ĐBQH kiến nghị giải pháp giảm phát thải, tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 13:30, 30/05/2024
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 29/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Nghiên cứu sâu sắc tác động của quy định thị trường carbon
Thảo luận về tình hình KT-XH, đại biểu Nguyễn Thị Lan- Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, nếu chúng ta có chiến lược rõ ràng để giảm phát thải khí nhà kính thì có thể tăng năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam, mang lại giá trị gia tăng cao trong sản xuất nông nghiệp và thu tiền từ tín chỉ carbon.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, trong 12 giải pháp chủ yếu bao trùm các lĩnh vực kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã đề ra trong thời gian sắp tới, giải pháp số 4 và giải pháp số 7 đã đề cập đến phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề giảm phát thải khí nhà kính và giao dịch tín chỉ carbon.
"Tôi cho rằng đây là một vấn đề rất quan trọng, cần phải được quan tâm thích đáng, kịp thời, thường xuyên để đảm bảo môi trường tự nhiên, ổn định đời sống kinh tế, đặc biệt giúp nông nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức của cuộc cách mạng chuyển đổi xanh toàn cầu, tiếp tục giữ được vị thế quan trọng trong bản đồ an ninh lương thực thế giới", đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu ý kiến.
Phân tích cụ thể về việc tại sao Việt Nam cần phải quan tâm đến giảm phát thải khí nhà kính và giao dịch tín chỉ carbon, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Lan cho rằng, nông nghiệp Việt Nam có vai trò rất quan trọng, là lợi thế, là trụ đỡ của nền kinh tế. Giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt khoảng 54 tỷ USD trong năm 2023. Theo thống kê, nông nghiệp là ngành tạo ra phát thải lớn khoảng 100 triệu tấn carbon quy đổi và chiếm khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam, trong đó chủ yếu từ ngành trồng lúa (chiếm 50%), chăn nuôi (19%), quản lý đất và sử dụng phân bón (chiếm 13%) còn lại là xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp.
Trong thời gian vừa qua, để thực hiện cuộc cách mạng xanh toàn cầu và thực hiện cam kết NET Zero về phát thải khí nhà kính, nhiều quốc gia trên thế giới và trong đó có nhiều nước được coi là thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã xây dựng các hàng rào kỹ thuật giảm phát thải khí nhà kính và thuế carbon hướng tới phát triển xanh bền vững, khoảng 30 nước trên thế giới đã triển khai tính thuế carbon.
Cụ thể, từ tháng 1/2025 Việt Nam xuất khẩu nông sản vào một số thị trường cần phải chứng minh hàng hóa đó không xuất phát từ việc phá rừng và từ tháng 1/2026, hàng rào kỹ thuật về phát thải carbon sẽ được áp dụng ở một số thị trường quốc tế của nông sản Việt Nam.
"Đây là một thách thức rất lớn đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là đối với Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Nếu chúng ta không có kế hoạch và các hành động cụ thể để sản xuất nông sản xuất khẩu gắn với giảm phát thải khí nhà kính thì nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sẽ bị tính thêm thuế carbon, từ đó làm gia tăng giá xuất khẩu và mất lợi thế cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đã xây dựng hàng rào biên giới về carbon.
Mặc dù có những thách thức như vậy, nhưng nếu chúng ta quan tâm sớm, đúng hướng, thực hiện một cách hiệu quả, đồng bộ, có chiến lược, có kế hoạch rõ ràng để giảm phát thải khí nhà kính, tham gia tích cực vào thị trường tín chỉ carbon thì có thể phát huy lợi thế quốc gia nông nghiệp, tăng vị thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam, mang lại giá trị gia tăng cao trong sản xuất nông nghiệp và thu tiền từ tín chỉ carbon", đại biểu Nguyễn Thị Lan phân tích.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đánh giá cao hành động của Chính phủ cam kết tham gia vào cuộc Cách mạng xanh cùng với các nước trên thế giới tại COP26 và COP28 và sẵn sàng tham gia thị trường carbon.
