Thái Nguyên tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng trước những đợt nắng nóng gay gắt
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 19:30, 30/05/2024
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2024 được dự báo sẽ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt trên phạm vi cả nước.
Theo đó, để chủ động công tác phòng, chống cháy rừng từ sớm, từ xa nhằm giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, từ đầu năm đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tới người dân.
Gia đình ông Phùng Văn Độ (xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ) hiện có trên 1 ha diện tích đất trồng keo đã được 5 năm tuổi. Để hạn chế việc xảy ra cháy rừng, trước mỗi thời điểm nắng nóng, khô hanh, ông Độ đều tranh thủ lên đồi keo chặt những cây chết, tỉa những cành khô và dọn dẹp cỏ. Đặc biệt, ông Độ đã thường xuyên nhắc nhở mọi người trong gia đình không được mang theo bật lửa hay các vật dụng dễ cháy mỗi khi đi lên đồi cây.
Tương tự như ông Phùng Văn Độ, kinh tế của gia đình ông Lê Văn Thuỳ (xã Khe Mo) chủ yếu phụ thuộc vào gần 5 ha rừng. Do vậy, ngoài việc tập trung chăm sóc cây keo, ông Thùy đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống cháy rừng bởi nếu không may xảy ra cháy sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu nhập của gia đình.
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, chủ động đối phó với nguy cơ cháy rừng, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án giữ ổn định rừng.
Đồng thời triển khai sâu rộng đến các xã, thị trấn, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể phương án chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” tại các khu vực trọng điểm. Cùng với đó là chủ động rà soát, khoanh vùng trên diện tích rừng được giao và xác định các xã trọng điểm có nguy cơ cháy cao
Theo ông Nguyễn Thế Phương, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm viên trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng rộng rãi đến mỗi người dân trên địa bàn.
“Đặc biệt, lực lượng kiểm lâm địa phương đã có sự phối hợp với lực lượng công an, quân sự, các ban, ngành, tổ chức tuần tra kiểm tra và kịp thời phát hiện cũng như xử lý nghiêm minh những đối tượng gây ra cháy rừng để có tác dụng giáo dục răn đe cao”, ông Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh.
Là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường kiểm tra và tổ chức diễn tập phương án phòng, chống cháy rừng tại các địa phương. Đồng thời chuẩn bị tốt phương châm “4 tại chỗ” để không bị động, bất ngờ trước những nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố phối hợp cùng với các xã, phường, thị trấn thành lập các tổ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, đến nay, tỉnh đã thành lập một đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng; 8 tổ kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện; trên 1.000 tổ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thôn xóm với hơn 7.500 thành viên.
“Trước những dự báo về thời tiết năm nay, nguy cơ cháy rừng tiếp tục có diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, chúng tôi đã đề nghị chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng cũng như các chủ rừng tiếp tục quan tâm, phối hợp với lực lượng kiểm lâm để triển khai thực hiện tốt các phương án phòng cháy rừng đã đề ra”, ông Lê Cẩm Long cho hay.
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, thời gian qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật, chấm dứt tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản bất hợp pháp, tình trạng săn bắt, bẫy, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã. Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, theo dõi hiện trạng, diễn biến rừng.
UBND cấp xã và các cơ quan, đơn vị được yêu cầu thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng và phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Đồng thời, cần kiểm tra, rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng bảo đảm đầy đủ, sát thực tiễn, đủ khả năng ứng phó với tình huống cháy rừng xảy ra; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tại chỗ tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn…