Tạo mảng xanh cho TP Hồ Chí Minh
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:00, 19/05/2024
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết, những năm qua các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, cơ quan đoàn thể và nhân dân trong cả nước, trong đó có TP.HCM đã hưởng ứng và tham gia tích cực phong trào trồng cây xanh, trồng rừng, bảo vệ rừng, thực tế đã mang lại lợi ích to lớn và trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.
"Thực hiện lời dạy của Người, TP.HCM luôn xác định việc trồng rừng, trồng cây xanh là việc làm quan trọng, thường xuyên, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của thành phố, không chỉ cho hôm nay mà cho cả các thế hệ mai sau", bà Trần Kim Yến nói.
Để góp phần hiện thực hóa các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh, giai đoạn 2021 - 2025.
Tính đến nay, thành phố đã huy động và trồng được gần 5,8 triệu cây xanh phân tán các loại trên khắp địa bàn thành phố.
Để tiếp tục thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 -2025, diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65m2/người, hướng tới năm 2030 đạt không dưới 1m2/người, bà Trần Kim Yến đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, lợi ích lâu dài của phát triển bền vững.
Qua đó, thúc đẩy, lan tỏa phong trào trồng cây xanh, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người dân thành phố để tiếp tục có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực trong việc trồng cây, trồng rừng, phục hồi và bảo vệ thiên nhiên theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Mỗi người trồng và chăm sóc ít nhất một cây xanh, mỗi nhà góp một mảng xanh, mỗi khu dân cư góp một vùng xanh để đất nước ta ngày càng xanh, phát triển nhanh và bền vững, cùng chung tay chăm lo cho cuộc sống của nhân dân tốt đẹp hơn, đóng góp thiết thực vào việc bảo vệ Trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại”.
Ngay sau lễ phát động, tại quận 4 đã tổ chức trồng 100 cây, gồm lim xẹt, lộc vừng, bằng lăng, giáng hương, muồng hoa đào, lát hoa; trao tặng 200 cây kiểng; cấp phường đăng ký trồng 1.288 cây.
Ngoài ra, Thành ủy – HĐND – UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đồng thời tổ chức lễ phát động tại 2 địa điểm thành phố Thủ Đức và huyện Cần Giờ.
Cụ thể, tại Khu điều hành Depot Long Bình, tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên, phường Long Bình (thành phố Thủ Đức) trồng 350 cây gồm kèn hồng, dầu, sao, giáng hương.
Tại quảng trường Rừng Sác, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, trồng 1.000 cây dương, 100 cây chuông vàng và trao tặng 100 cây kiểng.
Cùng ngày, tại ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, UBND huyện Củ Chi phối hợp Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức “Lễ trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Theo đó, trồng 164 cây xanh gồm 53 cây dầu, 30 cây sao đen, 58 cây giáng hương và 23 cây giá tỵ. Đây là các loại cây xanh có dáng đẹp, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và cảnh quan tại khu vực.
Theo ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trồng cây xanh là một trong những giải pháp thích ứng, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đơn giản, chi phí thấp, hiệu quả và bền vững được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện.
Trong các đô thị lớn như TP.HCM thì mật độ cây xanh chính là một tiêu chí đánh giá như “chỉ số đáng sống”. Tuy nhiên, hiện nay chỉ tiêu cây xanh của thành phố vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và của một đô thị phát triển hiện đại.
Do đó, việc trồng và phát triển cây xanh là một việc làm hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn nhằm đem lại một môi trường sống trong lành, đáng sống, góp phần nâng cao sức khỏe con người.
"Để có được nhiều cây xanh trong đô thị như các nước phát triển trên thế giới cần có thời gian lâu dài và sự tham gia của cộng đồng. Đó là yếu tố then chốt và là phương thức hiệu quả để quản lý và phát triển cây xanh đô thị tại TP.HCM", ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói.