Thúc đẩy phát triển thị trường khí Việt Nam phát triển bền vững
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 03:00, 14/09/2019
Tại Hội thảo “Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam” diễn ra ngày 12/9 tại Hà Nội, nhiều giải pháp phát triển thị trường khí đã được đề xuất, trong đó có vấn đề hoàn thiện thể chế.
Thị trường khí tại Việt Nam trong thời gian qua đạt mức tăng trưởng trên 12%/năm. Tuy nhiên, sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp so với mức tiêu thụ của khu vực và thế giới.
Ảnh minh họa
Ông Phùng Văn Sỹ, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than thuộc Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2019 – 2020, sản lượng khí khai thác dự kiến từ 10 – 11 tỷ m3/năm; từ năm 2021 – 2025 là 13 – 19 tỷ m3/năm; từ năm 2026 – 2035 từ 17 – 21 tỷ m3/năm. Theo dự báo, từ năm 2021 – 2025, Việt Nam nhập khẩu khí từ 1 – 4 tỷ m3/năm và tăng lên 6 – 10,3 tỷ m3/năm trong giai đoạn 2026 – 2035. Trong khi đó, các dự báo về nhu cầu tiêu thụ là rất lớn. Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025 từ 13 – 27 tỷ m3/năm; từ 2026 – 2035 từ 23 – 31 tỷ m3/năm để phục vụ cho sản xuất điện, hoạt động công nghiệp dân dụng…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết: “Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, bên cạnh những thành tựu nổi bật của ngành công nghiệp khí Việt Nam vẫn còn tồn tại những bất cập và khó khăn cần tháo gỡ. Hội thảo sẽ tập trung vào nhóm vấn đề: Đánh giá tổng quan thị trường khí Việt Nam, chỉ ra nhu cầu, nguồn cung trong nước về khí, có định hướng bổ sung nguồn cung, tồn trữ, phân phối tiêu thụ khí; Làm rõ những bất cập khó khăn của thị trường, đề xuất định hướng, kiến nghị hoàn thiện thể chế kinh doanh khí”.
“Thị trường khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) Việt Nam được hình thành và phát triển từ năm 1991 với sản lượng chỉ khoảng 400 tấn. Năm 1998, nhà máy khí hóa lỏng Dinh Cố đi vào hoạt động là sự kiện nổi bật đánh dấu mốc của thị trường LPG Việt Nam không còn bị phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Năm 2018, sản lượng tiêu thụ LPG của Việt Nam đạt trên 2, 1 triệu tấn, nguồn cung trong nước đạt 989 nghìn tấn chiếm gần 50 %.
Hiện thị trường khí tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 12%/năm, thế nhưng sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp so với mức tiêu thụ của khu vực và thế giới”, ông Tuấn cho biết thêm.
Về góc độ vi phạm và khó khăn trong việc xử lý vi phạm trong kinh doanh LPD, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành 1.052 lượt kiểm tra, phát hiện 562 vụ việc vi phạm trong kinh doanh LPG, tịch thu 950 chai LPG, 1.086 chai LPG mini. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên là 615 triệu đồng”.
Chia sẻ về những khó khăn, vị đại diện cho rằng: “Công tác tuyên truyền thực hiện tốt nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn cố tình sử dụng dù biết loại bình các bình gas mini trên thị trường chỉ được dùng một lần. Nhiều đại lý, điểm đổi gas nhỏ lẻ vì lợi nhuận đã tái sử dụng chai LPG mini nhiều lần cho dù loại bình đã quá cũ, gỉ sét, bong tróc sơn không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.
Trong quá trình sử dụng chai LPG của người dân thường xuyên thay đổi chủng loại, nhãn hiệu dẫn đến việc các cửa hàng, trạm chiết nạp tồn trữ chai LPG của thương nhân khác. Một số cơ sở kinh doanh LPG sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng không đảm bảo duy trì các điều kiện theo quy định, các thủ tục hành chính, con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Đề xuất các giải pháp phát triển bền vững thị trường khí Việt Nam, ông Trần Trọng Hữu kiến nghị các cơ quan quản lý cần có định hướng, khuyến khích phát triển hạ tầng phục vụ xe ô tô sử dụng LPG, CNG và LNG; sắp xếp quản lý kinh doanh khí về 2 đầu mối để đơn giản hóa thủ tục hành chính; quy định về quản lý giá; sớm ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính thay thế Nghị định 67/2017/NĐ-CP và xây dựng thông tư hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực kinh doanh khí…
Về cơ chế giá khí, đại diện Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cho rằng, trong giai đoạn tới vẫn tiếp tục cơ chế quản lý đối với giá khí theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Tú Anh (T/h)