Quảng Trị: Tổ chức hàng loạt hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 10:34, 23/05/2024
Theo đó, thực hiện Công văn số 2964/BTNMT-TTTT ngày 09/5/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6), Tháng hành động vì môi trường năm 2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Công văn số 2331/UBND-KT ngày 20/5 gửi các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị lực lượng vũ trang; các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh; các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về việc chỉ đạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6), tháng hành động vì môi trường năm 2024.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ban ngành, các tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị lực lượng vũ trang; các cơ quan truyền thông; các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh xây dựng cơ chế chính sách, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu phòng chống sa mạc hóa; điều tra đánh giá thực trạng hoang mạc hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về sa mạc hóa, xây dựng bản đồ hạn hán cho các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp; tổ chức các hoạt động chuyển giao công nghệ và những kết quả về hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực, trong đó có sáng kiến về giảm phát thải thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, sáng kiến về chi trả dịch vụ môi trường rừng...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ hoặc bị sa mạc hóa, bên cạnh đó nghiên cứu và áp dụng những giải pháp tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ bề mặt của đất.
Đặc biệt, các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn chặt với các chương trình dự án, sáng kiến có liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sinh kế bền vững.
UBND tỉnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất thải tương ứng trước khi thải ra môi trường, đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường đất; đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững nhằm hạn chế tối đa quá trình sa mạc hóa, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Căn cứ vào tình hình thực tế, chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và sinh thái của từng vùng. Tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm đảm bảo các khu vực này phải được khoanh vùng; xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên địa bàn.
Đồng thời phải tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương và tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia tiếp cận với các thông tin và kỹ thuật phòng tránh khô hạn và hoang mạc. Tăng cường bổ sung nguồn kinh phí, nguồn nhân lực, các phương tiện dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn của Trung ương và địa phương trong việc chống sa mạc hóa và hạn hán.
Ngoài ra, cần tăng cường triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa đặc biệt là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng hạn hán, sa mạc hóa. Đồng thời, phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên của đất nước.
Cao điểm từ cuối tháng 5 đến kết thúc tháng 6 năm 2024, căn cứ vào tình hình thực tế, cần đồng loạt tổ chức các hoạt động cộng đồng như: Mít tinh, phong trào ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải. Phát động Chiến dịch chung tay bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng các hành động thiết thực, hiệu quả.
Ngày Môi trường thế giới 05/6/2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa" nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.