Hà Giang ứng phó với thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ, ba sẵn sàng”

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:00, 02/06/2024

Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tích cực triển khai các giải pháp theo phương châm “bốn tại chỗ, ba sẵn sàng”, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Là huyện vùng cao núi đất phía Tây của tỉnh, Hoàng Su Phì có địa hình chia cắt phức tạp, địa chất không ổn định, nên nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao. Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn huyện có hàng trăm nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất đá; Diện tích cây trồng bị thiệt hại là 372,7 ha; 15 tuyến đường với 121 vị trí sạt lở gây ách tắc cục bộ. Sạt lở đất khiến 2 người chết, 2 người bị thương. Ước tổng thiệt hại do thiên tai trong năm 2023 khoảng 30 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Lý Chòi Nhàn cho biết: Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các ngành thành viên, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân; xây dựng kịch bản chủ động ứng phó các tình huống xảy ra. Rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để chủ động sơ tán, di dời các hộ ra khỏi vùng nguy hiểm. Tổ chức xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, từng bước nâng cao năng lực trong ứng phó thiên tai tại cơ sở. Sửa chữa các công trình đập dâng, kênh mương, cầu cống, đảm bảo cho việc tiêu, thoát lũ. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, thông báo, dự báo về tình hình thời tiết để nhân dân chủ động có biện pháp phòng, chống.

img_7486.jpeg
Lực lượng công an, dân quân xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: Minh Chuyên

Theo báo cáo, chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra 7 đợt thiên tai làm 1 người chết, 7 người bị thương, gần 7.000 nhà bị hư hỏng, trên 3.200 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng và nhiều trường học, công trình cấp nước, thủy lợi bị hỏng… Ước giá trị thiệt hại gần 53 tỷ đồng. Với phương châm chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tăng cường phối hợp, triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân, cộng đồng. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng KHCN, đến nay toàn tỉnh đã lắp đặt được 27 trạm đo mưa tự động. Các trạm đo mưa này cung cấp số liệu kịp thời, phản ánh chính xác diễn biến, cường độ mưa của từng khu vực trên địa bàn tỉnh, phục vụ đắc lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Xây dựng được 12 mô hình chống sét cho các hộ dân. Hoàn thành hệ thống thông tin quản lý, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai đưa vào sử dụng, vận hành từ cuối năm 2020.

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, các ngành, địa phương đã thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) gắn với xây dựng cộng đồng “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả). Thành lập Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã tại 193/193 xã, phường, thị trấn. Các huyện, thành phố đã xây dựng phương án cụ thể để chủ động trong việc chuẩn bị nguồn lực thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” như: Nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm, khu vực an toàn để sơ tán, di dời người dân đến tránh, trú... Tất cả các vị trí đường giao thông bị sạt lở được các huyện huy động máy móc, nhân lực tại chỗ đào xúc đất, san gạt thông tuyến bước 1 rất nhanh chóng, kịp thời.

Nhận định đúng diễn biến của thiên tai, các địa phương đã đề ra những giải pháp sát thực để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, hướng đến xây dựng cộng đồng “ba sẵn sàng”. Thời gian qua đã có một số mô hình sáng tạo phòng, chống thiên tai phát huy hiệu quả, điển hình như tại huyện Quản Bạ các cấp chính quyền đã vận động người dân trước mỗi mùa mưa bão chủ động gia cố, chằng néo mái nhà bằng lưới sắt B40 để chống bị tốc mái; khơi rãnh quanh nhà và trát chân tường đối với những nhà làm bằng đất để đề phòng sạt tường; qua đó đã giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngoài ra, các huyện, thành phố cũng chuẩn bị sẵn sàng phương án cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác để ổn định đời sống của người dân, di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi thiên tai xảy ra...

Dự báo thời gian tới, tình hình thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường công tác phối hợp trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ động phòng ngừa thiên tai. Tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi có thiên tai xảy ra từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, xã, thôn để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Hoài Thương