Đắk Nông: Lợi ích “kép” từ dự án điện năng lượng Mặt Trời áp mái
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 02:32, 05/09/2019
Đắk Nông đang phát triển nhiều dự án điện Mặt Trời với quy mô nghìn tỷ tại các huyện phía Bắc của tỉnh, nơi có bức xạ nhiệt cao và khí hậu ổn định.
Theo đó, năm vừa qua UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án điện năng lượng mặt trời tại huyện Cư Jút đó là: Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút và Dự án điện mặt trời Trúc Sơn. Hai dự án có công suất thiết kế hơn 100 MW, với tổng kinh phí đầu tư gần 2.500 tỷ đồng.
Các dự án với hơn 188.000 tấm pin năng lượng mặt trời, kết nối thành các modul và đưa điện về 9 trạm biến áp.
Với nguồn năng lượng này, Nhà máy điện mặt trời Cư Jut sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện hằng năm hơn 78,55 triệu kWh/năm. Doanh thu Nhà máy điện mặt trời Cư Jút ước đạt 200 tỷ đồng/năm.
Với việc đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái nối lưới điện quốc gia giúp trường học tiết kiệm được chi phí tiền điện hàng tháng; đồng thời thông qua đó góp phần lan tỏa đến cộng đồng về ý nghĩa của việc sử dụng nguồn điện từ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội.
Cùng với việc khuyến khích người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái theo chủ trương của ngành, PC Đắk Nông còn rất quan tâm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đơn giản hóa các thủ tục thanh toán sau bán điện và các thủ tục liên quan đến việc đấu nối và vận hành hòa vào lưới điện quốc gia.
Tháng 4/2019, Nhà máy Điện Mặt Trời Cư Jút (tại thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) của Công ty cổ phần Thủy điện Miền Trung chính thức vận hành.
Đây là dự án điện Mặt Trời đầu tiên của tỉnh Đắk Nông với tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng trên diện tích gần 65ha.
Dự án được xây dựng ở vùng ven thị trấn Ea T’ling, nơi đất đai kém màu mỡ, trồng các loại cây nông nghiệp năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Dự án điện Mặt Trời áp mái đầu tiên của tỉnh Đắk Nông. Ảnh: minh họa
Theo người dân cư trú tại khối 1, thị trấn Ea T’ling, việc triển khai dự án điện Mặt Trời được người dân đồng tình ủng hộ.
Nhiều người dân địa phương, nhất là những người trẻ tuổi có trình độ học vấn đã được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc tại dự án từ lúc xây dựng đến vận hành.
Quá trình đền bù đất đai, cây trồng, vật kiến trúc để xây dựng dự án điện Mặt Trời cũng khá thỏa đáng.
Chi phí đền bù bình quân mỗi hecta khoảng 1,2 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với giá chuyển nhượng trên thị trường.
Ông Lưu Phúc Anh, Phó giám đốc Nhà máy Điện Mặt Trời Cư Jút, cho biết đơn vị chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thủy điện Miền Trung đã khảo sát nhiều khu vực trong cả nước và kết quả là khu vực huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông có tiềm năng bức xạ tốt, số giờ nắng trung bình hàng năm khoảng 2.500 giờ.
Hệ thống truyền tải điện, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện. Việc triển khai dự án nhiều thuận lợi nhờ sự ủng hộ, đồng tình của chính quyền các cấp và cả người dân địa phương.
“Chỉ số bức xạ, số giờ nắng trung bình hàng năm tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông chỉ đứng sau 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Trong khi thời tiết ở đây ổn định, ít xảy ra thiên tai nên chúng tôi đã đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy điện Mặt Trời với công suất 50MW. Sau 4 tháng vận hành, nhà máy đã đạt công suất thiết kế và sản lượng điện thu được hơn 31 triệu kWh,” ông Lưu Phúc Anh phân tích thêm.
Ông Nghiêm Hồng Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cư Jút cho biết, hiện huyện có 2 dự án điện Mặt Trời đã được vận hành thương mại với công suất gần 95MW, tổng vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng.
Có 2 doanh nghiệp đang tiếp tục khảo sát và tiến hành thủ tục để đầu tư 2 dự án mới có quy mô nghìn tỷ tại các xã Ea Pô và Nam Dong.
Cũng theo ông Nghiêm Hồng Quang, việc đầu tư các dự án điện Mặt Trời đã tận dụng được các tiềm năng của địa phương về bức xạ Mặt Trời và thời gian nắng trung bình hàng năm.
Nhiều khu vực đất đai kém màu mỡ, thường xuyên xảy ra khô hạn, khan hiếm nước tưới vào mùa khô đang trở thành miền đất hứa cho những dự án năng lượng Mặt Trời lớn.
Thời gian qua, huyện Cư Jút luôn quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư, giải phóng mặt bằng…
Huyện kỳ vọng các dự án điện Mặt Trời sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống nước sạch, đồng thời góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người dân và thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Ông Nguyễn Văn Trình, Phó giám đốc Công ty Điện lực Đắk Nông, cho biết việc phát triển năng lượng tái tạo; trong đó, có năng lượng Mặt Trời đang được Chính phủ khuyến khích.
Đây là hướng đi rất cần thiết, trong bối cảnh các loại năng lượng truyền thống như thủy điện, nhiệt điện ngày càng giảm sản lượng cũng như tính cạnh tranh.
Tại Đắk Nông, việc xây dựng, vận hành 2 nhà máy điện Mặt Trời với công suất lớn tại huyện Cư Jút đã góp phần tăng thêm nguồn cung điện tại chỗ, cũng như góp phần ổn định điện áp, lưới điện của tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung.
Phát triển các dự án điện Mặt Trời tại Đắk Nông cũng hứa hẹn giúp ngành điện Đắk Nông giảm tỷ lệ tổn thất điện nhờ gia tăng nguồn cung tại chỗ.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, ngoài 2 dự án lớn đã đi vào vận hành thương mại, hiện toàn tỉnh có 6 dự án điện Mặt Trời dự kiến xây dựng tại các huyện Cư Jút, Krông Nô.
Các dự án này đang được trình Bộ Công Thương thẩm định, bổ sung vào quy hoạch hệ thống điện quốc gia.
Đây đều là những dự án lớn, có tổng vốn đầu tư từ 1.000-4.000 tỷ đồng (công suất từ 50-162MW).
Các huyện phía Bắc của tỉnh Đắk Nông, bao gồm Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil còn nhiều tiềm năng phát triển điện Mặt Trời và đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.
Hy vọng với những chính sách hỗ trợ kịp thời của ngành Điện, việc đầu tư điện mặt trời áp mái trên địa bàn Đắk Nông sẽ thu hút nhiều người dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Ngọc Ánh (T/h)