nhóm 3 là chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm: Chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải khác còn lại...
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, áp dụng Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các Văn bản hướng dẫn thực hiện; trong đó lưu ý một số nội dung sau:
Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các Văn bản hướng dẫn thực hiện; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý.
Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Hải Bằng – Phó Chi Cục trưởng, Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tỉnh Thái Nguyên có nền công nghiệp nặng phát triển sớm. Hiện tại, trên toàn địa bàn tỉnh có gần 300 dự án sản xuất, kinh doanh cùng 11 cụm công nghiệp. Sự phát triển của các cụm công nghiệp đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của toàn tỉnh, tuy nhiên, nó cũng đặt ra vấn đề về việc quản lý chất thải công nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy xử lý chất thải công nghiệp đặt tại 3 thành phố: Sông Công, Phổ Yên và Thái Nguyên.
Từ năm 2000, tỉnh Thái Nguyên đã bắt đầu quan tâm đến việc xử lý chất thải sinh hoạt. Trong suốt quá trình thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy để bảo vệ môi trường nói chung và thu gom, xử lý chất thải công nghiệp nói riêng. Năm 2017, 2018, tỉnh đã xây dựng và ban hành quy định về quản lý chất thải. Trong những năm 2021, 2022, tỉnh ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Đến năm 2024, tỉnh đã tiếp tục ban hành quy định về quản lý chất thải xây dựng, chất thải nạo vét mương… Đồng thời, phê duyệt nhiều dự án bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND các cấp thực hiện các quy định, dự án về quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố cũng quan tâm bố trí kinh phí đầu tư vào các dự án xử lý rác thải, đầu tư trang thiết bị thu gom, thiết lập tổ thu gom… Kết quả, 9 huyện trên địa bàn tỉnh đều có dự án xử lý chất thải, 1 số địa phương còn chủ động đề xuất xây dựng những lò đốt rác mini. Theo số liệu tổng hợp trong năm 2023, lượng rác thải thu gom đã đạt 75%, trong đó, tỷ lệ rác được thu gom ở khu vực đô thị cao hơn khu vực nông thôn.
Ông Lê Hải Bằng cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại Thái Nguyên, bao gồm: Thứ nhất, lực lượng cán bộ làm việc trong công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn còn mỏng. Bộ phận thực hiện nhiệm vụ quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm của tỉnh Thái Nguyên trên thực tế chỉ có 5 cán bộ. Ngoài ra, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh cũng không nhận được hướng dẫn cụ thể khi nhận quyết định phụ trách công việc quản lý chất thải rắn. Đồng thời, Sở cũng không được bổ sung thêm nhân lực hay bộ phận chuyên môn để xử lý công việc này.
Thứ hai, nhiều nhà máy xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh còn “ngại” tiếp nhận chất thải sinh hoạt. Lý do là bởi chi phí cho hoạt động thu gom còn khá thấp.
Thứ ba, hạ tầng về thu gom, xử lý rác thải chưa được đồng bộ. Trên toàn tỉnh Thái Nguyên chỉ có 3 đến 4 huyện được đầu tư hạ tầng xử lý rác hoàn chỉnh, đáp ứng đủ yêu cầu. Nhiều khu vực còn không có cả hệ thống xử lý nước rác, từ đó gây ra hiện tượng ô nhiễm ô trường. Ngoài ra, còn có nhiều bãi rác đang trong tình trạng quá tải.
Thứ tư, các nhà máy đã được đầu tư công nghệ xử lý rác thải trong hoạt động về kiểm soát ô nhiễm vẫn chưa được ổn định. Nhiều công ty môi trường thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh những lý do trên, ý thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, nhiều người coi thường chuyện thu gom rác và cho rằng đó là việc của công nhân môi trường. Trước thực trạng đó, Sở TN & MT đã có rất nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, vận động để từng bước nâng cao ý thức của người dân nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
Đại diện Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, định mức về công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt sẽ sớm được ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công ty môi trường. Đồng thời, Bộ sẽ có những hướng dẫn chung, xây dựng bộ phận riêng thực hiện việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Ông Lê Hải Bằng cũng đề nghị các Bộ, Ngành và Quốc Hội xem xét bổ sung biên chế cho Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh để công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt được triển khai hiệu quả và đồng bộ.
