Hồi sinh các dòng sông "chết": Tích cực nhưng chưa được bao nhiêu

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 20:00, 04/06/2024

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Đặng Quốc Khánh cho hay: Luật Tài nguyên nước đặt ra yêu cầu phục hồi dòng sông chết. Trong đó, sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu… đang ô nhiễm nặng, không có dòng chảy. Vừa qua, các địa phương và bộ đã tích cực song vẫn chưa cải tạo được bao nhiêu.

Sáng ngày 4/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7.

dong-song-chet-12.jpg
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Mở đầu phiên chất vấn là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh là người trả lời chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Hồi sinh các dòng sông chết dù tích cực nhưng chưa cải tạo được bao nhiêu

dong-song-chet-13.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Nêu thực trạng về các dòng sông chết, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đặt câu hỏi về giải pháp và kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường để phục hồi và hồi sinh dòng sông chết, trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Trả lời nội dung này, bộ trưởng cho hay Luật Tài nguyên nước đặt ra yêu cầu phục hồi dòng sông chết. Trong đó, sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu… đang ô nhiễm nặng, không có dòng chảy. Vừa qua, các địa phương và bộ đã tích cực song vẫn chưa cải tạo được bao nhiêu, do các khu công nghiệp xả thải trực tiếp ra các dòng sông. Đặc biệt là cụm công nghiệp và làng nghề cũng chưa xử lý được bao nhiêu.

Thêm nữa là các đô thị như Hà Nội xả thải ra Bắc Hưng Hải mỗi ngày 260.000m3; xả thải vào sông Nhuệ là 66% nước sinh hoạt chưa xử lý… Hiện Hà Nội đã làm nhà máy xử lý với 180.000m3. Cùng với đó cần khơi thông dòng chảy, tạo sự lưu thông như tại Bắc Hưng Hải, song chưa có giải pháp căn cơ. Tiến tới thành lập ủy ban quản lý lưu vực sông, nâng cao trách nhiệm các bộ, các địa phương.

Tăng cường kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm vi phạm

Tranh luận về giải pháp hồi sinh các dòng sông chết, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) đặt câu hỏi trách nhiệm của bộ về vấn đề ô nhiễm môi trường thế nào mà tình trạng này liên tục gia tăng. Đặc biệt là xử lý với dòng sông Nhuệ, sông Đáy, đã có ủy ban được thành lập nhiều năm nhưng không hiệu quả. Đại biểu đặt câu hỏi về phương hướng xử lý tổng thể thế nào vì liên quan tới sức khỏe và đời sống hàng chục triệu dân?

Theo bộ trưởng, hiện quy định trong luật là quản lý tổ chức lưu vực sông do Thủ tướng quyết định và chỉ đạo. Thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, địa phương đã thanh tra kiểm tra, xử phạt với nhiều vi phạm. Thực chất, các dòng sông ô nhiễm, nước thải sinh hoạt tại cụm công nghiệp làng nghề đã tham gia xử lý, kiểm tra giám sát, tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm vi phạm.

Tỉ lệ nước thải thu gom thấp

Về tranh luận của đại biểu tại sao dòng sông vẫn thế và càng ngày càng nặng lên, bộ trưởng cho rằng do phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu dùng nước tăng lên, trong 50 năm qua tăng lên 3 lần. Tại các đô thị như sông Nhuệ Đáy, sông Cầu, sông Bắc Hưng Hải… khu dân cư lấp đầy, đô thị hóa dẫn tới xả thải, đặc biệt là nước thải sinh hoạt nhiều hơn mà chủ yếu là nước hóa chất từ dầu gội đầu, nước rửa chén…

Vì vậy cần tạo dòng chảy để hòa tan, làm trạm bơm Bắc Hưng Hải xử lý cục bộ. Thực hiện nạo vét, khơi thông trầm tích bùn lắng đọng bên dưới, nâng cao trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu vấn đề về ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy. Theo bà Hoa, cử tri tỉnh Nam Định và các tỉnh nằm ở lưu vực sông Đáy là các địa phương chịu tác động nặng nề của ô nhiễm nguồn nước chưa đạt tiêu chuẩn đổ vào.

Theo báo cáo của bộ, nước thải từ đô thị, làng nghề, nước thải công nghiệp chiếm tỉ lệ lớn nhất trong nước thải phát sinh. Trong khi đó tỉ lệ nước thải thu gom thấp.

Đây là vấn đề đã nêu trong nhiều nhiệm kỳ. Do đó, bà đề nghị bộ trưởng đánh giá thế nào về việc nơi nào xả thải càng nhiều thì xử lý càng ít và tình trạng đô thị xả thải, nông thôn gánh chịu. Bà cũng đề nghị cho biết bộ đã xử lý trường hợp nào chưa? Ngoài giải pháp thành lập Ủy ban lưu vực sông thì bộ sẽ phối hợp với các địa phương xử lý ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy thế nào?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ đúng là chất lượng sông Nhuệ, sông Đáy nhiều năm gần đây ô nhiễm mà chưa được cải thiện, đặc biệt các sông nội thành của Hà Nội là đầu nguồn.

Về nguồn thải ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy, theo ông Khánh, Hà Nội chiếm 65%, trong đó nước thải từ sản xuất, làng nghề. Toàn sông Nhuệ, sông Đáy có 1.982 nguồn xả thải, trong đó 1.662 nguồn thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh và 39 nguồn thải là khu, cụm công nghiệp.

Thời gian qua, bộ đã tăng cường quan trắc, phân tích môi trường trên sông Nhuệ, sông Đáy. Hiện nay có 5 điểm quan trắc tự động, 42 điểm quan trắc định kỳ môi trường nước mặt. Bên cạnh đó với các điểm xả thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thiết lập quan trắc thường xuyên, liên tục, kết nối online.

Hiện nay, bộ cũng đang kiểm tra, đánh giá mức chịu tải của các dòng sông.

Cùng với đó, việc thu gom, xử lý nước thải cần xây dựng kế hoạch và có sự vào cuộc của địa phương để chung sức, đồng lòng xử lý được nguồn thải, tạo được dòng chảy.

Về xử lý, ông Khánh cũng kiến nghị cần tuyên truyền để tăng cường ý thức cộng đồng, doanh nghiệp. "Có kiểm tra, giám sát đến mấy thì cán bộ, công chức cũng không thể làm xuể được. Ở đây phải tạo được ý thức của người dân, doanh nghiệp đảm bảo môi trường. Đó là sự phát triển bền vững", bộ trường nói.

Đồng thời, ông đề nghị trong thời gian tới, với đầu tư công cũng cần quan tâm đến thu gom, xử lý nước thải và hệ thống thủy lợi…

PV