Bình Định ngăn chặn hoạt động mua bán, sơ chế cá mực gây ô nhiễm

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 17:30, 23/05/2024

Bất chấp sự ngăn chặn quyết liệt của chính quyền địa phương, hoạt động mua bán, sơ chế cá mực gây ô nhiễm môi trường ở Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định vẫn lén lút diễn ra…

Theo ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát (Bình Định), thời gian qua, dù chính quyền địa phương đã quyết liệt ngăn chặn, nhưng hoạt động sơ chế cá mực tại tại thôn An Quang Đông và thôn An Quang Tây thuộc xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) vẫn lén lút diễn ra. Nghề sơ chế cá mực ở xã Cát Khánh hình thành đã được hơn 5 năm. Hiện nay, ở thôn An Quang Đông và thôn An Quang Tây có 49 cơ sở sơ chế cá mực thu hút hơn 250 lao động. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 7 đầu nậu chuyên mua bán, cung cấp cá mực cho các cơ sở sơ chế.

Đáng quan ngại là nước thải của hoạt động sơ chế cá mực gây ô nhiễm nghiêm trọng. Cá mực tươi được các cơ sở chế biến xẻ ra, rửa ruột sạch sẽ trước khi cho lên giàn đưa ra phơi nắng. Nước rửa ruột cá mực có màu đen ngòm vì mật bị dập. Lẫn lộn trong nước rửa mực là thức ăn của lũ mực như tôm, cá khiến nước thải bốc lên mùi tanh gây ô nhiễm không khí.

so-che-ca-muc-gay-o-nhiem.jpg
Mực xà phơi trên giàn cũng bốc mùi nồng nặc. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Tạ Công Thượng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Cát, kết quả quan trắc của cơ quan chuyên môn cho thấy có 5-6 chỉ tiêu trong nước thải từ hoạt động sơ chế cá mực vượt quy chuẩn cho phép từ 3-10 lần. Từ kết quả này, UBND huyện Phù Cát đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 30 chủ cơ sở sơ chế cá mực ở xã Cát Khánh với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng.

Đồng thời, để khắc phục tình trạng ô nhiễm do hoạt động sơ chế cá mực diễn ra tại xã Cát Khánh, UBND huyện Phù Cát đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng từ huyện đến xã, cùng các hội đoàn thể chia nhau đến từng hộ gia đình hành nghề để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân ký cam kết chấm dứt việc sơ chế cá mực gây ô nhiễm môi trường.

Ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, công nhận là hoạt động chế biến cá mực đã mang lại cho người lao động và các cơ sở chế biến nguồn thu nhập khá. Tuy nhiên, các chủ cơ sở không thực hiện biện pháp xử lý chất thải, nước thải nên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

“Khối lượng lớn cá mực sau khi sơ chế được phơi ngoài tự nhiên bốc mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe, sinh hoạt của người dân. Dù chính quyền địa phương các cấp huyện Phù Cát đã áp dụng nhiều biện pháp kiên quyết ngăn chặn hoạt động sơ chế cá mực gây ô nhiễm, nhưng trong thời gian qua nhiều người vẫn lén lút dùng xe ba gác máy vận chuyển cá mực cung cấp cho các cơ sở chế biến để tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn khiến người dân bức xúc”, ông Phạm Dũng Luận cho hay.

Theo anh Thái Văn Đá (34 tuổi), 1 người dân địa phương, trong mùa cao điểm sơ chế cá mực (từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm), không khí trong khu dân cư có cơ sở chế biến cá mực đậm đặc mùi hôi thối, người dân phải đóng kín cửa để thở, nhưng vẫn chịu không nổi, nhiều người phải rời nhà đi đến nhà người quen ở ngoài địa phương để ở nhờ.

Theo TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định), nguồn nước bị ô nhiễm từ chế biến cá mực khi chảy ra kênh rạch, các vùng cửa sông sẽ làm đảo lộn môi trường xung quanh; trở thành nguồn lây bệnh cho quần thể sinh vật. Nước thải không được xử lý sẽ bốc mùi hôi thối và tạo nên các khí độc như H2S, CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, nước thải xả ra môi trường khi chưa được xử lý sẽ thấm vào lòng đất và mạch nước ngầm, gây những hệ quả xấu.

Để ngăn chặn tình trạng trên, theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, chính quyền xã này đã tích cực tuyên truyền, vận động, yêu cầu các chủ cơ sở chấm dứt hoạt động sơ chế cá mực để bảo vệ môi trường. UBND xã Cát Khánh đã phối hợp với các đơn vị liên quan của huyện Phù Cát tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho các hộ sơ chế cá mực. Tuy nhiên, do lợi nhuận nên các hộ bất chấp pháp luật tiếp tục hoạt động.

Tháng 3/2024 vừa qua, UBND huyện Phù Cát phối hợp với UBND xã Cát Khánh thành lập Tổ công tác liên thường xuyên tuần tra tại khu vực Cảng cá Đề Gi nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) để kiểm tra hoạt động vận chuyển, mua bán và truy xuất nguồn gốc cá mực. Tổ công tác liên ngành còn phối hợp với Ban Quản lý cảng cá Đề Gi ngăn chặn không cho xe ba gác máy, ô tô đông lạnh chở cá mực ra, vào cảng.

Ngoài ra, Tổ công tác liên ngành còn xử lý nghiêm các ô tô đông lạnh dừng, đậu không đúng nơi quy định, bốc dỡ cá mực làm rơi vãi nước xuống đường. Kiên quyết ngăn chặn, tịch thu các phương tiện xe lôi, xe ba gác máy vận chuyển cá mực từ khu vực Cảng cá Đề Gi vào khu dân cư thôn An Quang Đông và An Quang Tây.

“UBND xã Cát Khánh đã ban hành thông báo, cấm các chủ cơ sở phơi cá mực tại khu vực đê kè chắn sóng từ cầu Ngòi đến Cảng cá Đề Gi. Đồng thời tiến hành thu gom, tiêu hủy giàn phơi cá mực trên địa bàn thôn An Quang Đông và An Quang Tây. Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ dựng barie kiên cố tại điểm ngã ba cầu Ngòi để ngăn chặn ô tô vận chuyển cá mực ra, vào khu vực đê kè chắn sóng dọc thôn An Quang Đông”, Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh nói kiên quyết.

Theo ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát - Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, việc làm kể trên nhằm chặn nguồn nguyên liệu cá mực từ các nơi vận chuyển, tập kết về Cảng cá Đề Gi cung cấp cho đầu nậu sau đó được đưa đến xã Cát Khánh để sơ chế. Mục đích là xử lý dứt điểm hoạt động sơ chế cá mực gây ô nhiễm môi trường.

Ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho hay: Trên địa bàn huyện Phù Cát, kể cả trên địa bàn xã Cát Khánh không có quy hoạch khu chế biến thủy, hải sản. Ngoài ra, chế biến cá mực là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; hiện tất cả các cơ sở trên địa bàn xã Cát Khánh không đủ điều kiện theo quy định, nhất là công tác bảo vệ môi trường.

Tuấn Kiệt