Nông Cống (Thanh Hóa): Người dân lo lắng ô nhiễm môi trường từ dự án mỏ đất sắp triển khai

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 19:05, 09/06/2024

Với việc khoảng cách từ mỏ đất của công ty Sơn Lâm Bình An Phát nằm trên địa bàn thôn Nhuyễn Phú Lâm, xã Tượng Lĩnh (Nông Cống, Thanh Hóa) đến khu dân cư khá gần, diện tích khai thác lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngầm của người dân đang sử dụng,… thì những lo ngại của người dân nơi đây là hoàn toàn chính đáng. Vấn đề này cần được các cơ quan chức năng xem xét một cách thấu đáo, tránh để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Nỗi lo suy thoái môi trường

Thời gian qua, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống nhận được nhiều phản ánh từ người dân thôn Nhuyễn Phú Lâm, xã Tượng Lĩnh về những lo ngại và bức xúc từ dự án khai thác đất làm vật liệu san lấp sắp được triển khai trên địa bàn. Vấn đề này nghiêm trọng đến mức, hầu hết người dân thôn Nhuyễn Phú Lâm đồng loạt ký vào đơn kiến nghị gửi các cấp để kêu cứu và tìm phương án tháo gỡ. Việc phản ánh của người dân thôn Nhuyễn Phú Lâm có đúng với thực tế? Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng thế nào khi điểm mỏ đi vào hoạt động?. Trách nhiệm của chính quyền trong việc giải quyết những kiến nghị của người dân?. Để lắng nghe thấu hiểu những lo lắng của người dân nơi đây, PV đã tìm về địa phương tìm hiểu sự việc. 

anh-2.jpg
Toàn cảnh khu đất đồi sẽ bị khai thác, nằm ngay dưới chân đồi là khu dân cư và khu nghĩa trang của thôn Nhuyễn Phú Lâm

Tìm về thôn Nhuyễn Phú Lâm vào buổi trưa đầy nắng cuối tháng 5, phóng viên cảm nhận rõ về một vùng quê thanh bình, trù phú; bà con đang vào vụ gặt, hối hả trên từng cánh đồng, con đường, khoảnh sân; trên từng gương mặt tuy vất vả, nhưng đều toát lên vẻ đôn hậu, hạnh phúc;… Người dân trong thôn sống men theo sườn núi , nhà cửa san sát, ổn định từ bao đời này. “Liệu khi dự án khai thác mỏ đi vào hoạt động thì vùng quê này còn yên bình không?”, “Chắc chắn là không” - Câu hỏi của PV và câu trả lời chung của đa phần người dân nơi đây. “Môi trường sẽ bị ảnh hưởng, không khác được đâu; nào bụi bặm, tiếng ồn, không khí không còn trong lành; nghiêm trọng hơn, nguồn nước ngầm cũng sẽ bị can kiệt bởi mất rừng, mất núi;…” – một người dân thôn Nguyễn Phú Lâm bức xúc.

“Khai thác núi Mòng Gà (tên núi người dân địa phương thường gọi) này thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường; từ không khí đến đất đai, nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm; đụng chạm đến tâm linh khi điểm khai thác nằm sát trên khu vực nghĩa trang; ngoài ra, còn gây nhiều bấp cập về an ninh trật tự và giao thông;… Người dân thôn tôi có tổng cộng 422 hộ với 1.876 nhân khẩu, chủ yếu sống ven chân núi, giờ họ khai thác trên đầu như vậy thì thì tránh sao được những ảnh hưởng?” – ông Phạm Ngọc Huynh, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Nhuyễn Phú Lâm, chia sẻ.

anh-1(1).jpg
Phóng viên Tòa soạn Moitruong.net.vn làm việc với bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Nhuyễn Phú Lâm