Ngoài những khó khăn vướng mắc của các địa phương thì trong thời gian qua một số tỉnh, thành phố đã có những mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Chia sẻ về vấn đề này, ThS. Đào Thu Huyền - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hải Phòng cho biết: Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 1860 tấn/ngày, trong đó tại khu vực đô thị khoảng 1000 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 860 tấn/ngày (số liệu thống kê năm 2023).
Về ưu điểm, CTR sinh hoạt đô thị có tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 100%; Xử lý mùn hữu cơ: 70-100 tấn/ngày; Vận hành KXL: đảm bảo về môi trường; Ứng dụng công nghệ GPS. CTSH nông thôn được xử lý tăng dần qua các năm: 2016 đạt 85% đến năm 2023 đạt 98%.
Bên cạnh đó còn những khó khăn, tồn tại như chậm triển khai theo Quy hoạch; Công nghệ công nghệ còn đơn điệu (chủ yếu chôn lấp hợp vệ sinh); Đối mặt với sự quá tải, nguy cơ ô nhiễm cao; Chưa khai thác được các lợi ích kinh tế từ rác thải; Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển thấp, thu không đủ bù chi; Công nhân thu gom tai nông thôn: Thu nhập thấp, chưa được quan tâm.
Về công tác chỉ đạo, thực hiện quản lý CTRSH, phân loại CTRSH tại nguồn, từ năm 2016 UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo thực hiện phân loại rác tại nguồn. Năm 2018, các chợ, nhà hàng, khách sạn đã phân loại rác tại nguồn. Năm 2019 đến nay, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn tại các tổ dân phố, khu dân cư, sáng kiến tổ chức tuyên truyền tại các ngõ xóm.
Chia sẻ kinh nghiệm áp dụng tại TP Hải Phòng, ThS. Đào Thu Huyền cho biết, với niềm tin phân loại rác tại nguồn là tốt, là điều cần làm, phải làm; Chắc chắn phân loại rác tại nguồn sẽ thành công, đặc biệt phải kiên trì. Với động lực Nếu không phân loại tại nguồn: Bị từ chối tiếp nhận; Kinh nghiệm, bài học về ùn ứ rác từ sự cố các bãi rác; Ưu tiên ở vùng tập trung hữu cơ cao, "Mô hình điểm" (chính quyền, người dân quan tâm…); Nông thôn:chính quyền, người dân thấy hiệu quả rõ rõ rệt của phân loại rác tại nguồn tại các mô hình điểm; Tại đô thị: Thực tế tham quan nhà máy phân mùn compost để cảm nhận được ý nghĩa, giá trị của phân loại rác tại nguồn. Cùng với đó, tiếp thu kiến thức hỗ trợ từ chuyên gia thành phố Kitakishư; Vừa làm, vừa tìm tòi ra cách làm hay, làm hiệu quả hơn, tài liệu tuyên truyền (trực quan, dễ hiểu….); Phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt (Bí thư, Tổ dân phố, Phụ nữ...),
Theo lộ trình UBND thành phố đề ra, phấn đấu đến ngày 31/10/2024, cơ bản 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn các quận, huyện toàn thành phố hoàn thành và tiếp tục duy trì công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Thách thức trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Liên quan đến phân loại rác tại nguồn, một số ý kiến cho rằng, từ việc tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng, đến việc đồng bộ trong tất cả các khâu, bao gồm đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý tái chế rác thải sinh hoạt. Đặc biệt, thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác vẫn sẽ là một bài toán khó. Bởi thực tế, đã có những địa phương, việc phân loại rác dù đưa vào thực hiện hơn 5 năm qua - nhưng vẫn chưa thể hình thành tính chủ động của người dân.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay: Năm 2020, Luật BVMT được Quốc hội ban hành, thay thế cho Luật BVMT 2014. Có rất nhiều nội dung mới theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đối với quản lý rác sinh hoạt, có một số điểm mới cần được nhận thức rõ như: Lần đầu tiên quy định bắt buộc phải PLRTN, không còn là khuyến khích như các Luật ban hành trước đó (nếu không phân loại sẽ bị từ chối thu gom và bị phạt); Rác được phân thành 3 loại: Có khả năng tái chế, thực phẩm, khác (bao gồm nguy hại, cồng kềnh và rác thông thường khác); Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền: phải trả tiền theo lượng rác thải ra (PAYT), phải đổ rác đúng giờ đúng nơi quy định; Các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, hạ tầng và nhân công theo Hợp đồng ký kết để thu gom vận chuyển xử lý rác đã phân loại; Phân cấp mạnh mẽ trong quản lý rác. Vai trò và trách nhiệm mới của cơ quan TW (Bộ TNMT), của địa phương cấp tỉnh, cấp quận huyện và cấp xã phường; Vai trò của các cơ quan đoàn thể các cấp.
