Kỷ lục về nhiệt độ nước đại dương toàn cầu có khả năng tiếp tục bị phá vỡ trong tháng 5

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:22, 29/05/2024

Tháng 5 năm nay sắp trở thành tháng thứ 14 liên tiếp mà nhiệt độ nước đại dương toàn cầu phá kỷ lục, theo trang Weatherzone.

Đây là điều khá lạ thường vì đã có những dấu hiệu rõ ràng của La Nina - hiện tượng thường làm nước đại dương mát hơn.

Theo ghi nhận, nhiệt độ bề mặt nước đại dương toàn cầu mỗi tháng đều phá kỷ lục kể từ tháng 4/2023. Tháng 5/2023 là thời điểm mà cả các đại dương lẫn nhiều quốc gia trên thế giới (bao gồm cả nước ta) ghi nhận những mức nhiệt độ kỷ lục, nhưng nhiệt độ nước đại dương vào tháng 5/2024 còn ấm hơn thế, mà ấm hơn khá nhiều.

screenshot-2024-05-28-115313.png
Ảnh: Climate Reanalyzer

Trên là bản đồ cho thấy nhiệt độ của các đại dương đã tăng lên thế nào, trong đó những vùng màu cam và đỏ là có nhiệt độ cao hơn trung bình cùng kỳ hằng năm; màu xanh da trời là có nhiệt độ thấp hơn trung bình cùng kỳ hằng năm. Mặc dù vẫn có những vùng đại dương mát hơn, nhưng những vùng màu cam và đỏ chiếm đa số, có những nơi còn đỏ sẫm, tức là nhiệt độ cao hơn trung bình khá nhiều.

Trong bản đồ, một trong những khu vực có nhiệt độ đại dương rất cao là Bắc Thái Bình Dương, gần Nhật Bản. Có những trang khí tượng nhận định rằng vì hiện tại La Nina còn khá yếu nên không có tác động đáng kể đến nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu.

Nhiệt độ bề mặt nước Biển Đông cũng cao hơn 1 - 2oC so với mức trung bình cùng kỳ hằng năm. Nhiệt độ nước biển tăng sẽ ảnh hưởng đến đời sống động, thực vật ở biển. Ngoài ra, Biển Đông có vai trò lớn trong việc điều hòa khí hậu nước ta, nên khi nhiệt độ bề mặt Biển Đông tăng lên thì dễ làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, như bão lớn, mưa lớn, đồng thời có thể làm tăng số đợt nóng ngắn hạn.

Hiện tại, nguyên nhân của chuỗi 14 tháng có nhiệt độ nước đại dương toàn cầu cao kỷ lục vẫn đang được nghiên cứu, nhưng các khả năng lớn nhất là biến đổi khí hậu, những thay đổi tự nhiên và có thể là cả khí thải từ các con tàu.

Thanh Thanh