Đông Anh (Hà Nội): Cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra về môi trường, đất đai tại các dự án trang trại
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 07:51, 23/05/2024
Ngày 28/3/2023 UBND Tp. Hà Nội ban hành Công văn số 847/UBND-TNMT về việc tập trung tổ chức thực hiện Chuyên đề 3 của UBND thành phố đối với nội dung “Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng, đất sử dụng trái mục đích trên địa bàn thành phố".
Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt những giải pháp đồng bộ để xử lý dứt điểm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích, đất công theo quy định của pháp luật và các chỉ đạo của UBND thành phố đối với các vi phạm đã được Sở Tài nguyên và Môi trường kết luận tại các kết luận thanh tra, kiểm tra.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay khi xuất hiện các hành vi vi phạm, lập hồ sơ các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền, báo cáo UBND cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cán bộ, công chức tại địa bàn các phường, xã, thị trấn để phát sinh các vi phạm mới mà không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Thời gian qua, công tác quản lý đất nông nghiệp, đất công ích của các quận, huyện còn chưa được chặt chẽ, sát sao. Một số dự án trang trại, sản xuất nông nghiệp xin một đằng nhưng lại làm một nẻo gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát.
Nhằm tìm hiểu về thực trang trên, để nâng cao hiệu quả của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong công tác quản lý về môi trường, đất đai đối với các dự án được cho thuê làm trang trại, sản xuất nông nghiệp, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã tìm hiểu, thu thập thông tin để thực hiện chuyên đề “Thực tiễn và ảnh hưởng của các dự án trang trại đến môi trường.” Với mục đích đưa ra những đánh giá về tình hình thực tế đang diễn ra, đề xuất những giải pháp quản lý trong công tác bảo vệ môi trường đảm bảo đúng quy định, góp phần phòng ngừa những ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân.
Trong quá trình triển khai chuyên đề, phóng viên (PV) Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn đã nhận được thông tin về việc thời gian gần đây hộ ông Đọc (tên thường gọi là Lộ), bà Thủy tại thôn Gia Lương, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho một số tổ chức cá nhân thuê kho, nhà xưởng để sản xuất không đúng quy định, gây tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến môi trường.
Để tìm hiểu về công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý của UBND xã Việt Hùng đối với 2 hộ trên vê môi trường, đất đai, PCCC, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Việt Hùng. Trao đổi với PV, bà Nguyễn Việt Oanh – Phó chủ tịch UBND xã Việt Hùng cho biết: "Khu đất này là đất công do UBND xã quản lý, trong quá trình sử dụng diện tích đấy là hang hố, thùng đào, thùng đấu rất khó khăn, rác thải bừa bãi. Thực hiện chủ trương đưa quỹ đất chưa sử dụng để khai thác tiềm năng đất đai, xã cũng có báo cáo đề xuất huyện tổ chức cho 1 số hộ gia đình trong địa phương có nhu cầu sản xuất nông nghiệp sử dụng khai thác diện tích đất đó, trong đó có trường hợp của ông Lộ, bà Thủy".
"Chỗ ông Lộ khai thác sử dụng từ những năm 2000, kho xưởng mới hoạt động mấy tháng, từ trước đến giờ vẫn hoạt động chăn nuôi, sau đó thời điểm covid lợn, gà chăn nuôi ảnh hưởng, gia đình bỏ không 1 thời gian. Cách đây mấy tháng tổ kiểm tra của UBND xã thấy kho xưởng dựng lên, chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra, tuy nhiên mới lập biên bản hiện trạng về việc dựng khung, xây dựng. Còn các loại hình sản xuất tại đó, hiện nay UBND xã đang tiến hành thành lập đoàn sau đó kiểm tra việc chấp hanh pháp luật của hộ gia đình trong quá trình khai thác sử dụng đất. Khi hoạt động xây dựng bắt đầu diễn ra UBND xã đã xuống lập biên bản và ra các quyết định đình chỉ thi công và các biên bản yêu cầu tháo dỡ các công trình đó", bà Oanh cho hay.