Việt Nam đã xây dựng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định của Chính phủ quy định về biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và thiết lập thị trường giấy phép khí carbon. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phê duyệt Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan đặc biệt đánh giá cao Đề án "Phát triển bền vững một triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế tại COP26 và COP28 về phát thải khí nhà kính.
Để giúp người dân hiểu sâu sắc về giá trị to lớn cũng như thách thức của việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon và để có thể thực hiện được cam kết của Việt Nam tại COP26 và COP28, bà Nguyễn Thị Lan kiến nghị một số vấn đề cụ thể.
Một là, cần tuyên truyền sâu rộng tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon. Giao các trường đại học, học viện xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức; cung cấp các kiến thức cơ bản về giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; giảng dạy cho sinh viên đại học và học sinh phổ thông.
Hai là, nghiên cứu sâu sắc tác động của quy định thị trường carbon của một số quốc gia đến việc xuất khẩu nông sản Việt Nam khi quy định này được áp dụng từ tháng 1/2026, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Ba là, xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, xây dựng các chính sách hấp dẫn, cụ thể, thiết thực để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia vào thị trường carbon, vừa để phát triển bền vững, vừa làm gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp trên cơ sở tham khảo các bài học của các quốc gia EU, Hà Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là hướng đi đúng đắn
Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh thống nhất cao với nội dung báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024, với 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng yếu mang tính đột phá, chiến lược để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Kế hoạch 05 năm 2021 – 2025. Trong đó, đại biểu bày tỏ đặc biệt quan tâm đến giải pháp "Sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách mới về điện như: (i) Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; (ii) khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái… lắp đặt tại nhà dân, cơ quan, công sở, khu công nghiệp tự sản, tự tiêu; (iii) phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ".
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, đây là những chính sách hiện thực hóa những cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý để khuyến khích phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phục vụ cho tiến trình xây dựng "nền sản xuất xanh” hướng đến phát triển “nền kinh tế xanh" của Việt Nam từ hội nghị COP26 năm 2021 đến nay.
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là hướng đi đúng đắn hiện nay, cần đặc biệt quan tâm và sớm triển khai thực hiện, vì đây là nguồn tài nguyên có giá trị vô cùng lớn mà thiên nhiên ban tặng, nó sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tích cực phát triển sản xuất xanh, tạo ra các loại hàng hóa xuất khẩu “Made in Việt Nam” đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn môi trường của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết, từ đó tạo ra sự tăng trưởng đột biến trong kinh tế thương mại quốc tế.
Để thúc đẩy chuyển đổi “sản xuất xanh”, ngoài việc phát triển năng lượng xanh, đại biểu đề xuất Chính phủ cần quan tâm thêm 03 giải pháp:
Một là, sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển “kinh tế xanh” như "bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất để giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong định hướng chuyển đổi xanh" hay chính sách “khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất xanh”, như cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn, giảm thuế và vay vốn lãi suất thấp.
Hai là, quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao để có thể cạnh tranh hàng hóa xanh trên trị trường FTA quốc tế.
Ba là, đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ xanh, cần tăng cường tuyên truyền, vận động xây dựng thói quen lựa chọn sử dụng sản phẩm xanh, hình thành và phát triển thị trường tiêu thụ xanh…
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, Đảng, Nhà nước đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược về biến đổi khí hậu và có sự điều chỉnh sau khi Việt Nam tham dự COP26, trong đó xác định rõ quan điểm và mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, giải pháp tăng trưởng xanh để hiện thực hóa mục tiêu này. Chính phủ đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết liên quan đến vấn đề năng lượng.
Về các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo; đã cùng với các đối tác phát triển xác định nhu cầu của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi công bằng và cần có sự tham gia một cách công bằng của các nước phát triển. Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; thành lập các tổ công tác liên quan tới giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư…. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh, sớm sửa đổi Luật Điện lực, trong đó sẽ đề cập đến năng lượng tái tạo, đề xuất các chính sách về kinh tế xanh; Đồng thời, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành nghị định về mua bán điện trực tiếp với các khách hàng lớn, trong đó tập trung năng lượng tái tạo; Sớm ban hành nghị định về điện áp mái để khuyến khích người dân tham gia đóng góp vào nguồn điện…