Giải bài toán xử lý rác thải cồng kềnh ở Thủ đô
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 14:30, 12/06/2024
Đi dọc nhiều con phố ở Thủ đô không khó để bắt gặp hình ảnh những bãi rác cồng kềnh tự phát án ngữ trên vỉa hè, thậm chí là tràn cả xuống lòng đường gây mất an toàn giao thông và mất mỹ quan đô thị. Đáng nói, theo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác tại nguồn của Bộ TN&MT, rác cồng kềnh cũng là một trong những loại rác bắt buộc phải được phân loại từ đầu năm 2025.
Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý loại rác thải cồng kềnh đang gặp không ít khó khăn. Đa số công nhân vệ sinh môi trường vẫn phải thực hiện phá dỡ thủ công tại chỗ, sau đó đưa lên xe vận chuyển đi xử lý... Hiện nay để đảm bảo an toàn cho công nhân môi trường và mỹ quan đô thị, rác thải này đã được thu gom bằng xe chuyên dụng và chở về khu xử lý chất thải Cầu Diễn để xử lý.
Là một công nhân vệ sinh môi trường, chị Nguyễn Thị Phương chia sẻ: “Trước đây, người dân vứt rác bừa bãi, đập ra xếp vào mất thời gian. Bây giờ, công ty đã có máy nghiền thì báo lên đội xe cho về điểm cẩu tập kết thì công ty bố trí xe xuống…”
Với quy trình thu gom, xử lý mới, đường đi của rác thải cồng kềnh cũng đã thay đổi. Thay vì chỉ là một loại phế thải thì giờ chúng đã trở thành một nguồn tài nguyên với kích thước nhỏ gọn, một vòng đời mới với công năng sử dụng mới và có tên gọi chung là nguyên liệu đốt hữu cơ.
Trao đổi với phóng viên của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn, ông Trần Văn Khải – PGĐ Chi nhánh URENCO Cầu Diễn cho biết: “Urenco 7 được công ty giao thí điểm thu rác cồng kềnh về nghiền tại chi nhánh Cầu Diễn, từ tháng 11/2023 phối hợp tiếp nhận rác đầu ra để cung cấp cho các lò hơi, thực hiện công tác phối hợp với tổ môi trường trên địa bàn 10 phường, đến thời điểm này là 100 tấn, bình quân từ 15-20 tấn/tháng cung cấp cho các lò hơi…”
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đầu tư máy móc, phương tiện vận chuyển đảm bảo là nguyên liệu đầu vào viên đốt cho lò hơi tái chế, tái sử dụng theo đúng lộ trình của Thành phố và bộ TN&MT. Ngoài ra, nếu tách riêng, quãng đường từ trung tâm thành phố vào Cầu Diễn ngắn hơn lên Nam Sơn, nhà nước giảm thiểu chi phí vận chuyển.”
Hiện trong thời gian thí điểm, công ty Môi trường Đô thị Hà Nội đang triển khai thu gom rác thải cồng kềnh theo 2 hình thức: Người dân mang rác thải cồng kềnh tới điểm tập kết theo quy định hoặc gọi điện thoại đến số hotline, đơn vị sẽ đến tận nhà thu gom hoàn toàn miễn phí. Dự kiến trong thời gian tới, mô hình thu gom, xử lý rác cồng kềnh sẽ được thí điểm triển khai thêm tại 4 quận nội thành. Tuy nhiên, để người dân có thể thay đổi nhận thức và hình thành thói quen phân loại rác thải nói chung thì không chỉ dừng ở việc đầu tư máy móc, trang thiết bị.
Trao đổi với phóng viên Moitruong.net.vn, bà Vũ Thị Kim Tuyến – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: “Việt Nam chưa có quy định về đổ thải cồng kềnh mặc dù tình trạng này diễn ra lâu năm mà chỉ quan tâm rác thải sinh hoạt, bây giờ phải có quy định đi liền với đầu tư kiến trúc hạ tầng và tạo điều kiện cho người dân thực hiện dễ dàng.”
Theo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác tại nguồn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác cồng kềnh cũng là một trong những loại rác bắt buộc phải được phân loại từ ngày 1/1/2025. Vì vậy, việc thí điểm mô hình thu gom, xử lý rác thải cồng kềnh là bước đệm để có những phương án hoàn chỉnh, đồng bộ hơn trong công tác xử lý loại chất thải này.