Qua khảo sát, phóng viên ghi nhận những lo ngại, bức xúc của người dân thôn Nhuyễn Phú Lâm là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, vị trí khai thác đất của công ty Sơn Lâm Bình An Phát, khá gần khu dân cư, sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực tới cuộc sống của người dân; và với việc hơn 32 ha đồi rừng bị đưa vào khai thác, nguy cơ suy thoái môi trường là rất dễ xảy ra, từ việc không khí có nguy cơ ô nhiễm bởi khói bụi, đến viễn cảnh lượng nước ngầm sẽ bị giảm sút thậm chí cạn kiệt vì không còn nơi lưu giữ;…

anh-9.jpg
anh-4.jpg
Đơn kiến nghị của cấp ủy chi bộ thôn Nhuyễn Phú Lâm gửi các cơ quan chức năng

Đem những lo ngại của người dân thôn Nhuyễn Phú Lâm trao đổi với ông Phạm Đăng Thái - Chủ tịch UBND xã Tượng Lĩnh, phóng viên nhận được những chia sẻ thẳng thắn: “Rõ rồi, không khai thác thì không việc gì, còn đã khai thác thì sẽ ảnh hưởng về môi trường, giao thông và an ninh trật tự, điều đấy là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì mình có đất, đá, cát mình phải sử dụng thôi. Tôi nói thật, chính quyền cũng không muốn để khai thác đâu, bởi cái gì rồi cũng đến chính quyền xử lý, các ông doanh nghiệp có cam kết giảm thiểu tác động tới cuộc sống của người dân, nhưng về lâu về dài rồi lại sinh sự ra”.

Doanh nghiệp cho “côn đồ” đến hăm dọa người dân

Trong khi những mâu thuẫn nêu trên giữa người dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung, thì thời gian gần đây, doanh nghiệp lại có những hành động không khác nào “đổ dầu vào lửa”. Đó là việc tự ý cho người và phương tiện máy móc vào thi công lắp đặt cống thoát nước, chôn cột điện, tiến hành san gạt phần đất do thôn quản lý để làm đường vận chuyển, khiến bà con không khỏi bức xúc, nên đã ra ngăn chặn. Thậm chí, bất chấp pháp luật, ngày 10/4/2024, một số đối tượng lạ mặt đã vào nhà cán bộ thôn và người dân, để hăm dọa, chửi bới. Cụ thể, theo như đơn thư của các đảng viên, chi bộ và nhân dân thôn Nhuyễn Phú Lâm gửi các cơ quan chức năng, thì sáng ngày 10/4/2024, khi chi bộ thôn Nhuyễn Phú Lâm đang tổ chức hội nghị thì có 4 xe ô tô chở khoảng 20 người xăm trổ vào địa bàn gây rối trật tự. Trong đó, có ông Lương, ông Huy là người của Công ty TNHH Sơn Lâm Bình An Phát. Công ty này được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản tại xã Tượng Lĩnh. Nhóm người này đã vào gia đình ông Phạm Ngọc Huynh, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Nhuyễn Phú Lâm với thái độ hung hãn, hăm dọa người nhà ông, yêu cầu nếu ông còn tiếp tục làm Bí thư chi bộ, lãnh đạo đảng viên và nhân dân không cho công ty mở đường khai thác đất mỏ, thì sẽ cho “xã hội đen” xử lý các thành viên trong gia đình. Không dừng lại ở đó, nhóm người này tiếp tục vào gia đình ông Vũ Tiến Ca, đảng viên đang sinh hoạt trong chi bộ thôn Nhuyễn Phú Lâm hăm dọa bà Nguyễn Thị Thạo (là vợ ông Ca) với nội dung, nếu ông Ca đi họp chi bộ còn phát biểu ý kiến không cho công ty mở đường khai thác đất mỏ thì sẽ không để cho gia đình ông Ca yên.

anh-6.jpg
anh-7.jpg
Đơn kêu cứu vì bị các đối tượng "côn đồ" đe dọa tinh thần của cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Nhuyễn Phú Lâm

Chia sẻ về vấn đề trên, Chủ tịch UBND xã Tượng Lĩnh, cho biết: “Sự việc đó xảy ra vào ngày 10/4, có 2 ông bên mỏ đi cùng 3, 4 xe vào nhà Bí thư kiêm trưởng thôn và nhà ông Ca, để trao đổi, dằn mặt. Sau khi xã biết, đã giao công an xuống nắm bắt, lập biên bản. Hiện tại, công an huyện đang thụ lý điều tra”.

