Tập trung đầu tư xây dựng để Pù Luông trở thành Sa Pa thu nhỏ của xứ Thanh
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 13:30, 27/05/2024
Khu du lịch sinh thái Pù Luông cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 130km về phía tây, nơi đây hiện lên với vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang mềm mại uốn quanh những nếp nhà sàn xinh xắn của đồng bào người Thái, người Mường… án ngữ trên đỉnh núi cao và rừng rậm, tạo cho du khách cảm giác “tan chảy” cùng thiên nhiên.
Tập trung khai thác thế mạnh sẵn có
Để tập trung đầu tư và phát triển du lịch, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái của tỉnh, có tính chuyên nghiệp, có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Với tổng diện tích thực hiện Đề án lên đến 16.986,16ha thuộc phạm vi quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và kết nối với các xã vùng đệm 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa. Kinh phí dự kiến khoảng 182,93 tỷ đồng.
Theo Đề án, tỉnh Thanh Hóa sẽ thu hút được ít nhất 2 nhà đầu tư để hợp tác, liên kết và thuê môi trường rừng để phát triển du lịch trong rừng đặc dụng Pù Luông; xây dựng hoàn thiện khu hành chính tại thôn Pà Ban, xã Thành Sơn và tập trung phát triển các điểm tham quan, du lịch tại thác Canh Chan, hang Kho Mường, đỉnh Pù Luông, suối Già.
Kết nối các điểm du lịch tạo thành 9 tuyến du lịch nội vùng, 7 tuyến kết nối liên vùng và 5 tuyến chạy marathon băng rừng. Tạo việc làm cho trên 300 người (trực tiếp và gián tiếp) và góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người lên 52 triệu đồng/năm.
Kêu gọi nhà đầu tư thiết kế, xây dựng hệ thống tuyến cáp treo nối liền khu Trung tâm hành chính đi đỉnh Pù Luông, kết nối khu du lịch Cao Sơn (thôn Son - Bá - Mười); tập trung đầu tư 3 điểm tham quan, du lịch tại quần thể Thông Pà Cò, khu du lịch Cao Sơn và khu nghỉ dưỡng sinh thái Pù Luông. Kêu gọi, thu hút được ít nhất 3 nhà đầu tư để hợp tác, liên kết và thuê môi trường rừng để phát triển du lịch; tạo việc làm cho khoảng 500 lao động (trực tiếp và gián tiếp) trên địa bàn.
Đến năm 2025: Đón khoảng 15.800 lượt khách du lịch đến Pù Luông (khách quốc tế chiếm 30%, khách nội địa 70%), góp phần đạt mục tiêu 108.000 lượt khách đến huyện Bá Thước và 15.000 lượt khách đến huyện Quan Hóa; Doanh thu đạt khoảng 12,6 tỷ đồng.
Đến năm 2030, đón được khoảng 27.000 lượt khách (khách quốc tế chiếm 35%, khách nội địa 65%) góp phần đạt mục tiêu 370.000 lượt khách đến huyện Bá Thước và 31.700 lượt khách đến huyện Quan Hóa. Doanh thu đạt khoảng 33 tỷ đồng, đưa tỷ trọng từ nguồn thu du lịch trở thành nguồn thu chính, tái đầu tư phát triển Pù Luông.
Định hướng đến năm 2045, đón được khoảng 50.000 lượt khách du lịch đến Pù Luông (khách quốc tế chiếm 50%, khách nội địa 50%) góp phần đạt mục tiêu 500.000 lượt khách đến huyện Bá Thước và 50.000 lượt khách đến huyện Quan Hóa.
Tổng thu từ hoạt động du lịch khoảng 85 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng 257% so với năm 2030. Từ đó, đưa Pù Luông trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái của tỉnh, có tính chuyên nghiệp, có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, chất lượng cao.
Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế
Theo đó, các loại hình du lịch tập trung khai thác tại Pù Luông bao gồm: Du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe; du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa bản địa; du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch khám phá kết hợp học tập, nghiên cứu chuyên đề về hệ sinh thái rừng trên núi đá, đa dạng các loài động, thực vật rừng, môi trường khí hậu, địa hình; du lịch nông nghiệp.
Đề án cũng đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể về bảo vệ môi trường du lịch, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; các cơ chế, chính sách; giải pháp nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực du lịch; quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phát triển loại hình, sản phẩm du lịch; đầu tư và liên kết phát triển du lịch...
Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; thu hút, kêu gọi đầu tư thuê môi trường rừng, phát triển, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương gắn với xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái Pù Luông.
Hiện nay, Pù Luông đã xuất hiện một số mô hình du lịch sinh thái cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như tại xã Thành Lâm và Thành Sơn: Khu nghỉ dưỡng Puluong Retreat (doanh thu hàng năm đạt hàng chục tỷ đồng), Puluong Eco Garden, Puluong Treehouse, Puluong Natura, Puluong Ebino Spa and Resort;bên cạnh đó mô hình homestay hộ gia đình cũng đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Theo số liệu thống kê của Phòng văn hóa huyện Bá Thước, tại Khu du lịch Pù Luông tập chung chủ yếu ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng là: 80 cơ sở, với 104 nhà sàn, 152 bungalow, 238 buồng, phòng, 980 giường; công suất đón khoảng trên 1.500 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương.
Năm 2022, hoạt động du lịch ở Pù Luông tăng trưởng mạnh trở lại, trong năm đã đón được: 82.646 lượt khách vượt 122% so với năm trước, cao nhất từ trước đến nay (trong đó: khách quốc tế 5.447 lượt, khách trong nước 77.199 lượt khách) đến thăm quan và nghỉ lại tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn huyện. Từ đầu năm 2023 đến nay, du lịch Bá Thước đón 50.054 lượt khách (8.451 lượt khách nước ngoài), lượng khách trung bình khoảng trên 1.500 lượt/ngày đêm; doanh thu ước đạt trên 85 tỷ đồng...
Các sản phẩm du lịch của huyện không ngừng được làm mới, đa dạng, phong phú hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Đến đây, du khách được trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục văn hóa, thưởng thức ẩm thực dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây.