Độc lạ với vẻ đẹp lung linh của “Thủy cung trên cạn” giữa lòng Hà Nội

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 15:29, 22/05/2024

Thời gian gần đây, người dân Thủ đô lại có thêm một điểm check-in và tham quan mới đầy sáng tạo và truyền cảm hứng. Đó là cây cầu đi bộ Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
VIDEO: Độc lạ với vẻ đẹp lung linh của “Thủy cung trên cạn”

Cầu vượt cho người đi bộ qua đê Hữu Hồng - đường Trần Nhật Duật là điểm kết nối giao thông giữa khu phố cổ, trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm và khu vực Phúc Tân, nằm tại cửa khẩu Thanh Yên, thuộc quận Hoàn Kiếm. Cầu được thiết kế bằng thép và bê tông cốt thép với chiều dài 44,6m, chiều rộng 3m, gồm 4 mố trụ chính và 1 trụ cầu thang.

W_cau-di-bo-1.jpg
Cầu vượt cho người đi bộ qua đê hữu Hồng - đường Trần Nhật Duật là điểm kết nối giao thông giữa khu phố cổ, trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm và khu vực Phúc Tân

Suốt 10 năm qua, cầu vượt qua đường Trần Nhật Duật đã trở thành một lối đi bộ quen thuộc của nhiều người dân, nhất là người cao tuổi, người bán hàng rong và học sinh, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông quanh khu vực. Tuy nhiên, với thời gian dài sử dụng, cây cầu có dấu hiệu xuống cấp, đặc biệt là thiếu ánh sáng vào buổi tối.

W_cau-di-bo-2.jpg
Suốt 10 năm qua, cầu vượt qua đường Trần Nhật Duật đã trở thành một lối đi bộ quen thuộc của nhiều người dân

Trước hiện trạng trên, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với nhóm họa sĩ đã nảy ra ý tưởng biến cầu đi bộ này trở thành một không gian nghệ thuật công cộng từ những vật liệu tái chế với mục đích vừa để thắp sáng cầu vào buổi tối, vừa tạo ra một không gian sáng tạo, sinh động hơn cho những người đi qua cầu.

W_cau-di-bo-3.jpg
Vẻ đẹp lung linh của “thủy cung trên cạn”

Là một trong những tác giả tham gia vào dự án, họa sĩ Lê Đăng Ninh chia sẻ: “Đây là công đoạn cuối cùng của tác phẩm, màu của phù sa sông Hồng, dùng hình tượng sóng như chiều dài lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ đương đại… rất mới.”

Và đặc biệt, sản phẩm trang trí của dự án này đều sử dụng từ vật liệu tái chế.

Các du khách từ những nơi trên thế giới cũng đã chia sẻ: “Đồ tái chế trở thành tác phẩm nghệ thuật và điều này thật tuyệt vời! Khi về nước tôi sẽ kể cho bạn bè nghe về điều này.”

Với chủ đề nước, hình tượng các loài: cá, mực, sứa... trang trí trên mái cầu được làm từ chai nhựa tái chế do học sinh các trường tiểu học trên địa bàn quận thu gom. Tận dụng ánh sáng từ đèn cao áp chiếu hắt xuống tấm che của cây cầu, những tác phẩm hiện lên như một "thủy cung" trên cạn. Cây cầu cũ thiếu sáng khoác lên mình bộ áo mới rực rỡ, đầy sắc màu, thu hút khách du lịch. Và khi thành phố lên đèn là diện mạo mới lung linh đến ngỡ ngàng.

W_cau-di-bo-4.jpg
Cầu đi bộ Trần Nhật Duật vào buổi tối
W_cau-di-bo-5.jpg
Cây cầu cũ thiếu sáng khoác lên mình bộ áo mới rực rỡ, đầy sắc màu, thu hút khách du lịch
W_cau-di-bo-6.jpg
Hình ảnh những loài động vật như cá kiếm, cá voi, cá ngựa được treo trên trần cầu đi bộ

Thường xuyên đi bộ qua cây cầu này, em Nguyễn Thu Hà – Hà Nội chia sẻ: “Vào buổi tối bật đèn lên con thấy rất đẹp, ở đây giống thủy cung có những con cá đang bơi.”

Là Giám tuyển dự án cải tạo cầu đi bộ Trần Nhật Duật, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn – Giảng viên Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Một thủy cung trên cạn, nó tương tác luôn với mái nhựa vòm, hình hài của sinh vật biển trở nên sinh động. Các họa tiết sóng của đời nhà Lý và nhà Trần. Những tác phẩm vẽ 3D tương tác luôn với những bước chân, rất thú vị.”

W_cau-di-bo-7.jpg
Tác phẩm Sóng được sắp đặt dọc hai bên cầu
W_cau-di-bo-8.jpg
Các bậc cầu thang cũng có diện mạo mới
W_cau-di-bo-9.jpg
Dự án nghệ thuật công cộng tại cầu đi bộ Trần Nhật Duật được kỳ vọng sẽ góp phần vừa cải tạo diện mạo đô thị vừa giúp kích thích thói quen đi bộ của nhiều người

Dự án nghệ thuật công cộng tại cầu đi bộ Trần Nhật Duật được kỳ vọng sẽ góp phần vừa cải tạo diện mạo đô thị vừa giúp kích thích thói quen đi bộ của nhiều người vừa thúc đẩy tinh thần khám phá di sản văn hóa nghệ thuật trong thời gian tới.

Ngọc Ánh