Nhiều tỉnh ở Bắc Bộ đối diện nguy cơ lũ quét, sạt lở, sụt lún đất
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 09:30, 11/06/2024
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ 2 giờ ngày 10/6 đến 2 giờ ngày 11/6, một số tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Cụ thể, tại Trung Hòa (Hòa Bình) 104mm; Bắc Hà (Lào Cai) 154,4mm; Quảng Ngần (Hà Giang) 303mm; Phổ Yên (Thái Nguyên) 197,4mm;...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy, một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Từ 3 đến 9 giờ ngày 11/6, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa, với lượng mưa tích lũy từ 10-20mm, có nơi trên 40mm...
Đến trưa 11/6, khu vực trên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại Mường Tè, Sìn Hồ, Tam Đường (Lai Châu); Mường Ảng, Mường Nhé, Tủa Chùa, Tuần Giáo (Điện Biên); Bắc Yên, Mai Sơn, Mường La, Phù Yên (Sơn La); Lương Sơn, Tân Lạc (Hòa Bình); Bắc Hà (Lào Cai); Lục Yên, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Chấn (Yên Bái); Bắc Mê, Bắc Quang, thành phố Hà Giang, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quản Bạ, Quang Bình, Yên Minh (Hà Giang); Ba Bể, Chợ Đồn, Ngân Sơn, Pác Nặm, thành phố Bắc Kạn (Bắc Kạn); Phổ Yên, Phú Bình, Sông Công, thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên); Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng (Cao Bằng).
Các chuyên gia cảnh báo độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1, 5. Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế-xã hội.
Trước đó, từ ngày 9/6 đến 10/6, trên địa bàn tỉnh Hà Giang, mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Cụ thể, 3 người chết, 1000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại hơn 24 tỷ đồng do mưa lũ.