Từ chối thu gom rác thải nếu không phân loại
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 21:41, 23/05/2024
Theo đó, công nhân môi trường có quyền kiểm tra túi đựng rác thải sinh hoạt của người dân và từ chối thu gom nếu chưa phân loại, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Quy định trên được nêu trong dự thảo Thông tư Quy trình kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Ngoài rác thải rắn chưa phân loại, công nhân môi trường cũng có quyền từ chối thu gom rác không đúng với loại được phân công thu gom.
Tại một con ngõ nhỏ ở Hà Nội, do ngõ sâu, chật hẹp, thời gian thu gom ngắn, khối lượng rác nhiều. Do vậy, việc công nhân vệ sinh môi trường vừa thu gom, vừa kiểm soát có đúng rác đã được phân loại hay không là điều khó khăn.
Là công nhân vệ sinh môi trường Công ty Urenco, Chi nhánh Ba Đình - Chị Nguyễn Thị Hà cho biết: “Kiểm tra thì chắc không kiểm tra được đâu. Vì chúng tôi đỗ điểm như thế này, các bác mang ra thì chỉ tập trung vào rác thôi chứ không biết được nhà nào với nhà nào để nhắc nhở được.”
Theo các công nhân vệ sinh môi trường, khi từ chối thu gom rác, một số người dân sẽ có thái độ không hài lòng, thậm chí có xu hướng xả rác bừa bãi, đem rác ra những khu vực khác để vứt.
Nói về những khó khăn khi có quyền từ chối thu gom rác khi người dân không phân loại, chị Nguyễn Thị Nụ - Công nhân vệ sinh Công ty Urenco chi nhánh Ba Đình cho biết: “Chúng tôi có quyền từ chối khi người dân không phân loại rác thì gặp rất nhiều khó khăn. Vì sao? Khi mình từ chối không thu gom thì họ sẽ thể hiện thái độ, họ sẽ không đổ lên xe của mình thì ngày hôm sau họ có thể mang xả thải bừa bãi không đúng nơi quy định.”
Bà Nguyễn Thị Hòa – Người dân sinh sống tại quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: “Người ta sẽ vứt ra ngoài đường thôi, mà ngoài đường công nhân không để xe”.
Trong việc phân loại rác, ý thức của người dân vẫn mang tính quyết định. Dự kiến để thu gom rác phân loại, thì mỗi ngày công ty vệ sinh môi trường sẽ tổ chức đi thu 1 loại rác khác nhau. Nhưng với điều kiện của nhiều nhà dân như tại Hà Nội: chật chội, việc tích trữ rác trong nhà để vứt theo đúng ngày cũng là một thách thức.
“Chưa được hướng dẫn gì ... Ngày nào vứt ngày đấy, không bao giờ để tí rác nào trong nhà. ...Theo ngày tất nhiên là bất tiện rồi, nhà chật chội thì để rác trong nhà rất bất tiện.” - Bà Mai Thị Hằng - Người dân sinh sống tại quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ.
Nói về khó khăn của người dân khi thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, chị Nguyễn Thị Nụ cho biết: “Đầu tiên phải nói đến khó khăn cho người dân là gì? Nhà chật không có chỗ để phân loại rác. Hôm nay người ta không thể tích được cơm thừa canh cặn không thể để được 1-2 ngày trong nhà, thì đương nhiên ngày hôm sau họ có thể mang ra xả thải vứt bừa bãi, sẽ không đúng nơi quy định. Rác tái chế cũng vậy, có thể nhà người ta chật người ta không thể tích được 2-3 ngày thì cũng có thể người ta mang ra người ta vứt bừa bãi.”
Có nhiều nơi cũng lắp camera giám sát và biển thông báo xử phạt với hành vi vứt rác bừa bãi. Nhưng số lượng như vậy không nhiều. Nếu việc phân loại rác thiếu đi sự tuyên truyền, sự đồng hành giám sát và xử phạt của chính quyền các cấp, các hội đoàn thể, mà chỉ một mình lực lượng công nhân vệ sinh môi trường từ chối thu gom thì vẫn không mang lại hiệu quả cao.
Trao đổi với phóng viên của Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn, ông Đặng Hữu Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đồng tình cao với quyền này, nhưng để quyền này đi được vào thực tế thì chúng tôi đang rất trông chờ vào một hướng dẫn cụ thể về quá trình khi nào rác đã được phân loại, khi nào rác phân loại và khi nào không phân loại đúng thì chúng tôi sẽ được cái quyền từ chối đó.”
Theo lộ trình, chỉ còn nửa năm nữa quy định bắt buộc phân loại rác sẽ có hiệu lực. Nhưng thực tế, nhiều nơi tại Hà Nội vẫn chưa triển khai các kế hoạch cụ thể về phân loại rác. Một số nơi mới dừng ở mức thí điểm quy mô nhỏ.
Năm 2023, cả nước phát sinh 24,5 triệu tấn rác thải và 1.456 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 7 cơ sở phát điện, 476 cơ sở đốt không phát điện, 951 cơ sở chôn lấp.