Để làm sáng rõ vấn đề, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn Số: 6188/UBND-TD, về việc chuyển đơn và chỉ đạo giải quyết đề nghị của ông Phạm Ngọc Huynh và một số công dân ở xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, gửi đến Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, ngày 6/5/2024, nêu rõ: “UBND tỉnh nhận được đơn của ông Phạm Ngọc Huynh và đại diện Chi bộ, các thành viên Mặt trận tổ quốc thôn Nhuyễn Phú Lâm, xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, nội dung: Xuất phát từ việc trong hội nghị Chi bộ thôn họp ngày 10/4/2024, nhân dân không đồng ý việc cho Công ty TNHH Sơn Lâm Bình An Phát, do ông Nguyễn Văn Huy là Giám đốc mở đường khai thác đất mỏ ở thôn Nhuyễn Phú Lâm; Giám đốc và Phó Giám đốc công ty cùng một số đối tượng đến gia đình ông Phạm Ngọc Huynh và ông Vũ Tiến Ca có hành vi hung hãn, đe dọa gây hoang mang trong quần chúng nhân dân; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn và có biện pháp xử lý nghiêm hành vi côn đồ, hung hãn, đồng thời đề nghị thu hồi Giấy phép khai thác mỏ đã cấp cho công ty Sơn Lâm Bình An Phát, tại thôn Nhuyễn Phú Lâm, xã Tượng Lĩnh. Sau khi xem xét, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang chuyển đơn và giao Chủ tịch UBND huyện Nông Cống chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật; có văn bản trả lời công dân và báo cáo kiến nghị UBND tỉnh những nội dung vượt thẩm quyền trước ngày 10/6/2024”.

anh-8.jpg
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Chủ tịch UBND huyện Nông Cống giải quyết đề nghị của ông Phạm Ngọc Huynh và một số công dân ở xã Tượng Lĩnh

Được biết, công ty Sơn Lâm Bình An Phát, có địa chỉ tại Lô 2.3 Khu TMDV và DC BTM1, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, được khai thác khoáng sản đất làm vật liệu xây dựng tại xã Tượng Lĩnh, huyện Nống Cống, theo giấy phép khai thác Số: 37/GP-UBND, ngày 3/4/2024. Diện tích mỏ 320.259 m2 được giới hạn bởi các điểm góc từ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15 và 16 có tọa độ xác định tại Phụ lục số 01 và trên Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản kèm theo; mức sâu khai thác thấp nhất: +10m; trữ lượng địa chất cấp 122: 13.988.209 m3; trữ lượng được phép đưa vào thiết kế khai thác: 13.988.209 m3; trữ lượng khai thác: 12.477.581 m3; công xuất khai thác: 420.000 m3/năm; phương pháp khai thác: lộ thiên; thời hạn khai thác: 30 năm kể từ ngày ký giấy phép, trong đó thời gian xây dựng cơ bản mỏ là 04 tháng.

anh-5.jpg
Từ khu nghĩa trang của thôn Nhuyễn Phú Lâm nhìn lên vị trí mỏ đất sắp đi vào hoạt động 

Khai thác tài nguyên khoáng sản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là nhu cầu chính đáng và cấp thiết của mỗi địa phương, nhất là trong bối cảnh nguồn cung vật liệu xây dựng khan hiếm như hiện tại, tỉnh Thanh Hóa cũng vậy. Tuy nhiên, làm sao để khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, lại là một bài toán nan giản?! Thiết nghĩ, sự việc xảy ra tai thôn Nhuyễn Phú Lâm phải được làm sáng rõ và xử lý nghiêm minh. Trước khi mỏ đất đi vào hoạt động, nên đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu; mọi biện pháp để giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới môi trường và cuộc sống của người dân cần phải được thực hiện khẩn trương và nghiêm túc.

Nguyễn Trường - Sơn Hà