Ngoài ra, Nghị định 08/2022 cũng đã quy định lộ trình thực hiện PLRTN (3 năm chuẩn bị), theo đó đến 1/1/2025, các hộ phải PLRTN nếu không sẽ bị phạt theo Nghị định 45/2022.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, hiện nay hầu hết các địa phương khá lúng túng khi triển khai PLRTN theo Luật BVMT 2020, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch PLRTN. Các địa phương đang đợi các hướng dẫn của Bộ để triển khai thực hiện. Các hộ dân, các chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, phải trả tiền theo lượng rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu, như thế nào; các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom vẫn chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất địa điểm thu gom rác đã phân loại, vẫn thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết (theo QD 592 năm 2014 của Bộ Xây dựng), chưa có thay đổi trong công tác thu gom, vận chuyển xử lý. Vẫn còn khoảng trống trong việc xử lý rác thực phẩm (đầu tư, qui trình, định mức và tiêu thụ đầu ra…).
Một câu hỏi đặt ra trong lúc này là: Còn 7 tháng nữa là đến hạn bắt buộc phải triển khai PLRTN theo quy định, liệu thời hạn này các địa phương có đáp ứng được không? những gì đã chuẩn bị, đã làm? những khó khăn gì, những vướng mắc gì cần phải giải quyết?
Không chỉ khó khăn với các địa phương, ngay cả với những đơn vị thực hiện thu gom rác cũng có những vướng mắc trong quá trình triển khai, chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Lân - Đại diện Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương cho biết: Với đặc thù rác thải ở Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung là rác thải chưa phân loại, không có công nghệ nào xử lý được nếu không tiến hành phân loại rác ngay từ đầu.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cũng sẽ gặp phải một số khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt được như:
Thứ nhất, về nguồn vốn: Chi phí thu gom, xử lý còn tương đối cao. Phí sử dụng lao động và phí vệ sinh thu được không đáp ứng được yêu cầu chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác, trong khi đó 100% chi phí xử lý là do nhà nước chi trả.
Việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện nay đang thực hiện theo cơ chế đấu thầu, tuy nhiên nhiều đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt có nhân lực và năng lực tài chính hạn chế, nhất là lực lượng thu gom rác thải dân lập từ hộ dân, gia đình… chưa thể đầu tư nâng cấp phương tiện, thiết bị đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về môi trường để phù hợp với việc thu gom rác thải sinh hoạt sau phân loại và tham gia đấu thầu. Một số doanh nghiệp xử lý trong nước hiện nay thiếu kinh phí đầu tư công nghệ và thiếu các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm phụ thu hồi.
Thứ hai, về công nghệ, Công ty nhận định, khác với rác sinh hoạt ở khu vực Châu Âu và Nhật Bản là đã được phân loại và có độ ẩm thấp, đa phần rác thải sinh hoạt ở Việt Nam có độ ẩm cao, nhiều chất hữu cơ và chưa được phân loại. Vì vậy, nếu áp dụng nguyên mẫu công nghệ của các nước Âu – Mỹ hay Nhật vào Việt Nam thì sẽ không hiệu quả, nếu xét cả về tài chính và kỹ thuật.