"Đối với hộ bà Đặng Thị Thủy kí hợp đồng năm 2016 kí hợp đồng để sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả, kết hợp chuồng trại chăn nuôi. Trong quá trình sử dụng bà Thủy Bắc có dựng 2 nhà kho, chúng tôi đã lập biên bản yêu cầu tự tháo dỡ công trình, có 1 nhà kho đã dừng hoạt động. Đến nay còn tiếp tục hoạt động hay không chúng tôi sẽ kiểm tra lại. Nội dung này chúng tôi đã phối hợp với đoàn kiểm tra của huyện kiểm tra mấy lần rồi", bà Oanh thông tin.
Liên quan đến việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường của 2 hộ trên, bà Oanh cho biết: "Kế hoạch BVMT, đề án BVMT chưa có chỉ có cam kết môi trường đơn giản do gia đình tự cam kết chứ chưa được UBND huyện xác nhận".
Được biết, ngoài việc lập biên bản và ban hành các quyết định đình chỉ thi công, yêu cầu tự tháo dỡ đối với hộ ông Đọc và bà Thủy, UBND xã Việt Hùng cũng chưa ban hành quyết định xử phạt đối với 2 hộ trên về môi trường, đất đai.
Ghi nhận tại khu đất của ông Đặng Bá Đọc, dù đã bị UBND xã Việt Hùng yêu cầu tự tháo dỡ nhà xưởng, tuy nhiên PV không thấy bất kì động thái tháo dỡ nào, thậm chí các nhà xưởng này đã hoàn thiện và đi vào hoạt động. Phần lớn diện tích đất đã được dựng kho xưởng cho thuê, chỉ còn lại một diện tích nhỏ để chăn nuôi. Có lẽ các đơn vị này nắm bắt được sự có mặt của PV nên đã đóng cửa gần hết. Đặc biệt, có 1 đơn vị hoạt động với rất nhiều thùng nhựa màu xanh như chứa hóa chất được tập kết ngoài môi trường.
Làm việc với PV, ông Đặng Bá Đọc cho biết: "Gia đình tôi được cơ quan chức năng cho thuê thầu để chăn nuôi. Tuy nhiên, quá trình chăn nuôi bị thua lỗ nên mới cho người ta mượn làm kho chứa. Hiện gia đình đang cho 3 đơn vị mượn gồm công ty Phúc Thịnh làm kho chứa nước giặt, công ty Bảo Minh làm gò hàn cơ khí và 1 đơn vị làm chậu hoa cây cảnh. UBND xã đã kiểm tra và yêu cầu gia đình tự tháo dỡ. Tuy nhiên vì hoàn cảnh khó khăn nên gia đình chưa thực hiện được".
Tại khu đất trang trại của bà Đặng Thị Thủy không còn hoạt động chăn nuôi, nông nghiệp nữa mà đã chuyển sang hoạt động công nghiệp. Tại đây bà Thủy cho công ty TNHH gỗ Malisa thuê để sản xuất, đóng pallet gỗ. Bụi bặm trong quá trình cắt xẻ, mài gỗ được thu gom bằng các túi lọc nhưng nhà xưởng không khép kín, bụi không được thu gom triệt để gây phát tán ra ngoài môi trường. Ngoài ra, điều kiện về trang thiết bị phòng cháy chữa cháy của cơ sở này rất sơ sài, không đảm bảo, gây tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn.
Liên quan đến các văn bản xử lý của UBND xã Việt Hùng đối với hộ ông Đọc bà Thủy, dù PV đã liên hệ với bà Oanh để cung cấp hố sơ. Tuy nhiên, đến nay PV vẫn chưa được hồi âm của UBND xã Việt Hùng.
Để công tác quản lý nhà nước về môi trường, đất đai đối với các dự án được cho thuê làm trang trại, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh được sát sao, chặt chẽ. Kính đề nghị Huyện ủy, UBND Đông Anh chỉ đạo các phòng ban chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm những tồn tại của hộ ông Đặng Bá Đọc và Đặng Thị Thủy.