Thầy hiệu trưởng và sáng kiến tiết kiệm điện, nước cho trường học

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 09:06, 31/05/2024

Đưa ứng dụng công nghệ thông minh vào việc sử dụng nước và điện trong toàn trường, thầy Phan Hữu Tùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 1 Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế) đã góp phần loại bỏ được khả năng rò rỉ nước, tiêu hao điện không mong muốn, qua đó đảm bảo an toàn cháy nổ và tăng tuổi thọ cho các thiết bị.

Từng đoạt nhiều giải thưởng trong đó có giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo kĩ thuật toàn quốc năm 2015; đạt 1 giải ba và 2 giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kĩ thuật cấp tỉnh năm 2015, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo, việc ứng dụng phần mền vào sử dụng nước và điện trong nhà trường là sự nối tiếp tư duy học hỏi và cập nhật công nghệ số của thầy Phan Hữu Tùng.

28-th-tung.jpg
Thầy Phan Hữu Tùng đang kiểm tra hệ thống đóng/mở điện tự động

Chia sẻ về lý do thực hiện dự án này, thầy Tùng cho biết, trường học là nơi sử dụng hệ thống điện, nước khá lớn và theo một khung thời gian nhất định trong ngày; mặt khác lứa tuổi học trò thường hiếu động, thiếu tập trung, hay quên, thiếu ý thức tiết kiệm sau khi sử dụng. Từ đó, khả năng tiêu hao do rò rỉ, lãng phí điện và nước là rất cao, tốn kém kinh phí.

“Và trên thực tế hiện nay, chưa có trường học nào ứng dụng công nghệ, ứng dụng các thiết bị thông minh để quản lí, theo dõi nhằm giảm thiểu khả năng tiêu hao điện nước. Mỗi ngày tiêu hao một ít, mỗi tháng tiêu hao một ít, cộng lại cả năm thì không phải là một ít. Chính vì vậy, bản thân tôi đã lựa chọn các ứng dụng để quản lí tự động hóa việc đóng mở nước và đóng mở điện của tất cả các phòng học của trường qua đó loại bỏ khả năng tiêu hao, lãng phí điện nước, tiết kiệm ngân sách nhà nước”, thầy Tùng nói.

Theo đó, về ứng dụng đóng/mở nước tự động gồm 1 hệ thống và 3 phần: van khóa nước, công tắc thông minh và phần mềm ứng dụng, lịch trình tự động đóng/mở nước; thầy Tùng sử dụng 1 van bi điện (loại thường đóng) và 1 công tắc (loại 1 kênh 500W) để tự động hóa việc đóng mở nước của trường. Còn về ứng dụng đóng/mở điện tại các phòng học, mỗi phòng sử dụng 1 Aptomat thông minh (loại có chức năng đo điện năng tiêu thụ) và sử dụng App Hunonic của nhà sản xuất thiết bị thông minh để tự động hóa quá trình đóng mở điện, nước theo các khung thời gian nhất định. Tất cả đều được cài đặt trên điện thoại thông minh của thầy Tùng và chia sẻ cho các giáo viên có liên quan trong nhà trường để quản lí, theo dõi và sử dụng.

28-thay-tung.jpg
Dự án của thầy Tùng được hội đồng khoa học thị xã Hương Thủy đánh giá xuất sắc 

Sau khi hoàn thành phần lắp đặt thiết bị và đưa vào sử dụng từ tháng 8/2023, trường Tiểu học số 1 Phú Bài đã phát hành tài liệu, tổ chức tập huấn triển khai đến toàn thể đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Đối với hệ thống tự động hóa đóng/mở điện: Mỗi phòng học có tối thiểu 3 người quản lí, sử dụng gồm hiệu trưởng, nhân viên bảo vệ và 1 giáo viên chủ nhiệm. Đối với hệ thống đóng/mở nước tự động chỉ có hiệu trưởng chia sẻ cho nhân viên bảo vệ cùng quản lí.

“Với kinh phí thực hiện dự án chỉ gần 50 triệu đồng, không đắt và dễ thi công thì qua quá trình sử dụng, nhà trường nhận thấy hiệu quả rõ rệt khi mỗi tháng đã tiết kiệm từ 300 – 400 nghìn đồng tiền điện và 500 – 600 nghìn đồng tiền nước. Riêng phần điện đã được Điện lực thị xã Hương Thủy đánh giá cao về sự an toàn và tiết kiệm. Ngoài ra, ứng dụng giúp tự động ngắt điện khi có các sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn cháy nổ, tăng tuổi thọ cho các thiết bị điện. Tôi nghĩ 100 % các trường học đều có thể ứng dụng dự án đặc biệt là các trường tiểu học để tiết kiệm ngân sách, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0”, thầy Tùng chia sẻ.

Được biết, dự án cấp cơ sở này đã được hội đồng khoa học thị xã Hương Thủy đánh giá xuất sắc. Ông Nguyễn Quang Bình, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hương Thủy cho rằng, dự án góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh về ứng dụng khoa học, công nghệ trong giảng dạy, học tập và trong cuộc sống; góp phần xây dựng trường học thông minh. Thời gian tới, các ngành liên quan sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả dự án để nhân rộng mô hình này đến tất cả các trường học trên địa bàn.

Hà My