Còn theo ông Nguyễn Duy Bình – Giám đốc Công ty CP Vệ sinh Môi trường Lam Sơn, mặc dù việc chôn lấp rác thải hiện nay chiếm khoảng 70% là chôn lấp và chỉ có khoảng 17% là tái chế. Tuy nhiên do vấn đề quy hoạch mặt bằng chưa đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật, chưa đồng bộ cho mục đích xử lý chất thải nói chung. Các dòng rác thải có tính tái sử dụng chưa thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chung thống nhất cho các địa phương nên dự án đi đến đâu là chỉ một thời gian sau các núi rác mọc theo đến đó. Nguyên nhân là do rác thải không được phân loại đã tạo nên một khối lượng phế thải hổ lốn, có độ ẩm cao không thể đốt được.
Tại diễn đàn, TS Bùi Thị Thanh Hương - Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có những chia sẻ, giáo dục đóng một vai trò quan trọng đó là bắt đầu là câu chuyện của giáo dục và kết thúc sẽ tạo nên câu chuyện của văn hóa và khi văn hóa đã có sẽ tạo nên văn hóa của thói quen và nhận thức. Khi đã trở thành nhận thức thì giống như ở Nhật Bản sẽ là rác của mình không phải để người khác dọn. Nhà nước và các ngành khác không phải tốn tiền của và sức lực cho cái việc không chỉn chu và gọn gàng của từng cá nhân.
Tại ĐH QGHN, việc phân loại rác thải đã được tiến thành và phân chia thành 3 nhóm, có thùng đựng riêng biệt đặt tại các giảng đường và khu ký túc xá. Mỗi loại rác lại được tuyên truyền rất là nhiều trong các bài giảng, các buổi sinh hoạt ngoại khóa nhưng mà khi ra thực tế thì kết quả vẫn chưa được như mong muốn.
“Tôi đề xuất nên đưa ra một cái quy ước chung càng đơn giản thì càng dễ thực hiện, càng chi tiết thì càng khó thực hiện và nhân ra diện rộng. Thứ nhất là thuật ngữ thì phải thống nhất từ các kênh truyền thông, các cơ sở giáo dục. Thứ hai là sự vào cuộc của Bộ Giáo dục đào tạo và Bộ Tài nguyên môi trường, đầu tiên là từ nhận thức đến hành động, bắt đầu từ nhận thức từ hơn 2 triệu học sinh trên toàn quốc , từ đó lan tỏa đến các phụ huynh, gia đình và xã hội”.
Phân loại, thu gom và xử lý rác được thực hiện ra sao từ 1/1/2025?
Chia sẻ về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể như:
Thứ nhất, Bộ TNMT xây dựng và ban hành văn bản quy định hướng dẫn: Quy trình, định mức thu gom vận chuyển xử lý theo hướng mở hơn; Hướng dẫn xử lý rác thực phẩm; Hướng dẫn kỹ thuật triển khai thu phí theo lượng rác qua túi (PAYT); Tài liêu cho các module đào tạo nâng cao nhận thức; Hướng dẫn xây dựng các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả, Hướng dẫn các biện pháp kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm, Hướng dẫn huy động sự tham gia của cộng đồng.
Thứ hai, trên cơ sở các hướng dẫn của Bộ, các địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, xây dựng kế hoạch PLRTN tạm thời phân công vai trò trách nhiệm của Sở TNMT, quận huyện, phường; Xây dựng và ban hành các định mức và yêu cầu kỹ thuật của hợp đồng thu gom vận chuyển xử lý, vệ sinh môi trường; Xây dựng và ban hành hướng dẫn PLRTN cụ thể cho từng quận huyện; Hướng dẫn các quận/huyện; phường/xã triển khai thu phí theo lượng rác qua túi (PAYT); Xây dựng các module/tài liệu tuyên truyền, đào tạo tập huấn cho các đối tượng khác nhau phù hợp với địa phương; Bố trí kinh phí triển khai một số chương trình thí điểm đối với các khu dân cư khác nhau để rút kinh nghiệm triển khai rộng rãi; Xây dựng các chỉ tiêu đánh giá; Ban hành các các biện pháp kiểm tra xử lý; Ban hành các chính sách tăng cường sự tham gia của cộng đồng
Cùng với đó, các đơn vị tham gia thực hiện dịch vụ công ích thu gom vận chuyển xử lý cần: Thống nhất với địa phương (quận, phường) phương thức thu gom rác đã phân loại, địa điểm, tần suất, thời gian đối với các loại rác thực phẩm, rác có khả năng tái chế, tái sử dụng, nguy hại, cồng kềnh, rác thông thường khác; Chuẩn bị các trang thiết bị thu gom vận chuyển, hạ tầng kỹ thuật xử lý rác đã phân loại theo yêu cầu của Hợp đồng mới; Thống nhất với địa phương phương án xử lý rác thực phẩm; Đào tạo công nhân.
Tiếp đó, các địa phương bố trí kinh phí, cán bộ để: Phổ biến thông tin, tuyên truyền, đào tạo tập huấn cho các nhóm đối tượng: cán bộ quản lý cấp tỉnh; quận/huyện, phường/xã, tổ dân phố/thôn xóm; các hộ gia đình, các chủ nguồn thải; Tiến hành thí điểm tại một số quận/huyện, phường/xã, tổ dân phố/thôn xóm; Sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm, hoàn thiện bổ sung kế hoạch, ban hành kế hoạch thực hiện cho năm 2025.
Còn theo ông Nguyễn Duy Bình - Giám đốc Công ty CP vệ sinh môi trường Lam Sơn để đạt hiệu quả trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cần phải đạt được các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư, kinh phí và quan niệm luôn coi rác thải là nguồn tài nguyên, của cải,…
Theo ông Bình, ngoài việc thống nhất màu bao bì đựng phế thải trên phạm vi toàn quốc thì từ ba nhóm chất thải chính đã được quy định trong Luật BVMT có thể tạo ra các dòng rác khác để xử lý và tái tạo.
Khu kỹ thuật hạ tầng xử lý nên quy hoạch thành khu liên hợp, xử lý tái tạo các dòng rác thải sau khi được phân loại đầu nguồn, trong khu xử lý đặt nhiều công nghệ, mỗi công nghệ xử lý một dòng rác. Tập chung như thế sẽ kiểm soát được hạ tầng kỹ thuật chung theo quy định của pháp luật về BVMT như tiếng ồn, khí thải, nước thải,…, ông Bình cho biết thêm.
Phát biểu tại Diễn đàn, trên cơ sở các tham luận của các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội nhận định: Tôi thấy tất cả các tham luận trong diễn đàn đều đưa ra được bối cảnh, sự chuẩn bị cùng những khó khăn, vướng mắc trong việc PLRSH. Tôi đánh giá cao và tin tưởng Diễn đàn ngày hôm nay không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia cùng các cơ quan ban, ngành địa phương trình bày thực trạng, những khó khăn, thách thức trong việc PLRTSH mà còn là kênh thông tin hữu ích cho Quốc Hội tham khảo trong thời gian tới trong việc quy định chi tiết các văn bản pháp luật và công tác giám sát trong việc thu gom, xử lý và phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Về phía Quốc Hội, chúng tôi đã sớm ban hành Luật BVMT từ năm 2020. Ngay khi Luật có hiệu lực, Quốc Hội đã ban hành nhiều nghị quyết chỉ đạo thực hiện cho các cơ quan có thẩm quyền, giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội giám sát và báo cáo về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc thực hiện PLRTSHTN.
Bên cạnh đó, UBKHCNMT đã thực hiện một nghiên cứu bài bản về việc chuẩn bị của 63 tỉnh, thành trong công tác thực hiện việc PLRTSHTN. Trong đó, Ủy ban đã chọn ra hơn 10 tỉnh thành để đi khảo sát thực tế, sau đó đưa ra những báo cáo chi tiết của từng tỉnh và tổ chức phiên giải trình kết quả.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, dự kiến trong năm 2025, Quốc Hội sẽ thực hiện hoạt động giám sát tối cao trong lĩnh vực môi trường, đây cũng là dịp để rà soát lại những nội dung của công tác PLRTSH.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng nhận định, cho đến thời điểm hiện tại, việc phân loại rác thải tại nguồn và công tác quản lý nhà nước về việc này vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, bên cạnh những nội dung các diễn giải đã trình bày, Phó Chủ nhiệm UBKHCNMT Quốc Hội đã trình bày một số nội dung với mong muốn nhận được sự tham mưu, đóng góp ý kiến của các diễn giả tham dự Diễn đàn. Các nội dung bao gồm:
Thứ nhất, chúng ta đã có những điều luật quy định cụ thể về việc PLRTTN nhưng liệu việc thực hiện có khả thi? Nếu việc PLRTTN vẫn không thực hiện được thì giải pháp là gì?
Thứ hai, liệu việc PLRTTN có giải quyết được vấn đề ô nhiễm rác thải không? Hay việc này chỉ là một điều kiện cần?
Thứ ba, việc đốt rác điện có đảm bảo về môi trường không? Việc kiểm soát hoạt động này như thế nào và làm sao để đảm bảo được công suất đốt rác?
Thứ tư, đối với vấn đề tài chính doanh nghiệp, với những doanh nghiệp có nguồn lực tài chính hạn hẹp ở Việt Nam hiện tại thì sẽ làm thế nào?
Thứ năm, nếu việc xử lý rác thải của doanh nghiệp đổ vỡ thì giải pháp giải quyết rác tồn đọng là gì?
Thứ sáu, liệu việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác có cần đến đấu thầu không hay xã hội hóa việc này thế nào, liệu có nên giao cho một cơ quan cụ thể để xử lý việc này?
Thứ bảy, trong quá trình thực thi pháp luật, liệu có vướng mắc chỗ nào không?
Chia sẻ tại diễn đàn, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, chúng ta thấy tại Việt Nam rác thải rất nhiều trong khi đó chúng ta nhập hàng triệu tấn rác sau khi phân loại về chúng ta sản xuất, thấy được là điều này chúng ta không đáp ứng được. Chúng ta thấy rất rõ ràng thực tế nhiều hộ gia đình không có chỗ chứa rác phân loại, có những nhà có vài chục loại rác, rác phân loại đem đến bãi rác hay cơ sở chế biến thì đấy không là tài nguyên có thể tái chế được, chúng ta đang có một "lỗ hổng" rất lớn, từ đầu vào cho đến đầu ra, chính vì vậy các nhà sản xuất của Việt Nam mua rác phân loại ở nước ngoài về để chế biến, một số cơ sở đứng ra tái chế nhưng hiện nay thiếu chỗ tiêu thụ sản phẩm tái chế, như vậy thiếu hẳn một cơ chế thị trường, chúng ta đang thiếu cơ sở phân loại ở những quy mô nhỏ, chúng ta đang thiếu mô hình và cơ chế để cơ sở ấy phát triển bền vững.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Quang Trung - Trưởng phòng quản lý Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn: Công tác tuyên truyền rất tích cực tuy nhiên khi triển khai thực tế chưa hiệu quả bởi Ý thức của một bộ phận người dân chưa cao; Các đơn vị thu gom thì việc thu gom chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có cơ sở hạ tầng. Thể chế chưa được chuẩn hoá; Các chính sách chưa được cụ thể hoá; Công tác tổ chức không thống nhất…
Đề cập đến những vướng mắc trong việc phân loại rác thải, ông Lưu Tấn Tài - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Cần Thơ cho biết, Cần Thơ là thành phố trên sông, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều vướng mắc và khó khăn, hạn chế. Hiện nay Sở TN-MT TP. Cần Thơ đang tham mưu cho UBND TP ban hành quy định về việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn. Dự kiến là trong tháng này sẽ được thông qua hội đồng thẩm định để ban hành. Từ năm 2017, TP đã có văn bản hướng dẫn phân loại rác thải làm 3 nhóm. Tuy nhiên mới chỉ thực hiện thí điểm tại 4/9 quận huyện của TP nên có những cái hạn chế về nhận thức của người dân. Nếu mà lồng ghép việc phân loại rác tới từng gia đình mà chia thành 4-5 loại thì người dân cũng kêu ca để trong nhà nhiều thùng đựng thế thì không có chỗ.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Võ Thị Hồng Linh - Trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam) cho biết, việc PLRTN cũng như các địa phương trên cả nước, riêng tỉnh Quảng Nam đối với việc PLRTN đã triển khai tại TP Hội An từ năm 2009 và đến hiện nay đang duy trì. Đối với việc từ địa phương làm, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một kế hoạch PLRTN trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2022, riêng TP Hội An từ năm 2009. Tuy nhiên, qua kết quả tại Hội An, còn có những khó khăn thứ nhất về kinh phí duy trì cho hoạt động PLRTN rất lớn, ở TP Hội An có thuận lợi vì được tài trợ rất lớn từ các tổ chức quốc tế nên mới duy trì được đến thời điểm hiện nay. Thứ hai, về cơ sở hạ tầng, cũng như tất cả các địa phương, tỉnh cũng tập trung quyết liệt cho TP Hội An đầu tư về cơ sở hạ tầng, còn bất cập về xử lý rác thải sinh hoạt làm phân Compost không có đầu ra, không sử dụng, không hiệu quả, nhà máy phân compost quá tải thành ra gây ô nhiễm môi trường tại khu vực. Khi yêu cầu các hộ gia đình có thùng rác riêng, đối với nhà có diện tích lớn thì dễ, nhưng có nhà có diện tích rất nhỏ thì khó. Thứ ba, về công tác tuyên truyền, việc phân loại rác tại nguồn rất tốt, ra đảo Cù Lao Chàm không có rác nữa, đưa vào sản phẩm thay thế như là giấy, dùng lá để gói. Tuy nhiên, sản phẩm thay thế rất cao, nên việc này rất khó khăn.
Đối với câu hỏi, theo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 bắt buộc phân loại rác tại nguồn thực hiện đồng bộ trên cả nước từ ngày 1/1/2025 hay không?
Nói về vấn đề này, theo ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng, Cục Kiểm soát ô nhiễm và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Trách nhiệm thuộc về 63 tỉnh/thành phố. Việc triển khai thực hiện còn phụ thuộc vào nguồn lực, đặc điểm, cơ sở hạ tầng của từng địa phương, nên địa phương sẽ quyết định thực hiện PLR hay không. Vì vậy, nếu địa phương chưa quy định PLR thì chưa thực hiện, chưa có lộ trình, hoặc phân loại đơn giản ngay trong hộ gia đình mà chưa cần thực hiện đồng loạt.
Phát biểu kết luận diễn đàn, TS. Nguyễn Linh Ngọc tin rằng, cả hệ thống chính trị vào cuộc, người đứng đầu các cấp cấp tỉnh, huyện, xã quyết tâm thực hiện, người dân quyết tâm, việc thực hiện PLR sẽ thực hiện được và thành công. Cơ chế, chính sách cần tiếp tục đồng bộ, tiếp theo các tỉnh theo các Nghị định hướng dẫn cần áp dụng phù hợp với điều kiện, cơ sở hạ tầng của tỉnh, của địa phương.
Chính quyền các cấp cần triển khai thực hiện đồng bộ từ phân loại tại nguồn đến phân loại khi thu gom, vận chuyển, xử lý, và nhiệm vụ hàng đầu là phải tăng cường tuyên truyền mục đích, lợi ích của việc phân loại chất thải sinh hoạt; hướng dẫn cho cộng đồng nhận biết, phân loại đúng. Lâu dần, mỗi người dân sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại rác cũng như tác động của nó đối với môi trường sống, góp phần hình thành ở mỗi cá nhân nhận thức bảo vệ môi trường sống, hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Đó cũng chính là lợi ích xã hội lớn nhất mà hoạt động phân loại rác tại nguồn mang lại.